Breaking News

Tư vấn viên bảo hiểm, đừng tự biến mình thành "con sâu" chỉ vì lợi ích trước mắt

Tự biến thành “con sâu” thì dễ...

Bất cứ ngành nghề nào cũng có người này người kia, có người cố gắng phấn đấu để trở thành đại diện tiêu biểu cho cả một cộng đồng, và ngược lại, cũng có những người chỉ vì mong muốn, tư lợi cá nhân mà làm xấu đi hình ảnh mà nhiều người khác đã dày công gây dựng. Thực tế đó đang diễn ra trong mọi lĩnh vực, công việc, và đúng với cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Dù bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm vô cùng nhân văn, nhưng vẫn “mang tiếng ác” là lừa đảo đa cấp trá hình. Điều này xuất phát từ một số tư vấn viên không tuân thủ các nguyên tắc khi làm việc, gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra các hành động tiêu cực. Chỉ vì khoản lợi trước mắt mà họ sẵn sàng lừa khách hàng, lừa cả công ty chủ quản, và đồng thời, cũng khiến cho bảo hiểm nhân thọ bị “vạ lây”, bị gắn với cụm từ lừa đảo, đa cấp.
Thị trường bảo hiểm có rất nhiều tư vấn viên có tâm, nhiệt huyết, đam mê với nghề, luôn hết mình vì khách hàng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại những tư vấn viên làm trái với đạo đức và quy tắc nghề nghiệp, tự biến mình thành “con sâu” và “làm rầu cả nồi canh”.
Để trở thành một người có ích, kiến tạo thương hiệu cho cả cộng đồng, không có con đường nào khác cho tư vấn viên ngoài con đường khổ luyện và chấp nhận “hi sinh”.
Họ phải không ngừng học hỏi, khổ luyện, nâng cao hiểu biết và các kĩ năng chuyên môn, hi sinh nhiều thời gian, công sức, chịu đựng áp lực, cường độ cao từ công việc,. Đồng thời, họ cũng cần giữ thái độ nhã nhặn, thân thiện, đúng mực, chu đáo, kiên trì, nhẫn nại trước sự từ chối từ phía người mua.
Họ làm tất cả những điều đó vì mục tiêu lớn nhất là mang tới cho khách hàng giá trị nhân văn đích thực của bảo hiểm nhân thọ
Làm được chuyện đó không phải là điều đơn giản, nhưng tự biến mình thành “con sâu” lại dễ như trở bàn tay.

