Breaking News

Kiến Thức Cơ Bản Về Bảo Hiểm & Phân Loại Bảo Hiểm

Hãy cùng  tìm hiểu những thông tin, khái niệm cơ bản về bảo hiểm và các loại bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ phổ biến
Bảo Hiểm

1. Các vấn đề chung

1.1. Nguồn gốc

Bảo hiểm có nguồn gốc lâu đời trong lịch sử loài người. Ngay từ khi tiền tệ chưa xuất hiện, trong nền kinh tế hàng đổi hàng, chúng ta đã thấy bảo hiểm xuất hiện ở hình thái thô sơ. Bảo hiểm ở thời gian này là lời cam kết giữa các bên để đảm bảo lợi ích kinh tế chung khi có rủi ro xảy ra. Ví dụ, khi một ngôi nhà trong làng bị hỏa hoạn, những nhà hàng xóm cam kết giúp đỡ và xây dựng là ngôi nhà chịu rủi ro. Những người thủy thủ trước khi ra khơi để lại một số tiền nhỏ vào một quỹ trên đất liền dùng cho mục đích mai táng và phúng điếu gia đình người không may qua đời trong chuyến hải trình, v.v…
Trong thiên niên kỉ thứ 4 trước Công nguyên, những người Athen cổ có một khoản “bảo hiểm đường thủy” cho phép người vay tiền để mua hàng đi biển không cần trả tiền cho kiện hàng đó nếu có rủi ro xày ra với kiện hàng. Đây có thể được xem là hình thái ban đầu của bảo hiểm.
Dần dần, hình thức chuyển giao rủi ro này phát triển hơn trong xã hội tiền tệ, được quy định bởi các thương nhân Trung Quốc và người Babylon trong thiên niên kỉ thứ 2 và 3 trước công nguyên. Bộ luật Hammurabi ra đời năm 1750 trước Công nguyên là một trong những quy ước nổi tiếng đầu tiên về bảo hiểm được phát minh bởi người Babylon và sử dụng rộng rãi giữa các thương nhân trong khu vực địa trung Hải. Khi vay vốn mua hàng, người vay sẽ phải trả thêm một khoản phí cho người cho vay để đề phòng rủi ro xảy ra cho hàng hóa bị cướp hoặc mất mát trong chuyến tàu đó.
Trong khoảng giữa thiên niên kỉ thứ 1 trước Công nguyên, những cư dân của đảo Rhode tạo ra một thuật ngữ tạm dịch là “tổn thất chung”. Mỗi chủ hàng sẽ đóng góp một khoản phí nhỏ khi gửi hàng đi để bù cho chủ hàng chịu tổn thất trong quá trình vận chuyển.

1.2. Các khái niệm

1.2.1. Rủi ro

Rủi ro là khả năng xảy ra biến cố bất thường có hậu quả thiệt hại hoặc mang lại kết quả không mong đợi cho con người và tài sản liên quan.
Rủi ro là một yếu tố không thể tránh khỏi trong cuộc sống và lao động, ảnh hưởng đến vật chất, tinh thần và hoạt động sản xuất kinh doanh của các cá thể, tổ chức xã hội trong nền kinh tế

1.2.2. Các hình thức kiểm soát rủi ro

Xuất phát từ nhu cầu được bảo vệ khỏi những điều không may trong cuộc sống, con người phản ứng trước hậu quả của rủi ro theo 4 cách sau

