Breaking News

Hợp Đồng Bảo Hiểm: Kiến Thức Cơ Bản Và Các Thuật Ngữ

Bài viết chia sẻ những kiến thức cơ bản về hợp đồng bảo hiểm và phân loại hợp đồng bảo hiểm
hợp đồng bảo hiểm

1. Định nghĩa

Hợp đồng bảo hiểm là sự giao kết giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đổi lấy sự bảo vệ từ doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm.

2. Tính chất

Hợp đồng bảo hiểm được soạn thảo dựa trên quy định của Bộ tài chính và có tính chất như một hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, do tính đặc thù của ngành, hợp đồng bảo hiểm có những tính chất riêng biệt sau:

2.1. Tính tương thuận

Hợp đồng bảo hiểm mang tính tương thuận, nghĩa là được lập nên dựa trên sự đồng thuận của doanh nghiệp bảo hiểm và của bên mua bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tư do giao kết trong khuôn khổ pháp luật.
Hợp đồng bảo hiểm là sự giao kết thể hiện trách nhiệm của hai bên. Bên mua bảo hiểm đồng ý đóng phí định kì và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đền bù quyền lợi cho người thụ hưởng khi hợp đồng đáo hạn hoặc khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

2.2. Tính không thể thương thảo

Hợp đồng bảo hiểm là dạng hợp đồng không thể thương thảo. Trong phần lớn các hợp đồng dân sự, bên mua có thể thảo luận và sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng cho đến khi nhận được sự nhất trí giữa hai bên. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được soạn thảo sẵn dựa trên nguyên tắc của bộ tài chính nên không thể thay đổi các điều khoản trừ những thông tin của bên mua bảo hiểm.

2.3. Tính song vụ

Cả hai bên tham gia hợp đồng bảo hiểm đều có quyền và nghĩa vụ; trong đó, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo việc chi trả cho các rủi ro; ngược lại bên mua bảo hiểm đảm bảo việc đóng phí đầy đủ và đúng hạn

2.4. Tính may rủi

Xuất phát từ việc muốn được bảo vệ và phòng bị trước rủi ro, hợp đồng bảo hiểm có tính may rủi. Nếu không có tồn tại rủi ro trong cuộc sống thì không có hợp đồng bảo hiểm

2.5. Tính tin tưởng tuyệt đối

Bảo hiểm là một loại hàng hóa vô hình; do đó hợp đồng bảo hiểm là một lời giao kết mà hai bên cần phải tin tưởng lẫn nhau tuyệt đối. Mỗi bên sẽ có rủi ro niềm tin nhất định: bên mua bảo hiểm có thể trục lợi/ không đóng phí và doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối thanh toán quyền lợi. Cả hai bên cần tin tưởng lẫn nhau và trung thực tuyệt đối khi tham gia hợp đồng

2.6. Tính phải trả tiền

Bản chất của hợp đồng bảo hiểm là quan hệ tiền tệ. Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ đền bù thiệt hại khi có rủi ro xảy ra

2.7. Tính hỗn hợp

Hợp đồng bảo hiểm không chỉ mang tính dân sự. Trong nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đối tượng bảo hiểm có thể là tài sản hoặc trách nhiệm dân sự; bên mua bảo hiểm có thể là thể nhân, pháp nhân dân sự hoặc thương mai. Do đó, hợp đồng bảo hiểm có tính dân sự – thương mại hỗn hợp hoặc tính dân sự/ thương mại thuần túy.

3. Phân loại hợp đồng bảo hiểm

3.1. Hợp đồng bảo hiểm con người

Đối tượng bảo hiểm:
  • – Tuổi thọ
  • – Tính mạng
  • – Sức khỏe
  • – Tai nạn con người
Số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm tự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm

3.2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản

Đối tượng bảo hiểm
  • – Tài sản
  • – Vật có thực
  • – Tiền
  • – Giấy tờ trị giá bằng tiền
  • – Các quyền tài sản
Số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản là số tiền được bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo vệ cho tài sản đó và được doanh nghiệp bảo hiểm định giá, chấp thuận.

3.3. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ 3 theo quy định pháp luật
Số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm

4. Đối tượng trong hợp đồng bảo hiểm

Các đối tượng trong hợp đồng bảo hiểm bao gồm: doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng.

4.1. Doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm là một tổ chức được thành lập và hoạt động quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có thể được thành lập dưới các hình thức pháp lý sau:
  • – Công ty cổ phần bảo hiểm
  • – Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
  • – Hợp tác xã bảo hiểm
  • – Tổ chức bảo hiểm tương hỗ
Trong hợp đồng bảo hiểm, thuật ngữ “doanh nghiệp bảo hiểm” còn được thay thế bởi các cụm từ “người bảo hiểm”, “công ty bảo hiểm”.

