Từ vụ “mạo danh” đối tác, nhìn lại công tác quản lý đại lý bảo hiểm nhân thọ
Từ thực tế các cuộc tranh chấp bảo hiểm trong thời gian qua, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA cho rằng, ngoài những đại lý bảo hiểm tâm huyết, trách nhiệm với nghề, vẫn còn số đông đại lý bảo hiểm nhân thọ, bất kể là đại lý cá nhân hay tổ chức, kể cả bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) đều hoạt động theo tư duy ngắn hạn, chộp giật và khó kiểm soát. Nguyên nhân chính là do áp lực doanh số bảo hiểm, áp lực tuyển dụng đại lý mới, trong khi nhiều công ty bảo hiểm lơ là với công tác đào tạo.
Còn đại lý bảo hiểm cá nhân Hồ Thị Ngọc Như cho biết, khó có một con số thống kê chính xác về số lượng đại lý bảo hiểm vừa có tâm, vừa có tầm, nhưng ước tính chỉ đạt tỷ lệ khoảng 10 - 15% trên tổng số đại lý hiện nay.
Ðáng chú ý, theo ông Trương Minh Cát Nguyên, việc kiểm soát nguồn nhân sự đại lý bảo hiểm gần như bỏ ngỏ.
“Gần như không có cơ quan nào kiểm tra hay xử phạt đội ngũ này. Việc xử phạt mới chỉ dừng ở xử lý nội bộ, cao nhất là chấm dứt hợp đồng, đưa vào danh sách đen của Hiệp hội Bảo hiểm, do các công ty bảo hiểm thực hiện, nhưng hầu như không được công khai chi tiết hành vi vi phạm, hay danh tính cụ thể”, ông Nguyên nói.
Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Ðán nhận xét, thời gian bị "treo giò" ở danh sách đen là 3 năm. Tuy nhiên, nếu thôi làm đại lý thì các đối tượng thuộc danh sách đen vẫn có “cửa” làm cộng tác viên, tiếp tục hoạt động trên thị trường bảo hiểm.
“Ðại lý bảo hiểm giúp cân bằng một phần thế yếu của khách hàng với công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu đại lý chỉ chăm chăm kiếm tiền mà không hoàn thành trách nhiệm tư vấn thì khách hàng lãnh đủ”, ông Ðán nói và đề xuất, pháp luật cần quy định rõ đại lý bảo hiểm là ai, đại lý phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ và chỉ có đại lý mới được tư vấn bảo hiểm nhân thọ. Ðồng thời, cần hướng tới việc thành lập Hiệp hội Quản lý đại lý bảo hiểm, hoạt động tách rời khỏi cơ quan quản lý lẫn Hiệp hội Bảo hiểm, nhằm quản lý đội ngũ này cũng như bảo vệ khách hàng, vì thị trường bảo hiểm bền vững.
“Hiện có hơn 600.000 đại lý đang hoạt động nhưng chưa có một tổ chức nghề nghiệp nào quản lý, khiến nhiều hành vi xấu không có cơ hội phản biện hoặc đấu tranh. Nếu có các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp thì các tổ chức này hoàn toàn có quyền xử lý hay phối hợp xử lý, hoặc bảo vệ quyền lợi cho các đại lý khi có những tranh chấp với doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Nguyên nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ có kênh phân phối đa dạng (đại lý độc lập, ngân hàng, bưu điện, tổng đại lý, đại lý tổ chức - môi giới…) đi kèm với các chính sách hoa hồng, tưởng thưởng khác nhau, cùng với cách thức quảng bá hình ảnh theo nhiều hình thức của các đại lý, các thành viên kinh doanh. Vấn đề không phải là khách hàng của các đại lý độc lập hay thành viên của các tổ chức môi giới thì được tư vấn tốt hơn, mà cái chính là người khách hàng đó có may mắn gặp được một người tư vấn giỏi và có tâm hay không. Do đó, năng lực hoạt động của đại lý bảo hiểm chiếm vai trò quan trọng.
“Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nên kiểm tra tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm 2 năm đầu tiên tại từng công ty bảo hiểm và buộc từng công ty phải công bố công khai hàng năm. Bản thân các công ty bảo hiểm cũng phải tự giám sát tỷ lệ này. Từ đó, các đại lý bảo hiểm làm ăn thiếu đàng hoàng hay còn gọi là “game thủ” sẽ không có “đất sống”, chị Như kiến nghị.
No comments