Hình ThứcĐịnh NghĩaƯu ĐiểmNhược Điểm
Né tránh rủi ro
  • Tìm cách tránh, loại trừ hoặc hạn chế tối đả khả năng xảy ra rủi ro
  • Ít tốn kém
  • Yên tâm tạm thời
  • Không hoàn toàn loại trừ được rủi ro
  • Tổn thất nặng nề nếu rủi ro xày ra
  • Bỏ lỡ nhiều cơ hội
Kiểm soát rủi ro
  • Biện pháp hạn chế tối đa các tổn thất có thể xảy ra
  • An toàn
  • Ít tốn kém
  • Vẫn có khả năng tổn thất
Chấp nhận rủi ro
  • Gánh chịu tổn thất
  • Chấp nhận thụ động: không chuẩn bị gì
  • Chấp nhận chủ động: có lập quỹ dự phòng để bù đắp tổn thất
  • An toàn
  • Có khả năng hồi phục sau tổn thất
  • Tốn kém
Chuyển giao rủi ro
  • Vận dụng bảo hiểm, chuyển giao rủi ro cho người bảo hiểm để đổi lấy sự an toàn về tài chính trong suốt thời gian chuyển giao
  • An toàn tuyệt đối
  • Hồi phục sau tổn thất
  • Chi phí bảo vệ thấp
  • Phức tạp
  • Cần có kiến thức về bảo hiểm và tài chính

1.2.3. Bảo hiểm

1.2.3.1. Về phương diện kinh tế:

Bảo hiểm là biện pháp chuyển giao rủi ro được thực hiển thông qua hợp đồng bảo hiểm, trong đó bên mua bảo hiểm chấp nhận trả phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường (hoàn trả 1 phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản đã được định giá từ trước trong nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ) hoặc trả tiền bảo hiểm (số tiền tương ứng với phí bảo hiểm đã quy định trong hợp đồng bảo hiểm trong nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ) khi xảy ra sự kiện bảo hiểm

1.2.3.2. Về phương diện tài chính:

Bảo hiểm là sự vận động các nguồn lực tài chính trong việc huy động sự đóng góp (phí bảo hiểm) của các tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia bảo hiểm để lập quỹ bảo hiểm và phân phối, sử dụng nó bồi thường những tổn thất vật chất, chi trả cho tai nạn bất ngờ xảy ra với các đối tượng bảo hiểm
Nói ngắn gọn, hoạt động bảo hiểm là quá trình tạo quỹ và phân phối lại một phần thu nhập giữa những người tham gia bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra.

1.3. Đặc điểm của bảo hiểm

Bảo hiểm là một sản phẩm vô hình: khi các sản phẩm hữu hình khác có thể cảm nhận bằng giác quan, thẩm định và đánh giá trước khi mua bởi người mua; bảo hiểm không thể cầm nắm và cảm nhận được. Qua hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm lập một “lời hứa” trả phí bảo hiểm đúng hạn và doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nói cách khác, người mua chỉ cảm nhận được sự có mặt của bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, tuy rằng bảo hiểm luôn hiện diện trong mọi hoạt động sống của đối tượng bảo hiểm trong suốt thời gian bảo hiểm.
Người tham gia không muốn sự kiện bảo hiểm xảy ra: tuy hợp đồng bảo hiểm là một “lời hứa” đem lại khoản tiền rất lớn khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người tham gia không mong muốn rủi ro xảy ra với mình do hậu quả thảm khốc của nó. Đó cũng chính là lí do bảo hiểm xuất hiện từ đầu: để chuyển giao rủi ro từ người tham gia sang doanh nghiệp bảo hiểm
Bảo hiểm có chu trình sản xuất ngược: nếu các sản phẩm thông thường sẽ được sản xuất, đóng gói và bán cho khách hàng sử dụng thì bảo hiểm có quy trình ngược lại. Nghĩa là, bảo hiểm sẽ được bán ra trước và chỉ khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm mới tính toán được sản phẩm lúc này trị giá bao nhiêu và chuyển quyền lợi đến khách hàng

