Năm 2019, bảo hiểm đặt mục tiêu tăng trưởng 25%
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại buổi lễ.
(ĐTCK) Năm 2018, ngành bảo hiểm ước đạt mức tăng trưởng 24% và năm 2019 đặt mục tiêu tăng trưởng 25%.
Tăng cường quản trị rủi roTại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày 18/12/2018, ông Trần Vĩnh Đức, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, toàn thị trường bảo hiểm đặt mục tiêu năm 2019 tăng trưởng 25% doanh thu phí bảo hiểm, trong đó dự kiến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 35%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10%.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cũng như sự phát triển của công nghệ 4.0, thị trường bảo hiểm đặt ra những yêu cầu để tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới.
Theo đó, IAV cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về bảo hiểm, tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, cùng xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đào tạo cán bộ…
Theo IAV, năm 2018, doanh thu toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng cao hơn năm 2017, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của nền kinh tế và xã hội.
Cụ thể, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 133.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 45.000 tỷ đồng doanh thu và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 87.000 tỷ đồng doanh thu.
Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục được nâng cao. Dự kiến, đến cuối năm 2018, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 248.000 tỷ đồng, tăng 31%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 76.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến quản trị rủi ro, tại buổi lễ, ông Huỳnh Quang Hải đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục cùng với Hiệp hội, Bộ Tài chính xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, đặc biệt là phân tích, đánh giá, đề xuất mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, cách thức quản trị rủi ro nhằm phù hợp thông lệ quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đáp ứng mô hình vốn và chuẩn mực kế toán, góp phần đưa thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển.
Một trong những chủ điểm mà các doanh nghiệp bảo hiểm hướng đến trong năm 2019 là chạy đua tăng chất lượng bồi thường.
Năm 2018, với việc áp dụng bồi thường bảo hiểm thời 4.0, một số doanh nghiệp bảo hiểm ở cả hai khối phi nhân thọ và nhân thọ như Bảo hiểm Viễn Đông, Bảo hiểm Bảo Việt, FWD… đã ra mắt các công cụ hỗ trợ về bồi thường nhanh cho khách hàng.
Trên quy mô toàn thị trường, IAV nhận xét, năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và được khách hàng tin cậy.
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, toàn thị trường ước chi 36.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi 17.000 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi 18.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề buổi lễ, tổng giám đốc một số doanh nghiệp bảo hiểm nhận định, không quá khó để thị trường bảo hiểm năm 2019 đạt được mục tiêu tăng trưởng 25%, khi mức tăng trưởng trên 20% đã được duy trì trong nhiều năm qua. Thị trường tăng trưởng cao nhưng vẫn quản trị được rủi ro, hoạt động hiệu quả, sinh lời và mang tính bền vững.
Thu hút dòng vốn ngoại
Theo các doanh nghiệp, một trong những điểm nhấn của ngành bảo hiểm trong năm 2018 là thu hút thêm không ít vốn đầu tư nước ngoài và dự báo tiếp tục hấp dẫn dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Vốn ngoại sẽ góp phần củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn trong hoạt động, nâng cao quản trị điều hành, phát triển nền tảng công nghệ thông tin, phát triển các kênh khai thác khách hàng, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp.
Đối với khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, điểm nhấn trong thu hút dòng vốn ngoại 2 năm gần đây đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau Bảo hiểm Petrolimex thì Bảo hiểm VietinBank (VBI) vừa xác nhận thông tin về việc bán cổ phần cho đối tác Hàn Quốc. Buổi lễ ký kết, công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược và mua bán cổ phần sẽ diễn ra ngày 21/12/2018 tại Hà Nội.
Thông tin của VBI trước đó cho biết, một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất của Hàn Quốc là Bảo hiểm hàng hải và cháy nổ Hyundai (HMFI) sẽ mua 25% cổ phần VBI.
Tích cực tái đầu tư
TTrên quy mô toàn thị trường, bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Trần Vĩnh Đức, năm 2018, ngành bảo hiểm còn tồn tại một số hạn chế như một số doanh nghiệp chưa hợp tác tốt trong việc chia sẻ thông tin khách hàng; vẫn còn hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh; chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp chưa đồng nhất…
Năm 2019, ông Đức tin tưởng, thị trường bảo hiểm tiếp tục có vị trí quan trọng trên thị trường tài chính, riêng số tiền được đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.
Năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, với tổng vốn đầu tư ước đạt 319.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2017.
Kim Lan
No comments