Bảo hiểm nhân thọ, nhìn từ những con số bồi thường “khủng”
22.804 tỷ đồng đã được chi trả cho khách hàng
Sau hơn 2 thập kỷ phát triển tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm nhân thọ không chỉ góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư ước đạt 329.964 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2018, mà còn thể hiện được vai trò bảo vệ người dân trước các rủi ro của cuộc sống.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhận thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 22.804 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2018 (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm).
Công ty bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam mới đây đã chi trả quyền lợi bảo hiểm gần 1 triệu đô la Mỹ cho một khách hàng.
Với sứ mệnh bảo vệ khách hàng và gia đình thông qua sản phẩm bảo hiểm phù hợp, kể từ khi hoạt động từ năm 2009 đến nay, Hanwha Life Việt Nam đã chi trả gần 532 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho hàng ngàn khách hàng.
Riêng năm 2019, Hanwha Life Việt Nam đã chi trả 172 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Mới đây nhất hãng bảo hiểm này cũng đã trao gần 21,13 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng N.T.N ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM. Đây là trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Hanwha Life Việt Nam và là một trong những ca chi trả lớn nhất của thị trường bảo hiểm nhân thọ từ trước tới nay.
Khách hàng N.T.N tham gia hai Hợp đồng bảo hiểm, gồm An Khang Tài Lộc (tham gia ngày 29/10/2015) và Tích Lũy Linh Hoạt (tham gia ngày 25/12/2015) của Hanwha Life Việt Nam.
Trong quá trình được bảo hiểm, khách hàng không may mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời vào tháng 2/2020. Ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, Hanwha Life Việt Nam đã cử đại diện công ty đến thăm hỏi, động viên gia đình khách hàng vượt qua nỗi đau mất mát, đồng thời thực hiện ngay bồi thường như đã cam kết.
Chia sẻ về ca chi trả lịch sử này, bà Nguyễn Nhã Ngọc Trâm Anh, Phó tổng giám đốc điều hành Hanwha Life Việt Nam, tin rằng đây sẽ là điểm tựa tài chính vững chắc giúp gia đình khách hàng ổn định cuộc sống và tiếp tục theo đuổi những kế hoạch dự định trong tương lai.
Bảo vệ cho khoảng 12% dân số
Từ những định kiến, dè dặt ban đầu khi đến với bảo hiểm nhân thọ vì thiếu thông tin, đến nay sau rất nhiều nỗ lực của các công ty bảo hiểm như nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua áp dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 để tăng trải nghiệm của khách hàng, đơn giản thủ tục, đưa ra thị trường các sản phẩm mới đa dạng …. bảo hiểm ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng. Thực tế điều này đã được minh chứng qua tốc độ phát triển của ngành theo từng năm cũng như mệnh giá bảo hiểm ngày càng lớn khách hàng đã tham gia trong các hợp đồng bảo hiểm.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, kết thúc năm 2019, tổng doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 129.120 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 107.793 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 21.327 tỷ đồng. Doanh thu phí khai thác mới ước đạt 35.129 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2018.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế nhưng theo thống kê sơ bộ của các hãng bảo hiểm nhân thọ, tính đến hết quý I/2020, doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới toàn thị trường nhân thọ ước tăng trưởng 18%...
“Tính đến hết năm 2019, thị trường đang có khoảng 14,53 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực. Có những người tham gia vài hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nên chúng tôi ước lượng có khoảng 11-12% người dân Việt Nam đang có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết.
Theo ông Dũng, dù người dân ngày càng nhận thức được vai trò của bảo hiểm nhân thọ và nhiều người tham gia mua bảo hiểm nhân thọ nhưng ông Dũng cho rằng, tỷ lệ dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm so với các thị trường khác còn khá khiêm tốn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình giúp đập tan định kiến “bảo hiểm mua dễ khó đòi".
Cụ thể, không chỉ tăng cường tương tác với khách hàng nhờ những ứng dụng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp cần xem xét điều chỉnh lại các mẫu quy tắc điều khoản bảo hiểm hiện có theo hướng đơn giản hóa, thiết kế sát hơn với nhu cầu và khả năng kinh tế của từng nhóm khách hàng…
“Ngoài ra, vì Hợp đồng bảo hiểm là một giao kết kinh tế nên với khách hàng để tự đảm bảo được quyền lợi của chính mình thì sự trung thực trong hồ sơ kê khai Yêu cầu bảo hiểm có tầm quan trọng rất lớn. Khách hàng cần phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này, nếu không muốn quyền lợi bảo hiểm của mình bị ảnh hưởng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngọc Lan
No comments