1.4. Vai trò của bảo hiểm

1.4.1. Vai trò kinh tế:

Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính và đảm bảo cho các khoản đầu tư. Nếu không có bảo hiểm, rủi ro đầu tư tài chính rất cao, dẫn đến việc sụp đổ liên hoàn trong kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển vĩ mô
Bảo hiểm đóng vai trò trung gian tài chính – là nơi huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Là một trong 3 cột trụ tài chính, cùng với ngân hàng, bảo hiểm nhận quỹ tài chính từ cộng đồng và đầu tư vào các kênh uy tín như trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, bất động sản… để tạo ra giá trị thặng dư và đáp ứng các nhu cầu tài chính khác
Bảo hiểm tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, ổn định ngân sách nhà nước. Phần lớn các công ty bảo hiểm từ nước ngoài đầu tư và có kí quỹ trái phiếu với Nhà nước để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Do đó, Bộ Tài chính trực tiếp quản lí những công ty này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng bảo hiểm. Ngược lại, đầu tư của các công bảo hiểm góp phần vào nguồn thu của nhà nước.

1.4.2 Vai trò xã hội

Tác động tích cực tới công tác phòng tránh rủi ro, hạn chế tổn thất và đảm bảo an toàn cho xã hội
Tạo thêm việc làm cho người lao động
Tạo nếp sống tiết kiệm, đề phòng và tự bảo vệ bản thân; đem lại trạng thái an toàn và yên tâm cho mọi người

1.5. Nguyên tắc của bảo hiểm

1.5.1. Trung thực tuyệt đối

Hợp đồng Bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi việc xác lập được tiến hành trên cơ sở các thông tin trung thực của các bên
Hợp đồng bảo hiểm sẽ bị buộc phải chấm dứt nếu các bên xuất hiện dấu hiệu, hành vi gian lận, ý đồ trục lợi.

1.5.2. Quyền lợi có thể được bảo hiểm

Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu; quyền chiếm hữu; quyền sử dụng; quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dượng đối với đối tượng bảo hiểm
Hợp đồng chỉ được xác lập nếu bên mua bảo hiểm có các lợi ích kinh tế hợp pháp bị tổn hại khi đối tượng bảo hiểm chịu ảnh hưởng bởi rủi ro

1.5.3. Hoạt động theo quy luật số đông

Nói cách khác, sự đóng góp của số đông bù vào sự bất hạnh của số ít. Nhờ vậy, rủi ro được phân tán và chia đều cho cả cộng đồng. Tổn thất do rủi ro gây ra đã được chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm và nhờ đó khoản bồi thường rât cao, bù đắp được những mất mát của người mua bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm này cũng vượt xa khoản phí đóng ban đầu của người tham gia bảo hiểm.

1.5.4. Khoán trong bảo hiểm con người

Người bảo hiểm căn cứ vào số tiền bảo hiểm của hợp đồng đã kí kết và các quy định đã thỏa thuận trong hợp đồng để trả tiền bảo hiểm. Do đó, tất cả những rủi ro được bảo hiểm đều được quy định bằng một số tiền bảo hiểm cố định, cụ thể dựa trên những đặc điểm đặc thù của đối tượng được bảo hiểm

1.5.5. Vừa bảo hiểm vừa tiết kiệm

Bảo hiểm nhân thọ ngày nay đã phát triển đến mức kết hợp được mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tiết kiệm, đầu tư vào một hợp đồng. Trong đó:
Tiết kiệm: người tham gia bảo hiểm chắc chắn nhận lại số tiền bảo hiểm mình đã đóng trong suốt thời hạn hợp đồng kèm thêm lãi và các khoản đặc biệt do duy trì hợp đồng vào ngày đáo hạn hợp đồng (ngày hợp đồng hết hạn)
Bảo hiểm: người mua bảo hiểm sẽ nhận được số tiền bồi thường đúng như cam kết trong hợp đồng tùy theo từng trường hợp rủi ro tương ứng

1.5.6. Nguyên nhân gần

Là nguyên nhân đủ mạnh để khởi động cả một chuỗi sự kiện dẫn đến một kết quả nhất định mà không có sự can thiệp, tác động của bất kì một lực nào từ một nguồn độc lập mới nào khác.
Thông thường, đây là nguyên nhân chủ yếu, mang tính quyết định và có mối liên hệ trực tiếp tới kết quả – tổn thất của đối tượng bảo hiểm
Ví dụ, động đất gây cháy nhà A, cháy lan sang nhà B. Nhà B có mua bảo hiểm cháy. Tuy nhiên, bất động sản này tọa lạc tại Jamaica. Đơn bảo hiểm cháy ở Jamaica loại trừ động đất. Sự cố nguyên nhân gần được tòa hiểu là động đất bị loại trừ nên B không được bồi thường.