4.2. Bên mua bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm là cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm định kì để nhận lại sự bảo vệ từ doanh nghiệp bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng

4.3. Người được bảo hiểm

Người được bảo hiểm là cá nhân, tổ chức có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm

4.4. Người thụ hưởng

Người thụ hưởng là cá nhân, tổ chức được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm

Quyền của doanh nghiệp bảo hiểmNghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
  • Thu phí bảo hiểm
  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ thông tin
  • Từ chối trả tiền bồi thường
  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất
  • Đơn phương đình chỉ hợp đồng
  • Giải thích các điều khoản bảo hiểm
  • Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm
  • Bồi thường kịp thời và đầy đủ
  • Trả lời bằng văn bản chính thức lí do từ chối chi trả quyền lợi nếu có
  • Phối hợp với bên mua bảo hiểm để yêu cầu đòi bồi thường từ bên thứ 3 nếu có
Quyền của bên mua bảo hiểmNghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
  • Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm uy tín để mua bảo hiểm
  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích điều khoản, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm
  • Đơn phương đình chỉ hợp đồng khi doanh nghiệp bảo hiểm cố tình cung cấp thông tin sai sự thật để ép bên mua bảo hiểm kí hợp đồng
  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm
  • Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm
  • Đóng phí bảo hiểm đầy đủ
  • Kê khai trung thực, đầy đủ thông tin sức khỏe và các thông tin khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm
  • Thông báo những trường hợp làm tăng rủi ro hoặc phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm
  • Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm càng sớm càng tốt khi sự kiện bảo hiểm xảy ra
  • Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng bảo hiểm

6. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

6.1. Thông tin của các bên trong hợp đồng
6.1.1. Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm
6.1.2. Tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của bên mua bảo hiểm
6.1.3. Tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của người được bảo hiểm
6.1.4. Tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của người thụ hưởng;
6.2. Đối tượng bảo hiểm;
6.3. Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
6.4. Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
6.5. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
6.6. Thời hạn bảo hiểm;
6.7. Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
6.8. Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
6.9. Các quy định giải quyết tranh chấp;
6.10. Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
6.11. Ngoài những nội dung trên, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận.

7. Những điều khoản chung trong hợp đồng bảo hiểm

7.1. Những mốc thời gian quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm

7.1.1. Ngày hiệu lực hợp đồng

Ngày hiệu lực hợp đồng là ngày mà hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, được quy định trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Ngày hiệu lực hợp đồng bắt đầu khi bên mua bảo hiểm hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm ban đầu, thông thường sẽ trước ngày phát hành hợp đồng. Người được bảo hiểm sẽ được bảo hiểm tạm thời từ ngày này.

7.1.2. Ngày kỉ niệm hợp đồng

Ngày kỉ niệm hợp đồng là ngày kỉ niệm hàng năm của ngày hiệu lực hợp đồng

7.1.3. Ngày đáo hạn hợp đồng

Ngày đáo hạn hợp đồng là ngày hợp đồng bảo hiểm kết thúc. Người thụ hưởng sẽ nhận được quyền lợi đã giao kết trong hợp đồng khi ngày đáo hạn xảy ra

7.1.4. Bảo hiểm tạm thời

Bảo hiểm tạm thời là thuật ngữ sử dụng trong nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, thể hiện khoảng thời gian từ khi người mua bảo hiểm hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm ban đầu đến khi hợp đồng được phát hành. Trong khoảng thời gian này, bên mua bảo hiểm có thể xem xét hủy hợp đồng và nhận toàn bộ phí đóng ban đầu. Khi có rủi ro xảy ra trong thời gian này, người thụ hưởng vẫn nhận được quyền lợi như khi được bảo hiểm thông thường
Bảo hiểm tạm thời không áp dụng cho các trường hợp: tự tử, thi hành án tử hình, tác động của chất kích thích, trục lợi, có dấu hiệu liên quan đến các hành vi phạm pháp

7.1.5. Thời gian cân nhắc

Trong thời gian bảo hiểm tạm thời, bên mua bảo hiểm có thể cân nhắc từ chối tham gia bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ hoàn trả lại toàn bộ phí đã đóng ban đầu không kèm lãi, trừ đi các chi phí khám, xét nghiệm y khoa hoặc các chi phí liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nếu có.

