Tranh chấp với khách hàng, Prudential vẫn báo lãi nghìn tỷ
Mặc dù nắm thị phần lớn nhất trong mảng bảo hiểm nhân thọ, song sức khỏe tài chính của Prudential lại là một dấu hỏi lớn...
Dư luận thời gian qua “dậy sóng” với tranh chấp giữa khách hàng Tạ Như Hoa (Hà Nội) và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential.
Chưa rõ đúng sai trong sự việc này, song ở một diễn biến liên quan, báo cáo tài chính vừa được công bố cho thấy Prudential tiếp tục thắng lớn ở thị trường 93 triệu dân.
Năm 2016, Prudential báo lãi 1.280 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động tại Việt Nam. Tổng tài sản tăng 13,6% lên 60.079 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt 18.413 tỷ đồng.
Tham gia thị trường Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ trước, công ty con của tập đoàn Anh Quốc Prudential nhanh chóng trở thành một thế lực trong thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, vượt qua đại diện “chủ nhà” là Bảo Việt Nhân thọ để trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất nước (xét về tổng tài sản và doanh thu).
Theo báo cáo từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Prudential tính tới cuối năm 2016 chiếm tới 35% tổng tài sản của 18 công ty bảo hiểm nhân thọ hiện đang hoạt động (171.828 tỷ đồng), tổng doanh thu phí bảo hiểm chiếm 37% toàn thị trường (49.677 tỷ đồng). Về doanh thu khai thác mới, Prudential cũng đang dẫn đầu khi nắm 21,97% thị phần khai thác mới trong năm 2016, bám sát là Bảo Việt Nhân thọ (20,29%), bỏ xa nhóm phía sau (Manulife – 13,7%; Dai-ichi – 12,68%; AIA – 11,07%).
|
Dấu hỏi năng lực tài chính
Mặc dù là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Việt Nam, song nguồn lực của Prudential lại là một dấu hỏi lớn. Lần gần nhất công ty này tăng vốn điều lệ đã cách đây tròn một thập kỷ, khi năm 2007 tăng vốn từ 974 tỷ đồng lên 1.136 tỷ đồng và duy trì cho tới hiện nay.
Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với vốn pháp định 1.000 tỷ đồng đối với loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ mà Prudential đang cung cấp (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm liên kết đơn vị).
Nguồn vốn có phần “eo hẹp” khiến sức khỏe tài chính của Prudential đang bị đặt lên bàn cân. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm này đã tăng từ 11 lần năm 2006 lên 48 lần năm 2016, cao hơn nhiều các đơn vị khác (Bảo Việt Nhân thọ - 21,5 lần; Manulife - 9,6 lần; AIA - 8 lần), cho thấy sự thiếu cân bằng trong cơ cấu nguồn lực của Prudential.
Thời gian qua, kết quả kinh doanh ấn tượng của Prudential một phần không nhỏ tới từ hệ thống nhân viên tư vấn rộng khắp (theo báo cáo thường niên 2010 là 80.000 người), tạo lợi thế lớn trong cuộc đua giành thị phần với các đối thủ.
Tuy nhiên về trung và dài hạn, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ được dự báo sẽ cạnh tranh rất khốc liệt, thì nguồn lực nội tại chính là thước đo quan trọng đối với sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp.
|
Năm 2016, một loạt công ty bảo hiểm nhân thọ lớn đã mạnh tay tăng vốn điều lệ (thêm tổng cộng 4.074 tỷ đồng), trong đó đáng chú ý Cathay tăng từ 2.007 tỷ lên 3.343 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ tăng vốn 500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, Manulife tăng gấp đôi lên 1.820 tỷ đồng, Dai-ichi tăng từ 1.141 tỷ lên 1.767 tỷ đồng, Generali tăng từ 1.651 tỷ lên 2.182 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu muốn giữ vững thị phần, Prudential buộc phải tăng vốn để cải thiện năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đang đối mặt với những khó khăn nhất định trên toàn cầu (lãi sau thuế theo chuẩn IFRS năm tài chính 2016 giảm 32% so với năm 2015), chưa rõ công ty mẹ Prudential có ý định tăng vốn cho công ty con Việt Nam hay không.
Điều này nhiều khả năng sẽ tùy thuộc vào quan điểm của tập đoàn Anh đối với khoản lợi nhuận chưa phân phối rất lớn của Prudential Việt Nam (tính tới cuối năm 2016 ở mức 4.467 tỷ đồng).
Nên nhớ rằng trong giai đoạn 2007-2016, Prudential Việt Nam lãi sau thuế tổng cộng gần 9.000 tỷ đồng. Khoảng một nửa trong số này được chuyển về cho công ty mẹ. Mặc dù vậy, tập đoàn Anh chưa bỏ 1 đồng tiền lãi nào để tăng vốn cho công ty con trong một thập kỷ qua.
Nghi Điền
Người Đưa Tin