1.5.7. Bồi thường

Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm có thể nhận được trong mọi trường hợp không được lớn hơn thiệt hại trong sự kiện bảo hiểm

1.5.8. Đóng góp bồi thường

Trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, trường hợp bảo hiểm trùng hoặc đồng bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thực hiện chia sẻ trách nhiệm bồi thường sao cho tổng số tiền bảo hiểm mà người được bảo hiểm nhận được không lớn hơn thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm

1.5.9. Thế quyền

Khi xác định được có người thứ 3 phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của đối tượng bảo hiểm trong sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm sẽ được thế quyền (thay mặt) người được bảo hiểm đòi người thứ 3 phần thiệt hải thuộc và trách nhiệm của họ và trong giới hạn số bồi thường người bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm
Hình thức này khá phổ biến trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Ví dụ, một ngôi nhà bị trộm đột nhập lấy khoản tài sản trị giá 100 triệu, sau đó do cửa mở khiến đồ đạc ngấm nước mưa thiệt hại 50 triệu nữa. Công ty bảo hiểm sẽ đền bù cho chủ nhà 150 triệu và sau đó thay mặt chủ nhà khởi kiện kẻ trộm 100 triệu đã mất do thiệt hại tài sản.

2. Phân loại bảo hiểm

2.1. Bảo hiểm nhân thọ

2.1.1. Bảo hiểm trọn đời

Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm chỉ chi trả 1 lần cho người thu hưởng khi người được bảo hiểm tử vong. Thời hạn bảo hiểm không xác định, phụ thuộc vào tuổi thọ của người được bảo hiểm. Trong suốt thời hạn bảo hiểm, khi người được bảo hiểm tử vong, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành thanh toán số tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Phí bảo hiểm trong loại hình bảo hiểm này có thể thanh toán 1 lần hoặc định kì.

2.1.2. Bảo hiểm sinh kì

Đây là loại hình bảo hiểm yêu cầu người được bảo hiểm phải sống đến hết thời hạn hợp đồng, thường là một khoảng thời gian đã quy định sẵn. Khi hợp đồng đáo hạn và người được bảo hiểm còn sống, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng
Bảo hiểm sinh kì ra đời trong thời kì đầu của bảo hiểm nhân thọ, còn nhiều hạn chế về quyền lợi cho khách hàng nên chi phí khá thấp. Đặc biệt, bảo hiểm sinh kì không mang tính đầu tư, tiết kiệm cho người mua bảo hiểm.

2.1.3 Bảo hiểm tử kỳ

Đây là loại hình bảo hiểm chi trả quyền lợi khi người được bảo hiểm tử vọng trong thời hạn hợp đồng, thường là một khoảng thời gian đã quy định sẵn. Khi hợp đồng đáo hạn và người được bảo hiểm còn sống, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chi trả tiền bảo hiểm hay bất cứ khoản phí nào cho người thụ hưởng.
Bảo hiểm tử kì ra đời trong thời kì đầu của bảo hiểm nhân thọ, còn nhiều hạn chế về quyền lợi cho khách hàng nên chi phí khá thấp. Đặc biệt, bảo hiểm tử kì không mang tính đầu tư, tiết kiệm cho người mua bảo hiểm.

