Thất bại trong việc chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại
Đây là một câu nói tôi đã đọc được từ lâu, nhưng mãi đến bây giờ mới có dịp trải nghiệm sự sâu sắc của nó.
“Failing to prepare is preparing to fail.”
Tôi trải nghiệm câu nói này trong một hoàn cảnh khá thú vị, trong một chuyến leo núi tại một kỳ tập huấn nội bộ của công ty tôi. Đây không chỉ là một hành trình đi thăm thú đây đó, mà đây quả thực là một hành trình vượt lên trên chính bản thân mình. Chúng tôi phải đi gần 15 cây số đường rừng trong vòng một ngày, hết leo lên đỉnh, rồi thì lại đổ dốc đi xuống. Vỏn vẹn trong vòng sáng đến tối của một ngày.,
Tôi đã nhìn thấy nhiều bước chân mệt mỏi, những hơi thở khó nhọc, những cái nhăn mặt của bạn bè tôi. Đây quả thật là một hành trình không mấy dễ dàng với họ. Nhưng riêng tôi, thì tất cả những điều này lại hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của tôi, vì tôi đã chuẩn bị cho điều này từ 2 tuần trước.
Suốt 2 tuần trước đó, gần như ngày nào tôi cũng ép bản thân phải chạy hoặc đi bộ đủ 5 cây số, bất kể là có bận bịu cách mấy đi nữa. Nếu sáng không đi được thì tối đi, tối không được thì gần khuya đi. Nói chung, hai tuần đó là hai tuần tôi chuẩn bị điên cuồng cho chuyến đi này trong khi bạn bè của tôi không mảy may để tâm đến việc đó.
Chính vì thế, chuyến đi này với tôi là một chuyện hoàn toàn bình thường, vì tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Và ngay trong chuyến đi ấy tôi cảm nhận rất rõ câu nói “Thất bại trong việc chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại”.
Thất bại trong việc chuẩn bị…
Chúng ta rất hay coi thường giai đoạn chuẩn bị này. Và ý của tôi là chuẩn bị cho bất kỳ chuyện gì của bản thân mình từ thể chất, tài chính, thành công, tư duy, các mối quan hệ, tình cảm…
Chúng ta ít chuẩn bị cho nó vì nó mệt và chán. Nó vượt khỏi vòng tròn thoải mái của chúng ta. Ví dụ như việc chạy 5 cây số mỗi ngày với tôi thật ra cũng không phải là một hoạt động quá vui gì. Cũng có những lúc tôi muốn bỏ cuộc, nghỉ giữa chừng nhưng sau đó lại vẫn phải ép bản thân mình làm cho bằng được.
Tuy nhiên giai đoạn chuẩn bị này là rất quan trọng, thậm chí có thể nói là quan trọng nhất. Vì nếu không có giai đoạn này, bạn sẽ không thể nào nắm bắt lấy được cơ hội khi nó đến với bạn. Bởi vì nếu bạn không chuẩn bị, bạn làm gì có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để làm điều đó đúng không?
Một ví dụ khác về sự chuẩn bị là của vị huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại John Wooden. Mỗi buổi tập của ông đã được lên kế hoạch rất kỹ càng và chi tiết đến từng phút một. Ông đã huấn luyện cho học trò của mình đến mức mọi thứ trở thành tự động với họ và họ biết tới lúc nào thì mình cần phải làm gì. Chính vì thế, khi thật sự vào trận đấu chính thức, đội của ông có khả năng phối hợp với nhau hết sức ăn ý và nhanh như chớp. Vì sao? Vì họ đã chuẩn bị rất kỹ từ trước đó rồi.
Là chuẩn bị cho sự thất bại…
Nếu tôi không chuẩn bị cho việc leo núi, chắc chắn tôi đã gặp thất bại.
Nếu một doanh nhân không chuẩn bị những gì cần thiết cho bản thân về mặt kỹ năng và tư tưởng, có thể họ sẽ dễ dàng thất bại.
Nếu một cầu thủ không chuẩn bị kỹ càng cho thể lực và kỹ thuật của mình, có thể người đó sẽ thất bại.
Nếu một người không biết yêu thương chính bản thân mình (giai đoạn chuẩn bị) thì có lẽ người đó sẽ thất bại trong các mối quan hệ.
Không phải ngẫu nhiên mà có người kinh doanh thành công trong cuộc sống.
Không phải ngẫu nhiên mà có người có được mối quan hệ khiến bạn phải ghen tỵ.
Không phải ngẫu nhiên mà một người vận động viên có một thành tích đáng kinh ngạc.
Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sĩ có thể cho ra đời một tác phẩm lay động lòng người.
Tôi nghĩ có lẽ bạn đã hiểu ý tôi muốn nói ở đoạn này.
Không bất kỳ một ai có thể thành công mà thiếu đi giai đoạn chuẩn bị. Bạn không nên đổ lỗi cho sự không thành công của mình bởi tại cái này, cái kia. Tốt nhất bạn nên tự hỏi liệu mình đã chuẩn bị đủ hay chưa? Có gì mình có thể làm tốt hơn nữa được hay không? Lên một danh sách những việc bạn cần làm để chuẩn bị cho thành công của mình. Và sau đó hãy làm đi. Just do it.
(Sưu tầm)
No comments