Big data không chỉ phục vụ thẩm định và bồi thường bảo hiểm
Sự phát triển của Big data (dữ liệu lớn) sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác của các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm, các công ty khởi nghiệp trong ngành bảo hiểm (Insurtech) để cùng giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội mà xu hướng này mang lại.
Một nghiên cứu toàn cầu của Công ty Tái bảo hiểm RGA về những bước đột phá trong ngành bảo hiểm từ makerting, định phí rủi ro đến dịch vụ khách hàng cho thấy, nhu cầu và thói quen của khách hàng đã thay đổi rất nhiều.
Theo các chuyên gia trong ngành, không riêng gì ngành bảo hiểm nhân thọ, mà các lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng cần phát triển Big data.
Chẳng hạn, hiện tại, các tư vấn tài chính tìm hiểu đặc điểm rủi ro của khách hàng bằng cách lấy thông tin với bảng câu hỏi, rồi từ đó phân tích các dữ liệu để đưa ra gói sản phẩm phù hợp. Nhưng sau đó, họ phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để có thể tư vấn và cung cấp gói sản phẩm phù hợp hơn với những khách hàng có đặc điểm rủi ro tương tự.
Đối với ngành bảo hiểm, nếu trước đây các công ty bảo hiểm chỉ đưa ra sản phẩm và bán cho khách hàng thì hiện tại, khách hàng hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm cần mua.
Big data sẽ giúp các công ty bảo hiểm dễ dàng phân tích nhu cầu, thói quen… của từng phân khúc khách hàng nhỏ hơn và thiết kế những sản phẩm đến gần hơn với nhu cầu của khách hàng.
Ông Joey Zhou, Giám đốc bộ phận phát triển sản phẩm khu vực Đông Nam Á của Công ty Tái bảo hiểm RGA cho biết, thông tin khách hàng mà các công ty bảo hiểm có được từ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm là rất giới hạn, chỉ biết giới tính, tuổi, nghề nghiệp.
Tuy nhiên, khi các công ty áp dụng công nghệ thì có thể khai thác thêm rất nhiều dữ liệu thông tin từ khách hàng. Chẳng hạn chỉ từ phim XQ có thể phân tích ra nhiều thông tin và nguy cơ rủi ro khác…
RGA đã có một khảo sát với các công ty bảo hiểm quanh câu hỏi: Họ kỳ vọng lợi ích gì từ Big data? Phần lớn câu trả lời là Big data có thể phục vụ cho công tác thẩm định và bồi thường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, Big data có thể làm được nhiều hơn thế. Chẳng hạn, các công ty bảo hiểm có thể thu nhập dữ liệu khách hàng bằng các thiết bị y tế đeo tay đơn giản để biết được bước đi, nhịp tim… để từ đó đo lường sức khỏe và có cách tính phí phù hợp với mỗi khách hàng.
Thậm chí, từ những dữ liệu đó, các công ty bảo hiểm có thể hướng khách hàng tới việc điều chỉnh lối sống sinh hoạt lành mạnh hơn…
Là một trong những thương hiệu sớm sử dụng Big data vào phục vụ hoạt động kinh doanh, ông Lý Nhơn, Phó tổng giám đốc chiến lược tiếp thị thương hiệu và truyền thông của AIA Việt Nam cho biết, với việc cho ra mắt chương trình AIA Vitality, với chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện dựa trên những nghiên cứu khoa học, Công ty cam kết giúp đỡ người dân sống lâu hơn, khỏe hơn và tốt hơn.
Thay đổi thực sự bắt đầu từ những bước nhỏ và AIA hỗ trợ mọi người trên từng bước của mọi chặng đường.
Việc công ty bảo hiểm cập nhật sự thay đổi của sức khỏe khách hàng mỗi năm cũng khiến các khách hàng cảm thấy doanh nghiệp quan tâm tới sức khỏe của khách hàng hơn (hiện tại, các công ty bảo hiểm chỉ thẩm định đầu vào một lần trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm).
Dù không thể phủ nhận vai trò của Big data trong xu thế phát triển của ngành bảo hiểm, nhưng các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, việc xây dựng Big data phải nhìn cả khía cạnh chuẩn mực đạo đức.
Cụ thể, đâu là điểm dừng của việc thu nhập thông tin khách hàng, các công ty bảo hiểm có tuân thủ chặt chẽ vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khách hàng hay không? Bên cạnh đó, còn mối lo ngại về chất lượng đầu vào của dữ liệu.
Ông Joey Zhou nhận định, khách hàng châu Âu và hay châu Mỹ rất nhạy cảm trong việc cung cấp thông tin cá nhân. Họ có thể trả giá dịch vụ cao hơn để được bảo mật thông tin.
Trong khi đó, tại châu Á, khách hàng chưa có nhiều quan tâm về thông tin cá nhân nên khả năng thu nhập thông tin sẽ có phần dễ dàng hơn.
Theo đại diện Cục Giám sát và quản lý bảo hiểm, tất cả vấn đề này là cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu và cơ quan quản lý sẽ đề ra các chính sách quản lý thị trường bảo hiểm phát triển phù hợp hơn.
No comments