“Bộ Tài chính cần minh bạch quỹ bảo hiểm xe cơ giới“
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe gắn máy đang thành từ khóa rất được quan tâm, là chuyên gia trong ngành, ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Đúng là người dân Việt Nam như đang sôi sục với nhu cầu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (tạm gọi là bảo hiểm bắt buộc), đặc biệt là bảo hiểm xe máy.
Việc tham gia loại hình bảo hiểm này là cực kỳ quan trọng và tối cần thiết. Lý do chính ở đây là ý nghĩa của loại hình bảo hiểm trên với việc đảm bảo cho quyền lợi của chính người bị nạn trong các vụ tai nạn.
Được biết đến cuối năm 2019 số lượng xe máy đang lưu thông đạt khoảng 59 triệu xe với giá phí bảo hiểm vào khoảng 66.000 đồng/xe, thì thị phần của loại hình bảo hiểm này có tiềm năng lên đến gần 3.800 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ. Dù là một mảng thị trường béo bở như thế, nhưng người dân không hề thấy hấp dẫn chút nào.
Vì sao lại có hiện tượng như vậy, thưa ông?
Theo tôi, đó là do hiện nay, đại bộ phận người tham gia bảo hiểm xe máy đều cho rằng rất khó thu đòi bồi thường từ các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (xe máy). Lý do phổ biến là người tham gia không biết phải tìm hiểu cách thu đòi bồi thường như thế nào vì khi tham gia bảo hiểm không hề được tư vấn, cũng như hướng dẫn cách thức yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm một cách chi tiết, đầy đủ.
Hơn thế nữa, chính vì không được tư vấn, nên còn khá nhiều người nhầm lẫn giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe. Đó là lý do vì sao có việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với giá 20.000 đồng.
Kế đến, phần lớn các công ty bảo hiểm yêu cầu nhiều loại giấy để có thể giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới gồm: Mẫu đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hoàn chỉnh, có chữ ký hợp lệ; các hóa đơn y tế gốc cùng với chi tiết về các chi phí y tế phát sinh; các giấy chứng nhận y tế liên quan tới việc điều trị/nhập viện; biên bản báo cáo chính thức về vụ tai nạn, tức là biên bản tai nạn, biên bản của cảnh sát có xác nhận của cảnh sát, trạm cảnh sát hoặc cơ quan chức trách địa phương có liên quan tại hiện trường vụ tai nạn; bản sao giấy chứng tử (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào); chứng từ chứng minh mối quan hệ của bên thụ hưởng/xác nhận quyền thừa kế hợp pháp (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào).
Trong các loại giấy tờ trên thì mục thứ tư là cái rất khó khăn để có thể thu thập được trong khá nhiều trường hợp. Khi mà doanh nghiệp bảo hiểm không công nhận việc thỏa thuận bồi thường giữa hai bên. Chính yêu cầu này mà hầu như người tham gia bảo hiểm đều từ bỏ việc yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Thêm vào đó, mục d, khoản 2, Điều 17, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phải “Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, rất nhiều người phản ánh rằng họ phải tự đi thu thập đầy đủ các chứng từ trên thì mới được giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Như vậy, trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp bảo hiểm ở đâu? Và có cách nào để người tham gia bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp để thu thập các loại giấy tờ trên hay không?
Người dân muốn được nhận lại những gì mình đã bỏ tiền tham gia hơn là một mảnh giấy chỉ để đối phó với việc kiểm tra của cảnh sát giao thông.
Ngoài ra, Việt Nam có một quỹ tài chính mang tên Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nhân sự đóng góp hàng năm và được Bộ Tài chính giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý kể từ năm 2009.
Nói cách khác, quỹ này được đóng góp bởi những người tham gia bảo hiểm, nhưng thực sự những người tham gia bảo hiểm không hề biết chính xác quỹ được dùng làm gì, vì không hề có thông tin gì về số liệu chi tiêu cũng như cách thức chi tiêu của quỹ.
Có phải ý ông là cần minh bạch Quỹ bảo hiểm xe cơ giới?
Đúng vậy. Bộ Tài chính cần minh bạch cho người tham gia bảo hiểm được biết về quỹ này chứ không phải chỉ dừng ở việc chia sẻ thông tin ở cấp nội bộ (chỉ Bộ Tài chính, Hiệp hội, công ty bảo hiểm mới biết).