thebank_lammotdailybaohiemcotamkhohonnhieuviecloidungdanhtiengtuvanviendetrucloi_1497502124Làm một đại lý bảo hiểm có tâm khó hơn nhiều với việc lợi dụng danh tiếng tư vấn viên để trục lợi.
Hoa hồng bảo hiểm là rất lớn, nên chỉ cần phút giây nào đó “yếu lòng”, tư vấn viên để cho nó làm mờ mắt, vô tình tự ném đi danh dự và sự tôn trọng của mình với nghề nghiệp, Với một số đại lý, họ chỉ coi bảo hiểm nhân thọ như một công cụ để thực hiện mục đích cá nhân, để có được những khoản hoa hồng từ hợp đồng mà không thực sự làm việc vì tình yêu và cái tâm với nghề.
Dựa vào kiến thức về sản phẩm bảo hiểm, cũng như những kĩ năng bán hàng sẵn có, họ hoàn toàn có thể “che mắt” khách hàng.
Vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người tư vấn viên có thể đến từ việc vô trách nhiệm với công việc. Nhiều người chỉ “chăm chăm” hoàn thành hồ sơ, hối thúc khách hàng ký hợp đồng cho xong để nhận lại hoa hồng mà không hề quan tâm tới những gì khách hàng nhận được. Một vài tư vấn viên để cho người mua vội kí hồ sơ bảo hiểm khi bản thân khách hàng chưa hiểu rõ hết những quyền lợi, quy định, điều khoản trong hợp đồng. Và ngay khi rủi ro xáy ra, họ cũng thờ ơ, không mảy may tư vấn để trợ giúp cho khách hàng.
Biến thành “con sâu” cũng sẽ không khó khăn, khi chính người tư vấn lại đi thông đồng với chính khách hàng để phục vụ mục đích cá nhân. Lợi dụng sự cả tin và sự thiếu hiểu biết của khách hàng, một vài đại lý đã thương lượng chia hoa hồng bảo hiểm cho khách hàng, hứa hẹn sẽ gửi cho khách hàng 1 phần lợi nhuận nếu hợp đồng được kí thành công. Hoặc cũng có thể, họ “gợi ý” cho người mua cố tình giả hồ sơ, giấu nhẹm thông tin bất lợi, hay tự tạo ra những rủi ro, tai nạn hòng hưởng một phần số tiền chi trả bảo hiểm mà khách hàng nhận được.
Ngoài ra, cũng chỉ vì muốn sớm thành công, mong sao cho có càng nhiều hoa hồng bảo hiểm mà nhiều đại lý bảo hiểm đi ngược lại lợi ích của khách hàng. Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm đặc thù, hoa hồng tư vấn nhận được sẽ căn cứ trên mệnh giá bảo hiểm, hạn mức và phí bảo hiểm hàng kì, do đó một vài tư vấn viên sẵn sàng cung cấp cho người mua những sản phẩm không phù hợp với mong muốn và điều kiện của họ, chỉ để lợi nhuận của họ được gia tăng nhiều hơn.
Nhiều tình huống dở khóc dở cười đã từng xảy ra như: một số người có ý định nghỉ hưu lại được cung cấp sản phẩm đầu tư, hay khách hàng có điều kiện kinh tế không quá dư giả lại được “mời chào” sang các sản phẩm có mức phí cao so với khả năng của họ. Tư vấn viên bảo hiểm là người hơn ai hết nắm rõ các quy trình cũng như các sản phẩm, do đó hoàn toàn có thể lợi dụng điều đó để nhận được khoản lợi nhuận cao hơn từ hợp đồng.

Hậu quả không lường trước

Khi có sự việc phát sinh, người chịu thiệt thòi đầu tiên là khách hàng. Chiếu theo luật bảo hiểm và những quy định của hợp đồng, khách hàng sẽ không đủ điều kiện để hưởng quyền lợi khi họ đã không hoàn thành những thủ tục được yêu cầu trước đó. Những gì khách hàng nhận được lúc này chỉ là những tờ biên lai đóng phí bảo hiểm hàng kì, cùng nỗi oan ức và sự không bằng lòng.
Uy tín của những tư vấn viên gây ra tranh chấp dĩ nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng đúng thôi, vì sẽ chẳng ai dám tin tưởng, trao cả tiền bạc và sự an tâm của mình cho một người đã từng vô trách nhiệm với lợi ích của người khác.
Nhưng đâu phải chỉ mình họ “mang tiếng”, mà còn cả bảo hiểm nhân thọ, cả hãng bảo hiểm nơi họ đại diện, và thậm chí, cả công việc của những tư vấn viên bảo hiểm khác nữa cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề.

thebank_hauquatusuvotrachnhiemcuabanthanladieunhieutuvanvienkhongluongtruoc_1497501551Hậu quả gây ra với cộng đồng bảo hiểm từ sự vô trách nhiệm của mình là điều nhiều tư vấn viên không lường trước.
Công ty bảo hiểm đứng giữa việc tuân thủ theo nguyên tắc và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Không một công ty bảo hiểm nào từ chối trao trả cho khách hàng những gì họ đáng được nhận, trừ khi khách hàng không đáp ứng được đủ điều kiện. Rất nhiều trường hợp mà xét về lý, công ty bảo hiểm nhân thọ hành xử không sai, nhưng xét về tình, người mua cảm thấy không thỏa đáng với cách giải quyết của công ty bảo hiểm.
Tiếng lành đồn xa, và tiếng dữ cũng đồn xa. Những tin xấu thường được dư luận truyền đi nhanh nên vài "mẩu chuyện" không hay về bảo hiểm, dù chỉ là cá biệt, lại được nhiều người rỉ tai nhau, đồng thời cũng khiến cho suy nghĩ tiêu cực về bảo hiểm ngày một tăng lên. Sản phẩm bị mang tiếng xấu, người bán đương nhiên sẽ gặp khó khăn. Việc xây dựng lòng tin phía người dùng của những tư vấn viên khác cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Khi mọi tranh chấp lắng xuống, điều cuối cùng lại là sự hoài nghi về chất lượng bảo hiểm, tâm lí đánh đồng một trường hợp cá biệt thành đại diện cho cả một thị trường bảo hiểm, danh tiếng của hãng cũng như của nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ.