2.1.4. Bảo hiểm hỗn hợp

Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ kết hợp được bảo hiểm sinh kì và bảo hiểm từ kì. Bảo hiểm hỗn hợp gồm 2 loại:
  • – Bảo hiểm hỗn hợp không chia lãi
  • – Bảo hiểm hỗn hợp có chia lãi
Với nghiệp vụ bảo hiểm này, khách hàng sẽ có lợi hơn khi nhận được số tiền bảo hiểm lớn khi không may qua đời trong thời hạn bảo hiểm. Ngược lại, khi hợp đồng bảo hiểm đáo hạn mà người được bảo hiểm vẫn còn sống, công ty sẽ chi trả lại số tiền bảo hiểm kèm lãi và các khoản đặc biệt do duy trì hợp đồng. Đây là hình thức bảo hiểm nhân thọ thông dụng nhất hiện nay trên thị trường bảo hiểm nhân thọ trên thế giới.

2.1.5. Bảo hiểm trả tiền định kì

Người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định quy định trong hợp đồng, sau thời hạn đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm định kì gọi là niên kim cho người thụ hưởng theo thỏa thuận.
Niên kim có thể là một con số cố định chi trả định kì hoặc tăng dần/ giảm dần theo thời gian tùy vào hình thức và lựa chọn của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

2.1.6. Bảo hiểm liên kết đầu tư

Đây là hình thức giúp khách hàng vận dụng tối đa khoản tiết kiệm của mình vào đầu tư để nhận thêm lợi nhuận. Như vậy, bảo hiểm liên kết đầu tư có khả năng đáp ứng đồng thời nhu cầu chuyển giao rủi ro và nhu cầu đầu tư của người mua bảo hiểm
Phí bảo hiểm sau khi trừ chi phí sẽ được dùng để đầu tư vào các hạng mục tài chính trong quỹ liên kết gồm trái phiếu và các loại cổ phiếu

2.1.7. Bảo hiểm hưu trí

Đây là loại hình bảo hiểm hỗn hợp kết hợp giữa bảo hiểm tử kì và bảo hiểm trả tiền định kì. Khi người được bảo hiểm đạt đến 1 độ tuổi định sẵn, công ty bảo hiểm sẽ chi trả theo niên kim hoặc trả 1 lần khi người được bảo hiểm về hưu

2.1.8. Bảo hiểm bỗ trợ

Bảo hiểm bổ trợ hỗ trợ người mua bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra cho người mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm. Bảo hiểm bổ trợ mua kèm với sản phẩm chính và không có tính lũy kế năm. Một số loại hình bảo hiểm bổ trợ có thể kể đến như sau:
  • – Miễn nộp phí
  • – Hoàn phí bảo hiểm
  • – Bảo hiểm trong trường hợp thương tật vĩnh viễn
  • – Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo
  • – Tăng số tiền bảo hiểm tử vong trong trường hợp tai nạn
  • – Hoàn trả chi phí điều trị

2.2. Bảo hiểm phi nhân thọ

2.2.1. Bảo hiểm tài sản

Bảo hiểm tài sản là nghiệp vụ đền bù về mặt tài chính cho chủ sở hữu hoặc người thuê một công trình và nội thất bên trong khi công trình bị hư hỏng hoặc trộm cắp. Bảo hiểm tài sản có các hình thức sau:
  • – Bảo hiểm chủ sở hữu nhà
  • – Bảo hiểm người thuê nhà
  • – Bảo hiểm lũ lụt
  • – Bảo hiểm động đất
Các nguy cơ thường được bảo hiểm bởi bảo hiểm tài sản bao gồm: thiệt hại do cháy, khói, gió, sét đánh, trộm cắp và nhiều thứ khác.

2.2.2. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh

Nghiệp vụ này bảo hiểm cho những mất mát về lợi nhuận bởi việc gián đoạn hoạt động kinh doanh của người được bảo hiểm, gây ra hậu quả:
  • – Giảm sút về doanh thu
  • – Gia tăng về chi phí kinh doanh

2.2.3. Bảo hiểm rủi ro xây dựng lắp đặt

Bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng – lắp đặt là hình thức bảo hiểm cho các công trình xây dựng/lắp đặt (như công trình xây dựng/lắp đặt nhà ở, khách sạn, nhà máy xí nghiệp, công trình thủy lợi, công trình dân dụng…) từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn thành, bàn giao hoặc đưa vào sử dụng và có thể thêm cả thời gian bảo hành công trình.

