Bảo hiểm gặp khó chặng nước rút cuối năm
Bancassurance đang chững lại
Không giấu sự bức xúc khi gửi đơn cho Báo Đầu tư Chứng khoán về quá trình làm hồ sơ vay tiền ngân hàng A để mua căn hộ tại huyện Bình Chánh (dự án được ngân hàng này bảo lãnh vay vốn), anh H.H.Đ ngụ tại TP.HCM cho biết, hồ sơ đã đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, nhưng thời gian giải ngân kéo dài đến hơn nửa năm chưa xong chỉ vì trước đó anh đã từ chối mua bảo hiểm nhân thọ “ủng hộ” ngân hàng.
Thực tế, câu chuyện bị ngân hàng làm khó khi vay vốn nếu khách hàng từ chối mua bảo hiểm do ngân hàng phân phối như trường hợp anh Đ. không phải hiếm. Để ngăn chặn tình trạng này, mới đây, Ngân hàng nhà Nước đã yêu cầu các ngân hàng, đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm túc quy định về kinh doanh bảo hiểm (văn bản 7928). Cơ quan này sẽ xử lý nghiêm những ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng…
Bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là mô hình bán bảo hiểm mới được áp dụng tại Việt Nam vài năm gần đây và được kỳ vọng sẽ là kênh mang lại doanh thu lớn, tạo thế cân bằng so với kênh truyền thống là đại lý. Với mức tăng trưởng cao liên tục thời gian qua, tính đến hết năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ bancassurance chiếm hơn 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm mới của khối nhân thọ (theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm). Năm 2019 cũng là năm kênh bancassurance của một số hãng bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng đột biến, đạt 50-70% so với năm trước.
Từ đầu năm 2020, khi kênh bán hàng qua hội thảo bị “tắc” do đại dịch Covid-19 bùng phát, bancassurance càng được kỳ vọng cao hơn. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh này chỉ tăng 18%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trung bình 50%.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chậm lại do dịch bệnh được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua bancassurance sụt giảm. Những tháng cuối năm, tăng trưởng kênh này dường như khó hơn khi Ngân hàng nhà nước ban hành văn bản siết lại hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, hiện nay, nhiều ngân hàng đang phải “đẩy” doanh số bán bảo hiểm lên mức cao, hoặc nỗ lực hoàn thành mục tiêu bán hàng của những năm đầu sau khi ký hợp đồng độc quyền để lấy được hợp đồng tốt với công ty bảo hiểm, trước khi đi vào quỹ đạo ổn định trong những năm tới.
“Sẽ cần thời gian để chứng minh ngân hàng có ép mua bảo hiểm hay không, nhưng với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn trong việc bán bảo hiểm cho khách hàng vay vốn và điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh ngân hàng của cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ”, vị đại diện trên nói.
Nhà bảo hiểm nỗ lực tìm mô hình bán hàng mới
Ở “chặng đua nước rút” cuối năm, dù có thể sẽ gặp khó khăn với kênh bancassurance, nhưng giới chuyên gia nhìn nhận, khối nhân thọ sẽ vẫn về đích tăng trưởng ở mức 2 con số, trong khi khối phi nhân thọ sẽ “đuối” hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt dưới 10% do nhiều nghiệp vụ chủ chốt như bảo hiểm hàng hải, tài sản xây dựng, hàng không, xe cơ giới… sụt giảm từ đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh và đến nay chưa thể phục hồi.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.969 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe đạt 12.709 tỷ đồng doanh thu, tăng 3% và chiếm tỷ trọng 31% trong tổng doanh thu toàn thị trường.
Đáng chú ý, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới dù có doanh thu thấp hơn so với bảo hiểm sức khỏe và mức tăng trưởng cũng không cao bằng cùng kỳ năm trước, song đây vẫn được xem là “con át chủ bài” dẫn dắt tăng trưởng của khối phi nhân thọ trong năm nay với doanh thu 9 tháng đạt 12.105 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% .
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chậm lại do dịch bệnh được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua bancassurance sụt giảm
Tiếp đến là các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt 5.621 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% và chiếm tỷ trọng 14%; bảo hiểm cháy nổ đạt 4.804 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% và chiếm tỷ trọng 12%. Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt doanh thu 807 tỷ đồng, tăng 2%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính đạt 636 tỷ đồng, tăng 20%; bảo hiểm hàng không đạt 429 tỷ đồng, giảm 13%; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh đạt 194 tỷ đồng, tăng 30%; bảo hiểm nông nghiệp đạt 29 tỷ đồng, giảm 19%; bảo hiểm bảo lãnh đạt 24 tỷ đồng, tăng 8%.
Với khối nhân thọ, theo thống kê của IAV, doanh thu phí 9 tháng đầu năm 2020 toàn thị trường ước đạt 89.914 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 53,7%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp là 26,7%; sản phẩm phụ là 10,4%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là 7,3% và các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 1,92%.
Tính đến 30/9/2020, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 2.194.800 hợp đồng, tăng 13,5%. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,1% và tăng 20%; bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 5,6% và tăng 11,5%; bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 27,3% và tăng 13,8%; bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 8% và giảm 23%. Các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 3% và tăng 51,3%.
Để kịp thời bù đắp doanh thu khai thác mới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ đầu quý III/2020, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tăng cường bán các sản phẩm có thời hạn ngắn như thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe hay dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị… Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạn chiến lược mở rộng thị trường thông qua việc phát triển thêm chi nhánh, văn phòng Tổng đại lý.
Một số hãng bảo hiểm như Manulife Việt Nam đã tái khởi động kênh điện thoại và bán lẻ, Dai-ichi Life Việt Nam hay Bảo Việt Nhân thọ đã ký kết hợp tác với đối tác hoàn hoàn mới như Mai Linh hay Viettel để mở rộng sự hiện diện tới các phân khúc khách hàng khác nhau…
Có thể thấy, cách thức tìm kiếm khách hàng và phát triển doanh thu phí mới tuy khác nhau, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đều có điểm chung trong chiến lược hoàn thiện hệ sinh thái kỹ thuật số và mở rộng tối đa các kênh bán hàng mới, bên cạnh 2 kênh chủ lực là đại lý và bancassurance.
Việc thử nghiệm bán bảo hiểm qua các đối tác mới, đặc biệt là tận dụng hệ thống công nghê của đối tác để bán các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có thời hạn ngắn được nhìn nhận sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm mới về bảo hiểm. Dẫu vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đều không kỳ vọng quá nhiều vào sự tăng trưởng doanh thu với các mô hình thử nghiệm mới này.
“Đó chỉ là sự đầu tư ban đầu cho chiến lược phát triển dài hơi hơn”, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc Top đầu thị trường nhìn nhận.
No comments