Cẩn trọng tạm ứng tiền từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mọi thời điểm các công ty bảo hiểm nhân thọ đã nỗ lực xây dựng nhiều quyền lợi hơn cho khách hàng.
Chẳng hạn, nếu khó khăn về đóng phí, khách hàng được gia hạn, khách hàng cũng có thể vay lại giá trị hợp đồng của mình... Nhưng khách hàng cần cân nhắc quyền hạn luôn đi kèm nghĩa vụ để hợp đồng không bị mất hiệu lực.
Cùng với việc phát triển các kênh đóng phí bảo hiểm ngày càng đa dạng, tiện lợi hơn bao giờ hết, từ đóng phí online, offline, đến một số hợp đồng còn cho phép tự động trích phí từ giá trị tài khoản…
Để hỗ trợ các khách hàng nếu có khó khăn trong việc đóng phí định kỳ, đa số công ty bảo hiểm đều có quy định gia hạn đóng phí cho khách hàng trong thời gian thường là 60 ngày (tùy điều khoản sản phẩm quy định).
Trong thời gian gia hạn đóng phí, hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực, người tham gia vẫn nhận được quyền lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian này.
Tuy nhiên, những khoản phí vẫn không được đóng khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp.
Một là hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại (thông thường là mới mua dưới năm 2) thì hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực do công ty bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm).
Hai là khi hợp đồng có giá trị tài khoản hợp đồng, bao gồm bảo tức tích lũy (nếu có), lãi tích lũy (nếu có), quyền lợi tiền mặt tích lũy (nếu có) và trừ đi khoản nợ nếu có, thì sẽ được công ty bảo hiểm tự động khấu trừ phí bảo hiểm hàng kỳ từ giá trị tài khoản hợp đồng.
Nếu giá trị tài khoản hợp đồng nhỏ hơn phí bảo hiểm của kỳ đóng phí hiện tại, thì hợp đồng bảo hiểm tự động chuyển sang kỳ đóng phí ngắn hơn (theo tháng) để tiếp tục đóng phí.
Cho đến khi giá trị tài khoản hợp đồng còn lại trừ đi khoản nợ nếu có mà không đủ đóng phí kỳ hiện tại, thì hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực kể từ khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí.
Sau thời gian này, nếu không được đóng phí, hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm có thể bị mất hiệu lực.
Tuy nhiên, để có thể tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm này, khách hàng cũng có quyền yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng bằng văn bản trong vòng 24 tháng kể từ ngày hợp đồng chấm dứt hiệu lực và giá trị giải ước (nếu có) chưa được thanh toán.
Tạm ứng, một trong những quyền lợi khác trong hợp đồng bảo hiểm được hầu hết các công ty đưa vào là trong quá trình tham gia bảo hiểm, khi hợp đồng bảo hiểm có giá trị tài khoản (thông thường phải từ năm thứ 3 trở đi hợp đồng mới có giá trị tài khoản,) thì khách hàng có thể yêu cầu tạm ứng tối đa 80% giá trị tài khoản hợp đồng sau khi trừ đi các khoản nợ nếu có.
Đồng thời, khách hàng phải thanh toán lãi cho khoản tạm ứng theo mức lãi suất tại từng thời điểm mà công ty công bố….
Được biết, mức lãi suất tạm ứng giá trị hoàn lại hiện nay các công ty bảo hiểm đang áp dụng là từ 8,5% /năm đến hơn 10%/năm tùy từng công ty bảo hiểm. Giá trị “tài khoản hợp đồng” là số tiền hiện có trong tài khoản hợp đồng bảo hiểm .
Giá trị tài khoản hợp đồng được hình thành từ phí bảo hiểm phân bổ và lãi đầu tư sau khi khấu trừ các loại phí và chi phí.
Đây là một quyền lợi rất ưu việt mà các công ty bảo hiểm dành cho khách hàng, nhưng thực tế không phải khách hàng nào cũng để ý đến quyền lợi này.
“Chưa có tới một phần ngàn khách hàng dùng quyền lợi này. Dù xu hướng tạm ứng gần đây có gia tăng so với trước, nhưng vẫn còn thấp. Nếu khách hàng thực sự khó khăn tạm thời về tài chính thì có thể sử dụng quyền lợi này, thủ tục khá đơn giản và nếu trả đủ thì không ảnh hưởng gì đến giá trị hợp đồng”, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, tại một số công ty bảo hiểm nhân thọ, số lượng khách hàng tạm ứng lại giá trị hợp đồng cũng không nhiều.
Nhưng các công ty cũng nhìn nhận, nếu dịch bệnh kéo dài khiến khách hàng gặp khó khăn kinh tế, thì có khả năng tỷ lệ vay lại giá trị hợp đồng sẽ tăng.
“Thực tế thì bất đắc dĩ và cần tiền trong thời gian ngắn khách hàng mới dùng đến quyền lợi này, vì nếu quên hoàn trả thì hợp đồng bảo hiểm sẽ không còn giá trị hiệu lực. Thường khách hàng sẽ cố gắng giữ hợp đồng bảo hiểm trong những lúc thế này vì các công ty bảo hiểm cũng có quy định gia hạn hợp đồng bảo hiểm 60 ngày cho khách chưa kịp đóng phí định kỳ”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Theo phản ánh của các công ty bảo hiểm, dịch bệnh xảy ra khiến người dân bây giờ quan tâm nhiều hơn đến bảo hiểm.
Chính vì thế, doanh thu phí mới quý I/2020 mới giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan. Và ngày càng nhiều khách hàng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của các hợp đồng bảo hiểm.
Gia Linh
No comments