Breaking News

Tham gia CPTPP: Thị trường bảo hiểm đối mặt với cạnh tranh lớn

 Việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở rộng cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa thị trường, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Tham gia CPTPP sẽ làm tăng nhu cầu và cơ hội phát triển
Tham gia CPTPP sẽ làm tăng nhu cầu và cơ hội phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam cả chiều rộng và chiều sâu.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) nước ngoài cũng là thách thức lớn đặt ra.

Cùng cạnh tranh theo luật
Hiện tại, các cam kết của Việt Nam về lĩnh vực bảo hiểm bao gồm cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ là: cung cấp dịch vụ qua biên giới; tiêu dùng ở nước ngoài; hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân. Các DN bảo hiểm (DNBH) nước ngoài nếu đủ điều kiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ được phép thành lập DN và chi nhánh phi nhân thọ tại Việt Nam; không phân biệt đối xử giữa DNBH Việt Nam và nước ngoài. DNBH phi nhân thọ nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm nước ngoài được cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua biên giới (không có hiện diện thương mại) theo các quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Về phía các DNBH Việt Nam, khi tham gia vào thị trường CPTPP, cũng phải tuân thủ những quy định mới và đối diện với sự cạnh tranh cao, bởi các DNBH nước ngoài có thâm niên hoạt động theo cơ chế thị trường và có nền tài chính hùng hậu.

Hiện nay, Việt Nam có 64 DN hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm, 14 DN môi giới bảo hiểm. Năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 24% so năm 2017; tổng giá trị tài sản của các DN kinh doanh bảo hiểm đạt 384,1 nghìn tỷ đồng. Năm qua, ngành này đã đầu tư trở lại nền kinh tế gần 320 nghìn tỷ đồng. Thị trường bảo hiểm Việt Nam mặc dù đang tăng trưởng song quy mô vẫn còn ở mức khá nhỏ; tỷ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên toàn thế giới.

Tác động hai mặt 
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Nhã - Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện, tham gia CPTPP sẽ làm tăng nhu cầu và cơ hội phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam cả chiều rộng và chiều sâu, cả trong nước và ở nước ngoài. Nhu cầu bảo hiểm tài sản và bảo hiểm du lịch trong và ngoài nước sẽ gia tăng cùng chiều với hoạt động giao thương kinh tế, văn hóa, du lịch đầu tư, làm ăn vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài...

Việc mở cửa rộng hơn thị trường bảo hiểm sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ bảo hiểm. Từ đó, người dùng có thêm cơ hội lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm với chất lượng cao hơn.

Tham gia CPTPP, sự can thiệp và bảo hộ của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ ngày càng giảm, buộc các DNBH Việt Nam trở nên năng động hơn, chuyên môn hóa sâu hơn và phát triển các dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, khai thác hiệu quả hơn nhằm mở rộng thị phần trên thị trường trong và ngoài nước. Các DNBH phải nâng cao năng lực cạnh tranh từ khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm, quản lý hợp đồng và khách hàng, quản trị rủi ro, quản trị và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính. Đây có thể coi là áp lực lớn đối với DNBH Việt Nam. Các DNBH phi nhân thọ tại Việt Nam phải nắm bắt nhu cầu để phát triển các sản phẩm hoặc cải tiến sản phẩm phù hợp yêu cầu của nền kinh tế như: bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm công trình quy mô lớn, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu, bảo hiểm ô nhiễm môi trường, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý…

Năng lực quản trị, điều hành của các DNBH Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là còn yếu. Trên thực tế, một số DNBH phi nhân thọ vẫn đang áp dụng mô hình quản lý phi tập trung, phân cấp, hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức. Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và xu hướng chung của thế giới, theo TS. Nguyễn Thị Kim Nhã, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị và từng bước chuyển sang giám sát theo phương thức rủi ro.

 Ngoài ra, tham gia CPTPP khiến việc giữ chân nhân tài, tránh sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao  sang các nước khu vực cũng là một trong những thách thức lớn của các DNBH Việt Nam. Đây là những điều cần tính để chúng ta tận dụng được cơ hội đến từ thị trường hơn 500 triệu dân này.
Minh Anh

No comments