Rủi ro thiên tai ép căng nhà bảo hiểm
Một năm khó khăn kép
Năm 2020 được xem là năm khó khăn kép cho các ngành kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng, khi đầu năm không có doanh thu vì dịch bệnh, còn giữa năm thì bão lũ.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 35.979 tỷ đồng. Con số này dù tăng 6%, nhưng so với mức tăng gần 15% của cùng kỳ năm 2019 thì thấp hơn đáng kể.
Bên cạnh tăng trưởng chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn đối mặt với nguy cơ tăng tỷ lệ bồi thường vì thiên tai bất khả kháng. Số liệu từ IAV, cho biết, 8 tháng qua, tỷ lệ bồi thường của khối phi nhân thọ đạt khoảng 34,68% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Đó mới chỉ là những con số ban đầu, bởi đến thời điểm này, nhiều nhà bảo hiểm vẫn đang căng mình cập nhật tổn thất do bão lũ tại khu vực miền Trung. Đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, đang phối phợp với các bên liên quan để xác minh mức tổn thất liên quan đến bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới…
“Việc xác minh thiệt hại và giám định tổn thất để làm căn cứ bồi thường trong bối cảnh bão lũ như vừa qua rất khó khăn không chỉ với các giám định viên của PTI, mà các công ty bảo hiểm khác cũng gặp tình trạng tương tự”, đại diện PTI nói.
Còn theo Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), thống kê sơ bộ về thiệt hại sau các cơn bão lũ tại một số tỉnh miền Trung tính đến gần cuối tháng 10/2020 của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật là hơn 16 vụ tổn thất, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là trên 80 vụ tổn thất, ước thiệt hại nhiều tỷ đồng…
Trước đó, vào trung tuần tháng 7/2020, các công ty bảo hiểm đã hứng chịu nhiều tổn thất về xe cơ giới và các công trình tài sản trong trận lũ tại Hà Giang. Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật cũng ghi nhận những vụ thiệt hại gia trị hàng chục tỷ đồng đối với các tổn thất của 2 vụ liên quan đến hạng mục xây dựng công trình đường.
Sống chung với lũ, nhà bảo hiểm phải chủ động hơn
Theo Tạp chí Sigma của Swiss Re, những tổn thất do thiên tai trên thế giới đã tăng lên trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019 chủ yếu do các sự kiện thuộc “hiểm họa thứ hai” như bão và lũ lụt tăng lên và mức tăng được dự báo sẽ chưa dừng lại do khí hậu vẫn tiếp tục ấm lên.
Theo các chuyên gia trong ngành, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng quy mô của các sự kiện thuộc hiểm họa thứ hai và những tổn thất liên quan. Đối với ngành bảo hiểm, khả năng sinh lợi dài hạn phụ thuộc vào việc mô hình hóa và định phí thành công rủi ro thuộc loại hiểm họa thứ hai vốn khó đánh giá hơn rủi ro chính.
Tại Việt Nam, tổn thất do thiên tai, bão lũ gây ra là mối đe dọa thường trực đối với việc kiểm soát tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm. Những trận mưa to, úng ngập cục bộ diễn ra ngày càng thường xuyên ở các đô thị sẽ làm gia tăng tỷ lệ bồi thường. Chưa kể, các thiệt hại về tài sản kỹ thuật cũng phát sinh trong đợt mưa lũ. Trước đó, năm 2019, thị trường đã ghi nhận nhiều tổn thất cả về người và tài sản liên quan đến tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp với trận ngập lụt nghiêm trọng tại 2 thành phố Thái Nguyên và Vinh...
Trước thực tế thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra có xu hướng gia tăng trên thế giới và khu vực, một vài năm trước đã có đề xuất và bàn thảo về sự cần thiết của việc phát triển sản phẩm bảo hiểm thiên tai trong dài hạn nhằm chuyển đổi từ cơ chế tài chính thụ động (tài trợ sau khi thiên tai xảy ra) sang cơ chế tài chính chủ động (tài trợ trước khi xảy ra thiên tai).
Theo đề xuất này, để phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng và giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai, chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh.
Tuy nhiên, với Việt Nam, do việc áp dụng bảo hiểm thiên tai đối mặt với nhiều khó khăn như mức độ thâm nhập còn thấp (thường chỉ có tài sản thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp lớn tham gia bảo hiểm tài sản), chưa có quy định giám sát thận trọng về bảo hiểm thiên tai, phí bảo hiểm thiên tai chưa được tính toán đầy đủ…, nên đến thời điểm này vẫn chưa có một sản phẩm bảo hiểm thiên tai trong dài hạn.
Để thích nghi với tình hình mới, các công ty bảo hiểm Việt Nam cần có chính sách quản lý rủi ro tốt hơn cho danh mục khai thác bảo hiểm của mình. Điều này không chỉ nhằm kiểm soát soát tốt tỷ lệ bồi thường, mà còn mang lại một vị thế tốt trong việc đàm phán với đối tác tái bảo hiểm.
No comments