Bảo hiểm siêu xe: Phí lớn thì rủi ro cao
Liên quan đến vụ siêu xe Ferrari gặp nạn mới đây của ca sỹ Tuấn Hưng do bị mất lái, đâm vào lan can trên đường từ Lào Cai về Hà Nội rạng sáng ngày 16/10/2018 và bị hỏng toàn bộ phần đầu xe, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà bảo hiểm cho chiếc siêu xe này là hãng bảo hiểm có thị phần lớn trong nước.
Dù là các dòng xe cơ giới bình thường hay xe siêu sang, theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe ô tô (chủ xe bắt buộc phải mua theo quy định của pháp luật) thì các chủ xe có thể mua thêm bảo hiểm tự nguyện cho người ngồi trên xe, hoặc bảo hiểm vật chất xe cơ giới, nếu những xe độ thêm đồ thì phải mua thêm phụ phí....
Thực tế, ngoài loại hình bảo hiểm bắt buộc phải mua là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe ô tô, thì hiện nay, trên thị trường, các chủ xe cơ giới thường chọn mua thêm bảo hiểm vật chất xe cơ giới với mức phí bảo hiểm cơ bản đang được các công ty bảo hiểm áp dụng là khoảng 1,5%/tổng giá trị xe.
Trong trường hợp chiếc siêu xe Ferrari ca sĩ Tuấn Hưng, nếu ước trị giá khoảng trên 10 tỷ đồng thì khi tham gia gói bảo hiểm vật chất xe cơ giới sẽ có mức phí hơn 200 triệu đồng.
Được biết, mặc dù có thể được bảo hiểm chi trả, nhưng do hiện tại ở Việt Nam chưa có đại lý Ferrari chính hãng, nên việc sửa chữa chiếc siêu xe của nam ca sĩ Tuấn Hưng có thể sẽ phải dùng nhiều phương án như mời chuyên gia của hãng xem xét sữa chữa, hoặc gửi xe sang hãng…
Tuy nhiên, đến nay, các phương án xử lý giải quyết yêu cầu bồi thường cho chiếc siêu xe này vẫn chưa được hãng bảo hiểm tiết lộ.
Bảo hiểm các dòng xe cơ giới được gọi là siêu xe tại thị trường Việt Nam, theo tiết lộ của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, những hợp đồng này không nhiều.
Dù cách thức xét duyệt hồ sơ bảo hiểm cho những chiếc xe có giá trị lớn như vậy không có gì đặc biệt hay khó khăn hơn các dòng xe khác, nhưng không phải công ty bảo hiểm phi nhân thọ nào cũng đủ khả năng và mặn mà tham gia bảo hiểm cho các dòng xe này.
Ngoài việc phí cao thì bồi thường cũng cao, bảo hiểm siêu xe không đáp ứng được tiêu chí “số đông bù số ít” của bảo hiểm.
Hơn nữa, theo các công ty bảo hiểm, hầu hết các dòng xe thuộc diện siêu xe hiện nay, các phụ tùng thay thế đều phải mua từ nước ngoài, chi phí rất cao nên nếu không tính toán kỹ thì việc nhận bảo hiểm những dòng xe như vậy rủi ro khá lớn cho nhà bảo hiểm.
Thông thường, đối với những xe giá trị lớn, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải tái bảo hiểm cho bên thứ 3 và chỉ giữ lại một giá trị nhất định tùy vào hạn mức của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm được phép giữ lại.
Theo số liệu chính thức từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính), 7 tháng đầu năm 2018, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu với 8.289 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,34% trên tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm của khối phi nhân thọ.
Bảo hiểm xe cơ giới vẫn được coi là phân khúc có sự cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường.
Bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là xe hơi, là nghiệp vụ có mức tăng trưởng đáng mơ ước không chỉ với thị trường bảo hiểm Việt Nam, mà với cả thị trường bảo hiểm châu Á do đây là khu vực tập trung dân số lớn của thế giới, có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh và mức sống đang ngày càng được nâng cao, số người dân sử dụng xe hơi cũng ở trong giai đoạn bùng nổ.
Tuy nhiên, sau một thời gian tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp “được mùa” cả về doanh thu cũng như bồi thường nghiệp vụ, việc siết chặt điều khoản hợp đồng cũng như hạn chế giảm phí đã được một số doanh nghiệp chấn chỉnh nhằm giảm tỷ lệ bồi thường luôn ở mức cao của nghiệp vụ này.
No comments