Breaking News

Sớm hướng dẫn xử lý hình sự tội phạm về bảo hiểm xã hội

Bộ luật Hình sự 2015 (hiệu lực 1/1/2018) có quy định các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

Thanh tra chuyên ngành BHXH tại Khánh Hòa. Ảnh: BHXH tỉnh Khánh Hòa
Thanh tra chuyên ngành BHXH tại Khánh Hòa. Ảnh: BHXH tỉnh Khánh Hòa
Tuy nhiên đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra để xử lý.
Hình sự hóa vi phạm BHXH nhưng vẫn vướng
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực BHXH. Đó là: tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (TN) (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216) và các điều luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Với Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN - tạo cơ sở pháp lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi đang gây bức xúc xã hội. Mặc dù vậy, đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Do đó, đến nay mới chỉ có duy nhất BHXH TP. Hồ Chí Minh gửi hồ sơ của 1 công ty nợ đọng BHXH sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Khắc phục tình trạng này, hiện tại, BHXH Việt Nam vẫn đang tích cực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT. Qua thanh tra, cơ quan BHXH đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT và thu hồi được nhiều khoản nợ đọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người lao động. BHXH Việt Nam cho rằng, đây là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Do đó, sẽ cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH như: hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra.
Theo TS. Nguyễn Chí Công - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao), để các quy định trên của Bộ luật Hình sự được áp dụng thống nhất, đúng quy định, thì cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Cụ thể, về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm và thực tiễn thi hành thời gian qua, có một số vấn đề cần phải hướng dẫn trong nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán liên quan đến khái niệm, tình tiết trong các điều luật, như: gian lận BHXH, BHYT, BHTN; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp...
Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành
Để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự, từ quan điểm của cơ quan công an, ông Hồ Quang Hùng - Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho rằng, cần có sự chủ động phối hợp của các bộ, ngành liên quan để sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời hướng dẫn xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này. Theo ông Hùng, bên cạnh 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên bổ sung thêm quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BHTN thay vì viện dẫn các điều luật khác để xử lý như hiện nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, trên cơ sở tách bạch Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; từ đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cho phép xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BHTN.
Còn theo BHXH Việt Nam, mặc dù việc thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam thời gian qua đã thu được kết quả khá tốt, nhưng việc thực hiện truy đóng theo các quyết định xử phạt, yêu cầu thu hồi tiền từ các đối tượng được kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện và xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm còn hạn chế. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm có dấu hiệu tội phạm tại các Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự. Trong đó, BHXH Việt Nam và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) sẽ tiếp tục duy trì nâng cao hiệu quả quy chế phối hợp mới được ký kết gần đây.
Hà My

No comments