Xét về bản chất, nguồn quỹ này là từ tiền phí của người tham gia bảo hiểm mà ra nên họ có quyền được biết quỹ đó đang đi đâu về đâu, tức là phải minh bạch đầy đủ các thông tin liên quan đến quỹ.
Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới được lập nhằm phục vụ cho việc chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trong trường hợp cơ quan chức năng không xác định được phương tiện gây tai nạn. Hoặc xe không tham gia bảo hiểm, xe có tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường vì bị loại trừ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, quỹ nhằm phục vụ mục tiêu giảm tổn thất tai nạn.
Theo thông tin từ Quỹ này, thì 10 năm qua (2009 - 2019), Quỹ đã tài trợ hơn 70 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với mức kinh phí 120 tỷ đồng nhằm giúp đảm bảo an toàn, giảm thiểu số vụ và tổn thất trong các vụ tai nạn giao thông.
Trong khi đó, số tiền chi hỗ trợ nhân đạo trong khoảng thời gian trên chỉ gần 1 tỷ đồng (hỗ trợ nhân đạo gần 50 trường hợp trên toàn quốc, tối đa 20 triệu đồng/một trường hợp).
Tôi cho rằng, 120 tỷ đồng và gần 1 tỷ đồng là 2 con số đáng phải suy ngẫm, cho thấy sự mất cân bằng.
Ngoài minh bạch hóa, thì cần tuyên truyền sâu rộng hơn đển nhiều người dân hơn vì hầu hết người dân đều chưa biết nhiều đến Quỹ này. Như thế, Quỹ mới phát huy tác dụng và ý nghĩa cao cả của mình. Quỹ càng minh bạch thì người tham gia bảo hiểm càng an tâm, bớt thờ ơ.
Các nước thì sao, thưa ông?
Ở Mỹ thì không có Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới như Việt Nam. Việc xử lý mọi thứ liên quan đến giao thông là do cục công chánh làm. Cộng đồng các công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm chăm lo khách hàng.
Tuy nhiên, có những lái xe không đáp ứng được yêu cầu tham gia bảo hiểm ở khu vực tư nhân thì họ có thể tham gia vào một chương trình bảo hiểm trách nhiệm lái xe mang tên Maryland. Quỹ này do các công ty bảo hiểm tư nhân đóng góp và có cơ chế báo cáo rất minh bạch cho cả các công ty bảo hiểm tham gia và cho mọi người có thể giám sát.
Mức đảm bảo cũng tương đối cao: 40.000 USD/tổn thất về người và 15.000 USD cho thiệt hại tài sản. Bên cạnh việc đóng góp của các công ty bảo hiểm, thì có một phần đóng góp của cơ quan quản lý xe cơ giới từ tiền phạt các lái xe không có bảo hiểm.
Từng bang của Mỹ đều có một quỹ riêng. Quỹ này cũng được đóng góp từ nhiều nguồn. quỹ này sẽ hỗ trợ chi trả các chi phí cho nạn nhân (chủ yếu là chi phí y tế) trong trường hợp bị tai nạn xe mà không biết đối tượng gây tai nạn hoặc đối tượng gây tai nạn không có bảo hiểm.
Sau khi tiến hành chi trả thì cơ quan quản lý quỹ bảo vệ nạn nhân này có quyền theo đuổi việc điều tra và khởi kiện đối tượng gây tai nạn để thu hồi lại các khoản tiền đã hỗ trợ nạn nhân. Các nước phát triển có những luật riêng để bảo vệ cho người bị nạn trong các vụ tai nạn xe cơ giới với tiêu chí đảm bảo cho người bị nạn trước và thu hồi từ người gây tai nạn sau.
Như vậy, chúng ta thấy họ phạt nặng các lái xe không mua bảo hiểm cũng như vi phạm luật an toàn giao thông và trích một phần phí phạt để hỗ trợ người bị nạn.
Hầu hết các nước phát triển đều có quỹ bảo vệ nạn nhân của các vụ tai nạn xe cơ giới.
Và dù là quỹ nào, thể hiện dưới tên gọi nào, theo tôi biết, cũng đều được minh bạch hóa đến từng con số. Thế mới gọi là quỹ tài chính.
Kim Lan thực hiện
No comments