Công nghệ đang thay đổi ngành bảo hiểm
Tại buổi tọa đàm do GoBear Việt Nam vừa tổ chức ở TP.HCM, các chuyên gia trong ngành cho rằng, công nghệ tài chính đang thay đổi diện mạo các doanh nghiệp bảo hiểm. 20 khách mời là lãnh đạo cấp cao của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản và công nghệ tài chính (FinTech), bảo hiểm tại Việt Nam tham dự tọa đàm đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến sự phát triển của công nghệ tài chính tại Việt Nam, cũng như khả năng tận dụng sức mạnh công nghệ tài chính để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
GoBear Việt Nam cũng là một nhân tố quan trọng góp phần thay đổi sự phát triển của ngành tài chính bảo hiểm Việt Nam với việc đưa ra thị trường những ứng dụng công nghệ để kết nối các công ty tài chính, bảo hiểm với khách hàng.
Kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam vào đầu tháng 12/2016 đến nay, với 5 sản phẩm là so sánh thẻ tín dụng, vay tín chấp, bảo hiểm du lịch, tiền gửi, tài khoản thanh toán và các chuyên trang về thẻ tín dụng, tài khoản thanh toán, vay tín chấp, GoBear Việt Nam đã thu hút hơn 4 triệu lượt truy cập trên trang web, hiện là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm và so sánh các sản phẩm tài chính được tin dùng hàng đầu tại Việt Nam.
Với sự phát triển của công nghệ và việc kết nối các quy trình công nghệ, không ít ý kiến nhận định, mô hình văn phòng giấy sẽ dần biến mất tại nhiều ngành nghề. Thực tế, đối với ngành bảo hiểm nhân thọ, việc thay đổi đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là các đại lý tư vấn gần như đã sử dụng máy tính bảng để tư vấn, xây dựng kế hoạch tài chính cho khách hàng.
Ở một số công ty bảo hiểm, với những hợp đồng bảo hiểm thông thường, việc thẩm định hợp đồng đã được thực hiện ngay trên quy trình “điện tử”.
Đại lý/tư vấn xây dựng hợp đồng cho khách và gửi hợp đồng về bộ phận thẩm định, nếu các thông tin được xác nhận là không có vấn đề gì vướng mắc thì hợp đồng sẽ được bộ phận thẩm định gửi lại ngay, khi đó đại lý có thể cung cấp hợp đồng cho khách hàng.
Trường hợp có những thông tin cần kiểm tra lại thì đại lý/tư vấn và bộ phận thẩm định của công ty có thể trao đổi trực tuyến để xử lý ngay.
Các hợp đồng của khách hàng cũng được công nghệ hóa và lưu trữ trên hệ thống của các công ty bảo hiểm. Khách hàng có thể chủ động vào trang web dành cho khách hàng để xem thông tin về hợp đồng, quá trình đóng phí bảo hiểm, sử dụng giá trị hoàn lại…
Ngay cả quy trình bồi thường cũng đã được các công ty triển khai đơn giản nhất có thể. Chẳng hạn, Generali đã cho ra đời hệ thống giải quyết quyền lợi bảo hiểm qua ứng dụng di động GenClaims, cho phép khách hàng nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm qua điện thoại chỉ mất 5 phút và nhận được kết quả trong vòng 30 phút.
Một số công ty bảo hiểm khác như Prudential, Manulife hay AIA Việt Nam đã hoàn tất quy trình giải quyết quyền lợi bồi thường đơn giản và rút ngắn tối đa thời gian cho những hợp đồng chuẩn.
“Chúng tôi xây dựng 4 quy trình bồi thường đơn giản để khách hàng có thể nhìn vào đó và biết hồ sơ bồi thường của mình đang nằm ở đâu trong 4 bước này. Khi hợp đồng bị giữ lại ở quy trình nào, khách hàng được thông báo rõ hồ sơ còn thiếu và cần bổ sung giấy tờ gì. Khi nhận đủ hồ sơ, thời gian để Công ty giải quyết tiếp còn bao lâu sẽ được thông báo cụ thể cho khách hàng”, đại diện AIA Việt Nam chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, cùng với việc áp dụng công nghệ để rút ngắn quy trình phát hành hợp đồng, bồi thường hay thanh toán phí, một số công ty bảo hiểm đang thử nghiệm mô hình robot tư vấn giải đáp những thắc mắc cơ bản về hợp đồng bảo hiểm, thậm chí tiến tới cung cấp cả thông tin về thời tiết, vé máy bay và các dịch vụ tiện ích khác cho khách hàng. Hiện trên thị trường đã có hai hãng bảo hiểm triển khai thử nghiệm mô hình robot chat tại Việt Nam là Prudential và AIA Việt Nam.