2.2.4 Bảo hiểm hàng hóa

Bảo hiểm hàng hóa là nghiệp vụ bảo hiểm mà đối tượng là hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường không hoặc đường bộ. Ðây là một trong số các nghiệp vụ bảo hiểm xuất hiện từ sớm và thông dụng trong vận tải.

2.2.5. Bảo hiểm thân tàu

Nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu khỏi các nhóm rủi ro chính trong hàng hải: chìm đắm, mắc cạn, cháy nổ, đâm va, tàu mất tích do mọi lý do, tàu hư hại do lỗi lầm của thủy thủ đoàn, …

2.2.6. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu

Bảo hiểm bảo vệ phần trách nhiệm bồi thường của chủ tàu cho người thứ ba khi tàu hoạt động gây thiệt hại cho người thứ ba. Tùy theo từng sản phẩm bảo hiểm, nghiệp vụ này thường được áp dụng theo Quy tắc bảo hiểm của các Hội quốc tế mà tàu đang tham gia như WOE, LSSO, SOP, QBE,…

2.2.7. Bảo hiểm xe cơ giới

Nghiệp vụ bảo hiểm cho các thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

2.2.8. Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm

Nghiệp vụ này phát sinh khi sản phẩm không an toàn, nguy hiểm hoặc/và có khiếm khuyết khiến người sử dụng bị thương tật thân thể hoặc bị thiệt hại tài sản.

2.2.9. Bảo hiểm trách nhiệm công cộng

Bảo hiểm trách nhiệm cộng cộng cung cấp trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe của bên thứ ba khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trên địa phận và từ hoạt động được bảo hiểm của người được bảo hiểm. Các rủi ro công cộng thường gặp như: rơi thang máy, quạt trần rơi, sự cố nhà vệ sinh công cộng…

2.2.10. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được thiết lập nhằm bảo vệ doanh nghiệp và các cá nhân đối với các trách nhiệm dân sự phát sinh từ hành động sơ suất có thể dẫn đến bị kiện tụng hay bồi thường với chi phí cao.

2.2.11. Bảo hiểm tín dụng

Cùng với bảo hiểm Hàng hóa, bảo hiểm Tín dụng bảo vệ cho các nhà máy sản xuất và các công ty thương mại trong quá trình giao dịch với khách hàng của mình. Trong khi bảo hiểm Hàng hóa bảo hiểm đối với những tổn thất / thiệt hại vật chất gây ra cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển và trước khi giao đến người mua thì Bảo hiểm Tín dụng bảo hiểm cho người bán đối với những rủi ro về khả năng không thanh toán được của người mua.

2.3. Bảo hiểm sức khỏe

2.3.1. Bảo hiểm tai nạn con người

Nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn con người được thiết kế đền bù riêng cho những tổn thất, tử vong liên quan đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông và các rủi ro khác không lường trước được trong cuộc sống.

2.3.2. Bảo hiểm y tế

Nếu bảo hiểm tai nạn chỉ chi trả cho nguyên nhân liên quan đến tai nạn thì bảo hiểm y tế chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh, xét nghiệm của người được bảo hiểm.

2.3.3. Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe

Đây là nghiệp vụ bảo hiểm thường gặp khi các công ty mua sản phẩm cho nhân viên như một quyền lợi chăm sóc sức khỏe cộng thêm bên cạnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả khi người được bảo hiểm có vấn đề về sức khỏe cần chữa trị và có những điều kiện loại trừ nhất định. Trong khi đó, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe không nhất thiết yêu cầu tổn thất về thể chất và có ít điều kiện loại trừ hơn.