Thêm nhà bảo hiểm gia hạn thời gian chậm nộp phí cho khách hàng
Đại diện Bảo Việt Nhân thọ cho biết, thời gian gia hạn đóng phí tăng từ 60 ngày lên 120 ngày đối với các khoản phí bảo hiểm có thời gian gia hạn đóng phí kết thúc từ ngày 1/3/2020 đến ngày 30/4/2020 của tất cả các hợp đồng bảo hiểm.
Đây cũng là thời gian ân hạn đóng phí dài nhất trong số các công ty bảo hiểm trên thị trường hiện nay. Thời hạn bình quân mà các công ty bảo hiểm đang áp dụng là 30 ngày. Trong thời gian gia hạn, Bảo Việt Nhân thọ không tính lãi nợ phí.
Đối với các hợp đồng chưa hết thời gian gia hạn đóng phí 120 ngày, thì vẫn tiếp tục được duy trì hiệu lực và sẽ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho đvến hết 120 ngày gia hạn. Nếu xảy ra rủi ro trong thời gian chưa đóng phí, khách hàng vẫn được Bảo Việt Nhân thọ giải quyết quyền lợi bảo hiểm và đối trừ phí nợ.
Thậm chí ngay cả với hợp đồng đã hết thời gian gia hạn đóng phí (đồng nghĩa với việc hợp đồng đã chấm dứt hiệu lực do không còn đóng phí), Bảo Việt Nhân thọ vẫn giải quyết quyền lợi bảo hiểm nếu có rủi ro bảo hiểm xảy ra trong 120 ngày gia hạn.
Tính đến nay, đã có 2 nhà bảo hiểm thực hiện gia hạn thời gian chậm nộp phí cho khách hàng.
Trước đó, Prudential Việt Nam đã tăng thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm từ 60 ngày lên 91 ngày đối với tất cả hợp đồng bảo hiểm có thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm kết thúc trong tháng 3/2020 và tháng 4/2020.
Cụ thể, đối với hợp đồng ngày gia hạn đã qua ngày thứ 60 cuối cùng trong tháng 3 và đã mất hiệu lực trong tháng 4, đồng thời đã đóng phí để khôi phục, Prudential Việt Nam sẽ miễn thẩm định sức khỏe.
Còn nếu khách hàng có sự kiện bảo hiểm không may xảy ra trong tháng 4, tháng 5 và trong thời gian gia hạn thêm, thì khách hàng vẫn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường về Công ty để thẩm định, xem xét.
Đối với các hợp đồng đã tạm ứng giá trị hoàn lại và đã phát sinh khoản giảm thu nhập đầu tư (lãi), Prudential Việt Nam sẽ miễn lãi trong thời gian gia hạn thêm.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một số công ty bảo hiểm cho biết cũng có mong muốn gia hạn nộp phí cho người tham gia bảo hiểm, nhưng còn ngần ngại thủ tục phê chuẩn từ cơ quan quản lý. Trên thực tế, Prudential Việt Nam cũng phải chờ gần 1,5 tháng để được chấp thuận.
“Cách đây khoảng 2 tháng, chúng tôi đã lên các phương án hỗ trợ khách hàng, trong đó có việc gia hạn nộp phí, và đã được công ty mẹ ở nước ngoài chấp thuận, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do còn vướng thủ tục“, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều đại lý bảo hiểm cũng mong muốn công ty bảo hiểm sớm được phê duyệt để gỡ khó cho khách hàng.
Thực tế, động thái tăng ngày ân hạn đóng phí bảo hiểm không chỉ có lợi cho khách hàng cũ, mà còn tốt cho cả các khách hàng mới mua bảo hiểm được 1-2 năm, nhất là với người mua sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (UL) hay liên kết đầu tư (ILP).
Bởi nếu không gia hạn mà để 60 ngày như hiện tại có thể khiến khách hàng đang gặp khó về tài chính bỏ hợp đồng giữa chừng.
“Tùy từng công ty, nhưng thường thì công ty bảo hiểm sẽ không gặp khó khăn gì nhiều về tài chính khi thực hiện gia hạn. Tuy nhiên, khi ra quyết định cho nộp chậm thì công ty cần cân nhắc có nên áp dụng đại trà hay chỉ dành cho những khách hàng thực sự gặp khó khăn. Bởi nếu áp dụng đại trà thì sẽ thêm áp lực cho nhà bảo hiểm”, lãnh đạo 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết.
Đồng quan điểm, nhưng một chuyên gia bảo hiểm có cách đánh giá khác: "Công ty bảo hiểm thường có nguồn tiền để dành cho việc hỗ trợ khách hàng, vấn đề là lãnh đạo doanh nghiệp có thực hiện hay không. Hơn nữa, phần hỗ trợ cho khách hàng cũng không lớn, nên không ảnh hưởng nhiều lợi nhuận”.
Ngược lại, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ khác thì cho biết, họ không thấy cần thiết phải gia hạn vì phần lớn các hợp đồng đã mất hiệu lực.
Vị này cho biết, sản phẩm bảo hiểm của hãng có 2 loại là sản phẩm hỗn hợp và sản phẩm UL, trong đó sản phẩm hỗn hợp thì mấy năm nay không bán, còn những hợp đồng đã bán đều có giá trị hoàn lại nên hợp đồng không hủy bỏ được, trong khi sản phẩm UL thì đảm bảo 4 năm đầu không hủy bỏ.
“Ngoài ra, chúng tôi có 24 tháng gia hạn đặc biệt, nên hợp đồng dù đã hủy bỏ nhưng vẫn được công ty bảo vệ khi tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn 24 tháng nữa”, vị trên nói.
Sau khi đăng tải bài báo “Ảnh hưởng bởi dịch Covid, đề xuất nộp chậm phí bảo hiểm nhân thọ lên thành 91 ngày”, Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình đối với các đề xuất đưa ra trong bài từ các thành viên thị trường. Bởi trong bối cảnh dịch Covid -19 chưa được không chế, việc cho phép khách hàng nộp phí bảo hiểm chậm sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của khách hàng không bị gián đoạn trong lúc khó khăn về tài chính. Đồng thời, động thái hỗ trợ này cũng giúp tỷ lệ duy trì hợp đồng của các công ty bảo hiểm được cải thiện.
Kim Lan
No comments