Breaking News

Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho dịch vụ bổ trợ bảo hiểm

Hiện Việt Nam đã có những cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ bổ trợ bảo hiểm (BH) tại các FTA; cam kết này cũng đã được khẳng định trong Hiệp định CPTPP. Cơ quan quản lý BH cho biết, sẽ sớm tạo dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ bổ trợ BH phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường.

bo tro bao hiem
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh L.N
Dịch vụ bổ trợ phát triển song hành với thị trường BH
Tại “Hội thảo phổ biến và thảo luận về cam kết dịch vụ tài chính trong lĩnh vực BH” vừa được tổ chức mới đây, các diễn giả cho biết, tại hầu hết các nước, sự phát triển của thị trường các dịch vụ bổ trợ BH luôn đi kèm với sự phát triển của thị trường BH.
Cụ thể, tại Anh, sau một quá trình phát triển, các dịch vụ bổ trợ BH đã được phân hóa thành từng mảng dịch vụ chuyên sâu với sự tham gia đa dạng của nhiều công ty có chuyên môn khác nhau. Ví như: dịch vụ tính toán phí bảo hiểm (Acturial) gắn với một số công ty có tên tuổi nổi tiếng như Mercer, Willis Towers Watson, Jardine Loyld Thompson… Dịch vụ giám định tổn thất gắn với tên tuổi của các công ty như McLarens Inc., Cunningham Lindsey,…  Các dịch vụ như tư vấn BH, quản lý rủi ro, giải quyết bồi thường thị phần thuộc về các công ty môi giới BH như Marsh, Willis Towers Watson, Aon…
Tại một số nước như: Hàn Quốc và Malaysia, Úc, Trung Quốc…, thị trường các dịch vụ bổ trợ BH cũng phát triển mạnh mẽ; được sự quản lý của cơ quan nhà nước chuyên ngành, nhằm đảm bảo không có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các nhà cung cấp dịch vụ với bên mua BH và công ty BH. Cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đặt ra các tiêu chuẩn về vốn, năng lực cá nhân của tổ chức thực hiện dịch vụ...
Cũng theo các chuyên gia, hiện có một số dịch vụ bổ trợ BH được sử dụng nhiều là: dịch vụ tư vấn; dịch vụ đánh giá rủi ro; dịch vụ actuary; dịch vụ hỗ trợ giải quyết bồi thường bao gồm giám định tổn thất… 
Các công ty môi giới BH được phép mở rộng nội dung hoạt động, nghĩa là không chỉ đơn thuần thu xếp đơn BH mà còn được thực hiện các dịch vụ bổ trợ BH cho các đối tượng khách hàng như: công ty BH, các bên trong hợp đồng tín dụng, bên mua BH sức khỏe cho người lao động…
Tại hội thảo, báo cáo từ các công ty môi giới BH tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các công ty BH đang sử dụng dịch vụ bổ trợ BH. 20/21 công ty BH được khảo sát khẳng định rằng, có sử dụng ít nhất một dịch vụ thuê ngoài trong 3 năm gần đây và đã chi trả gần 400 tỷ đồng cho dịch vụ thuê ngoài. Trong đó, dịch vụ thuê nhiều nhất là đánh giá rủi ro (chiếm 22%); dịch vụ giải quyết bồi thường (chiếm 21%); dịch vụ giám định tổn thất (chiếm 19%); dịch vụ tư vấn BH (thiết kế sản phẩm, thống kê số liệu) chiếm 16%...
Đặc biệt, trong số các công ty BH đã sử dụng dịch vụ bổ trợ BH có đến 88% cho biết, sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ bổ trợ BH và đánh giá rằng, những dịch vụ này cần thiết đối với sự phát triển của công ty.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các công ty BH tại Việt Nam sử dụng các dịch vụ bổ trợ BH bởi nhiều lý do như: thiếu nhân lực nội bộ đáp ứng yêu cầu hoặc theo yêu cầu của bên thứ ba là khách hàng, công ty tái BH; nhu cầu quản lý rủi ro nội bộ của doanh nghiệp; nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng…
Các công ty BH sử dụng các dịch vụ bổ trợ để hỗ trợ công ty trong việc khảo sát rủi ro đối với tài sản, công trình lớn, phức tạp; khám sức khỏe cho khách hàng tham gia BH nhân thọ; tư vấn để thiết kế và triển khai các chương trình BH mới, phức tạp; thống kê dữ liệu tổn thất và tư vấn kiểm soát tổn thất...
Sẽ tạo khung pháp lý để phát triển dịch vụ bổ trợ BH
Phát biểu tại hội thảo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh, đi cùng với sự phát triển của thị trường BH Việt Nam là sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ bổ trợ BH, đây là xu hướng tất yếu. Thực trạng thị trường BH Việt Nam cũng cho thấy dịch vụ bổ trợ BH đang có ảnh hưởng ngày càng lớn tới chất lượng dịch vụ BH, tới sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động bổ trợ BH tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có quy định pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn hoạt động, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan. Việc cung cấp nội địa các dịch vụ bổ trợ BH tại Việt Nam chưa được đa dạng, chưa phải là thế mạnh so với các nhà cung cấp dịch vụ đang hoạt động tại những thị trường nước ngoài.
Một số chủ thể có khả năng cung cấp dịch vụ bổ trợ BH trong nước như doanh nghiệp môi giới BH lại chưa có quy định pháp lý rõ ràng cho phép cung cấp dịch vụ bổ trợ BH theo năng lực đã có. Việc quản lý, giám sát các hoạt động bổ trợ BH liên quan đến hoạt động kinh doanh BH chưa được thống nhất trong tổng thể nội dung quản lý, giám sát thị trường BH.
Đại diện cơ quan quản lý BH cho biết, trong thời gian tới sẽ cùng các bên liên quan  tiếp tục nghiên cứu về hoạt động bổ trợ BH, làm cơ sở cho những đề xuất chính sách như: nội dung hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động, nguyên tắc hoạt động, trách nhiệm nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ bổ trợ BH; các yêu cầu về khả năng tài chính, biện pháp đảm bảo quyền lợi khách hàng; kiểm tra giám sát…
Cơ quan quản lý sẽ đề xuất các chính sách tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động bổ trợ BH phát triển trong tổng thể hành lang pháp lý của hoạt động kinh doanh BH, đáp ứng sự đòi hỏi tất yếu từ yêu cầu phát triển ổn định của thị trường BH Việt Nam và thể chế hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này./.