Breaking News

Bảo Hiểm Và Những Nghịch Lý




Nếu gia đình bạn có một cái máy in tiền và mỗi tháng cái máy này mang đến cho bạn 10 triệu đồng, thì bạn có muốn được bảo đảm là khi nó bị sự cố, bạn sẽ có tiền để sửa chữa hoặc khi nó bị hư hỏng hoàn toàn, mỗi tháng gia đình bạn vẫn nhận được 10 triệu đồng? Có lẽ ai cũng sẽ trả lời ngay là “có”. Tuy nhiên, khi được hỏi: “Bạn chính là cái máy in tiền của gia đình. Vậy bạn có muốn mua bảo hiểm cho chính mình không?”, thì nhiều người lại ngập ngừng.

Phần đông những người sở hữu xe ô tô ở Việt Nam đều mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, để đề phòng trường hợp xe bị hư hỏng do tai nạn hay mất cắp. Tuy nhiên, rất ít người mua thêm bảo hiểm tai nạn cho những người ngồi trên xe. Do đó, nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng, thì gia đình họ có thể được bồi thường một chiếc xe khác, nhưng có thể họ sẽ mất hoàn toàn nguồn thu nhập từ những người trụ cột.

Đó là chưa kể đến việc nếu chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, thì gia đình họ có thể còn phải trả thêm rất nhiều tiền để bồi thường cho người bị hại. Bởi vì, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường đến mức 50 triệu đồng/người/vụ đối với tổn thất về người và 50 triệu đồng/vụ đối với tổn thất về tài sản.

Nhiều người có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng để đi du lịch nước ngoài, nhưng lại không mua bảo hiểm du lịch, vốn chỉ mất vài chục ngàn đồng mỗi ngày, để có thể yên tâm trước hàng tá những rủi ro khi ở nước ngoài như bệnh tật, tai nạn, thất lạc hành lý, mất giấy tờ hay tiền bạc...

Theo nghiên cứu của tác giả Bùi Thế Công (“Trong miền an sinh xã hội”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005), có đến gần 55% những người ở độ tuổi 60 - 69 và 26% những người trên 70 tuổi vẫn còn làm việc để kiếm tiền; chỉ khoảng 23% người già trên 60 tuổi có thể sống nhờ trợ cấp hưu trí hay tài sản để dành. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chỉ có khoảng 6% người Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ để tiết kiệm cho tương lai. Rõ ràng, mua bảo hiểm để đề phòng những rủi ro trong cuộc sống và tích lũy cho tương lai là cần thiết, nhưng nên mua bảo hiểm như thế nào?

Về ngân sách, bạn chỉ nên đầu tư khoảng 5 - 10% thu nhập cho bảo hiểm. Điều này giúp bạn có thể yên tâm về khả năng đóng phí bảo hiểm nếu bị giảm thu nhập trong tương lai. Bạn cũng nên xem xét mua bảo hiểm bổ sung khi thu nhập gia tăng hoặc khi số tiền bảo hiểm bị giảm giá trị do lạm phát.

Bạn nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm mang tính bảo vệ trước khi mua các sản phẩm thiên về tiết kiệm như hầu hết các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Trước hết, bạn nên đảm bảo là người trụ cột gia đình được bảo hiểm ở mức 3 - 4 năm thu nhập trong trường hợp tử vong hay mất khả năng lao động, thông qua bảo hiểm tử kỳ hay một sản phẩm tương tự. Cũng nên mua bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, để có thể yên tâm về chi phí y tế. Khá nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ có bán các sản phẩm này. Đối với những sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, phí bảo hiểm chỉ tính bằng đơn vị phần trăm của số tiền bảo hiểm, nên bạn không cần phải quá lo lắng về chi phí.

Tiết kiệm thông qua bảo hiểm nhân thọ phù hợp với các mục tiêu dài hạn và có tính an toàn cao. Đây cũng là cách tốt nhất để bạn tạo áp lực cho chính mình trong việc tiết kiệm một cách thường xuyên. Bạn có thể chọn cách tiết kiệm cố định với bảo hiểm hỗn hợp hay tiết kiệm linh hoạt với bảo hiểm liên kết chung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi mua bảo hiểm nhân thọ, bạn chỉ được hưởng lãi dựa trên một phần trong tổng phí bảo hiểm mà bạn đóng. Do đó, thông thường lợi nhuận từ bảo hiểm nhân thọ không thể cao bằng lãi suất ngân hàng. Tất nhiên, ngân hàng sẽ không trả cho gia đình bạn một số tiền lớn nếu bạn gặp rủi ro như tai nạn, bệnh tật hay tử vong.

Mặc dù bảo hiểm đã tồn tại hàng trăm năm và vô cùng hữu ích, nhưng rất ít người tự đi mua bảo hiểm, nên các đại lý bảo hiểm vẫn cứ phải thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, những hợp đồng bảo hiểm liên quan đến con người thường kéo dài từ 1 năm đến trọn đời và các công ty bảo hiểm luôn rất thận trọng trong việc xây dựng điều kiện, điều khoản bảo hiểm. Tuy nhiên, rất ít khách hàng dành thời gian xem kỹ giấy yêu cầu bảo hiểm hay điều khoản bảo hiểm trước khi đặt bút ký, đặc biệt là khi mua bảo hiểm từ người thân. Thế nên, chuyện khách hàng bị từ chối bồi thường vì vướng phải điều khoản loại trừ xảy ra khá thường xuyên và những lời phàn nàn về bảo hiểm không bao giờ chấm dứt.

No comments