Tư vấn viên bảo hiểm – Hãy làm điều khó hơn

Đối với tư vấn viên, việc tạo lập thương hiệu cá nhân và có lòng tin của khách hàng không phải là công việc một sớm một chiều là có thể làm được. Nhưng nó có thể “tan tành” trong chốc lát khi đi ngược lại với những giá trị mà nghề nghiệp mang lại.
Việc trở thành một đại lý bảo hiểm có tâm, có trách nhiệm, luôn tôn trọng nghề nghiệp khó hơn nhiều với việc lợi dụng tư cách tư vấn viên, sử dụng chiêu trò, mánh khóe để trục lợi cho bản thân. Nhưng những tư vấn viên, hãy làm điều khó hơn!

thebank_tuvanvienhaylamvieccotrachnhiem_1497501550
Tư vấn viên hãy làm việc với trách nhiệm, sự nhiệt tình và yêu nghề. Đừng bao giờ cho phép bản thân biến thành "con sâu".
Một câu nói có thể đã được nhắc lại nhiều lần, nhưng sẽ vẫn không quá khi đặt nó như một tôn chỉ nghề nghiệp của người tư vấn viên: hãy làm việc bằng tình yêu nghề, và đặt lợi ích của người dùng lên trên hết.
Hãy mang theo sự nhiệt huyết, chân thành, hết mình khi gặp khách hàng. Hãy xem khách hàng như những người thân của chính mình, để lúc nào cũng đối xử ân cần chu đáo với họ. Liệu bạn có muốn người trong gia đình mình bị đối xử không mấy tử tế như vậy hay không? Liệu bạn có muốn người thân bị lừa, bị chiếm đoạt tiền bạc, bị oan ức một cách vô lí như vậy?
Mỗi câu nói chân thành, cử chỉ lịch thiệp của bạn đều trở thành biểu tượng cho cộng đồng tư vấn viên bảo hiểm. Ngược lại, những hành động “chộp giật”, gây thiệt hại cho người mua cũng sẽ trở thành “bằng chứng” để người ta có cái nhìn không tốt về bảo hiểm nhân thọ.
Có được nhiều hoa hồng bảo hiểm là thành công, nhưng thành công lớn hơn đối với người tư vấn là nhờ có bạn mà nhiều người được hưởng sự giúp đỡ của bảo hiểm nhân thọ để san sẻ gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống.
Do đó, các tư vấn viên đừng vì một hành động của cá nhân mình trở thành hiện tượng để xã hội đánh giá không tốt về cả thị trường và cộng đồng tư vấn bảo hiểm, đừng chỉ vì cái lợi trước mắt mà đánh mất đi danh tiếng cá nhân và sự nhân văn mà nghề nghiệp mang lại, và cũng đừng vì sai lầm của bản thân mình mà làm nhiều người quay lưng với bảo hiểm.
Hãy trau dồi cả kiến thức, kỹ năng lẫn hiểu biết, đồng thời tôn trọng giá trị, đạo đức cũng như những nguyên tắc của nghề nghiệp, để không chỉ tự hoàn thiện bản thân để không chỉ tạo ấn tượng tốt đối với khách hàng mà còn giúp cải thiện hình ảnh của cộng đồng tư vấn viên trong mắt những người còn ngờ vực, còn chưa hiểu rõ về lợi ích của bảo hiểm nhân thọ.
Theo thị trường tài chính Việt Nam