Breaking News

[Khoa học] Bạn có thể rèn luyện một kỹ năng trong đầu được không?


Vài năm trước, Carson Palmer - một tay ném banh cừ khôi cho đội bóng bầu dục Arizona Cardinals, bị dính chấn thương ở khuỷa tay sau một trận banh, buộc ông phải ngừng tham gia thi đấu một tuần. Nhưng trong thời gian đó, Palmer đã luôn luyện tập...trong đầu mình. "Bạn đứng ngay phía sau vị trí trung tâm và bắt đầu quan sát nếu có bóng trong tay", ông nói với ESPN. Và cách thức rèn luyện kỳ lạ này sau đó dường như lại tỏ ra hiệu quả. Sau khi bình phục, Palmer trở lại và đạt đến phong độ tốt nhất trong sự nghiệp của mình.

Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học đã luôn cố gắng để hiểu cơ chế hoạt động của việc rèn luyện trong não này. Vào những năm 1930, các nhà nghiên cứu từng chứng minh rằng khi bạn đang tưởng tượng về một hành động, bộ não của bạn sẽ bắt đầu gửi tín hiệu đến các cơ bắp. Những tín hiệu này yếu đến mức nó không thể làm cho cơ của bạn co lại, nhưng lại tỏ ra hữu ích trong việc rèn cho cơ thể khả năng thực hiện động tác đó. Ngoài ra, thực hành theo kiểu như vậy cũng có thể tạo ra một bản kế hoạch chi tiết trong đầu bạn, đóng vai trò như một tài liệu hướng dẫn cho một kỹ năng đặc biệt nào đó.

Các nhà tâm lý học chuyên về thể thao đã thực hiện hàng trăm nghiên cứu, nhằm so sánh 2 kỹ năng rèn luyện, một là trong thực tế, hai là rèn trong đầu, ở các hoạt động khác nhau như phóng phi tiêu, tung hứng và nhảy nện gót (tap dancing). Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy rằng rèn luyện trong tâm trí có hiệu quả. Chẳng hạn, một nghiên cứu thực hiện năm 2012 so sánh 32 tay golf nghiệp dư với một nhóm 32 người chỉ cầm gậy chơi golf và hình dung cách đánh trong đầu họ. Với nội dung đào tạo tương tự, cả hai nhóm đều có thể đưa bóng đến gần lỗ ở khoảng cách gần 10 cm. 

Ở cách rèn luyện trong đầu có phần lạ lẫm này, rõ ràng có một lợi thế: bạn có thể làm điều đó bất cứ nơi nào, ngay cả khi bị thương. Ngoài ra, đó cũng là một giải pháp luyện tập an toàn dành cho huấn luyện viên thể dục hay bác sĩ phẫu thuật. Chưa hết, bạn còn có thể thực hành các kỹ năng mình mong muốn trong thời gian dài hơn, vì bạn không bị hạn chế bởi sự mệt mỏi về thể chất. 

Tuy nhiên, cũng không thể nói thực hiện điều đó là dễ dàng: "Chúng tôi cho các vận động viên Olympic ngồi trong phòng thí nghiệm của mình và rèn luyện trong trí óc suốt 2 tiếng đồng hồ", Tadhg MacIntyre, một nhà tâm lý học thể thao tại Đại học Limerick (Ireland), cho biết. "Khi hoàn thành, họ hoàn toàn bị kiệt sức".

Mặc dù tỏ ra khá ưu việt ở một số khía cạnh nào đó, song phương pháp rèn luyện trong đầu được cho là không hoàn toàn có ích đối với tất cả mọi người. "Nếu bạn là một người mới, những tác động có thể mang tính tiêu cực", MacIntyre cảnh báo. "Nếu bạn đang cố gắng để hình dung ra một cú ném, và bạn thậm chí không biết phải thực hiện các động tác như thế nào, điều đó có thể khiến bạn luyện tập trong đầu các kỹ năng sai cách và kỹ năng của bạn sẽ càng kém đi”.

Tham khảo: Popsci

No comments