7.2. Thuật ngữ tài chính trong hợp đồng bảo hiểm

7.2.1. Giá trị hoàn lại

Giá trị hoàn lại là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ nhận được khi có yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hợp đồng chưa đáo hạn và vẫn còn hiệu lực.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ bắt đầu có giá trị hoàn lại sau khi đã nộp đủ 2 năm phí bảo hiểm

7.2.2. Tạm ứng giá trị hoàn lại

Bên mua bảo hiểm có thể tạm ứng giá trị hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả khoản tạm ứng & lãi vào bất cứ lúc nào

7.2.3. Gia hạn và khôi phục hợp đồng mất hiệu lực

Khi đến ngày đóng phí, bên mua bảo hiểm được gia hạn thêm 60 ngày kể từ ngày kỉ niệm hợp đồng. Sau 60 ngày này, nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí thì hợp đồng mất hiệu lực. Hợp đồng này vẫn có thể được nối lại trong vòng 24 tháng kể từ ngày mất hiệu lực với mức phí ban đầu cộng thêm các khoản phạt/lãi… Bên cạnh đó, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm phải đủ điều kiện sức khỏe và pháp lý để tham gia bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm quy định

7.2.4. Duy trì hợp đồng với số tiền bảo hiểm giảm

Nếu bên mua bảo hiểm không có khả năng/ không muốn tiếp tục đóng phí bảo hiểm nhưng vẫn muốn được bảo hiểm, công ty bảo hiểm có thể áp dụng duy trì hợp đồng với số tiền bảo hiểm giảm theo tỉ lệ thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Công ty bảo hiểm sẽ sử dụng giá trị hoàn lại để đóng phí và đảm bảo việc hợp đồng tiếp tục có hiệu lực. Bên mua bảo hiểm chỉ được bảo vệ khi rủi ro xảy ra và không còn giá trị hoàn lại và các khoản đặc biệt do duy trì hợp đồng
Để thực hiện giảm số tiền bảo hiểm, bên mua bảo hiểm cần thông báo trước 30 ngày và hợp đồng mới sẽ có hiệu lực từ ngày đến hạn đóng phí ngay sau khi công ty bảo hiểm chấp thuận bằng văn bản

7.2.5. Giải quyết quyền lợi bảo hiểm

Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán số tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Thời gian để người thụ hưởng yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian để công ty bảo hiểm giải quyết quyền lợi là 30 ngày kể từ ngày nhận được bộ tài liệu đầy đủ và hợp lệ theo quy định của công ty.

7.3. Các điều khoản loại trừ chung trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

7.3.1. Loại trừ tử vong

Khi người được bảo hiểm tử vong, công ty bảo hiểm sẽ đền bù quyền lợi cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, trong các trường hợp sau, công ty bảo hiểm sẽ từ chối chi trả:
  • – Tự tử
  • – Nhiễm HIV
  • – Các hành vi phạm tội
  • – Thi hành án tử hình
  • – Chiến tranh hoặc các hoạt động liên quan đến chiến tranh
Tuy nhiên, việc từ chối chi trả không có nghĩa là người thụ hưởng không nhận được bất kì số tiền nào từ người bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ trả lại toàn bộ phí đóng trừ đi các khoạn tạm ứng và nợ nếu có.

7.3.2. Loại trừ tình trạng y tế có trước

Tình trạng y tế có trước nằm trong 2 trường hợp sau:
  • – Những bệnh đã được điều trị, xét nghiệm hoặc tư vấn của bác sỹ và các chuyên gia y tế trước ngày có hiệu lực hợp đồng, trừ khi có thông báo và được công ty chấp thuận trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm
  • – Những triệu chứng đặc hiệu đã xuất hiện trước ngày hiệu lực hợp đồng, trừ khi có thông báo và được công ty chấp thuận trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm

7.4. Tuổi tham gia bảo hiểm

Tuổi tham gia bảo hiểm được tính theo tuổi năm sinh nhật vừa qua của người được bảo hiểm và là cơ sở tính phí cho hợp đồng bảo hiểm

7.5. Khai sai tuổi & giới tính

Trong các trường hợp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bị điền sai thông tin, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xử lí theo các hướng sau:
  • – Khai sai thông tin dẫn đến phí bảo hiểm giảm: đóng bù phí bảo hiểm thiếu hoặc giảm số tiền bảo hiểm tương ứng với phí ban đầu
  • – Khai sai thông tin dẫn đến phí bảo hiểm tăng: hoàn trả phí bảo hiểm thừa cho bên mua bảo hiểm
  • – Khai sai thông tin, độ tuổi thật nằm ngoài mức bảo hiểm: hoàn trả phí bảo hiểm đã đóng trừ đi các khoản nợ và lãi (nếu có)

7.6. Thưởng duy trì hợp đồng/ khoản đặc biệt do duy trì hợp đồng

Đây là khái niệm thường gặp trong nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ. Khi bên mua bảo hiểm duy trì hợp đồng đến một khoảng thời gian nhất định đã quy định trong hợp đồng, người thụ hưởng sẽ nhận được khoản thưởng được tính bằng giá trị hoàn lại nhân với bình quân lãi suất dựa trên kết quả kinh doanh của công ty bảo hiểm.