Breaking News

TẢN MẠN VỀ TUYỂN & DỤNG TRONG BHNT

việc làm khánh hòa

TẢN MẠN VỀ TUYỂN & DỤNG!

“Tuyển TVV đã khó, giữ chân được những người tiềm năng cũng là chuyện mà các Trưởng nhóm cần chú ý và để tâm!”. 

Gần 20 năm trong lĩnh vực BHNT, một trong những niềm vui của tôi là được găp gỡ, giao lưu, chia sẻ với những con người tài năng, những TVV xuất sắc, giỏi giang của BVNT.

Và niềm vui càng nhân lên gấp bội nếu những cá nhân xuất sắc đó lại là học viên của mình từ những ngày chập chững bước chân vào nghề. Được đồng hành, tiếp sức và theo dõi sự thành công của họ mà cảm giác như thành công của chính bản thân mình vậy!

Trong những năm làm nghề thì tôi cũng được chứng kiến rất nhiều tư vấn bỏ các công ty BH khác xin gia nhập vào gia đình Bảo Việt nhưng cũng chứng kiến một vài người đang thành công hoặc chí ít cũng đang tiềm năng bỗng dưng rẽ sang con đường khác hoặc chọn DNBH khác thì thật sự cũng đáng tiếc.

Dẫu biết rằng sự cạnh tranh về nhân lực giữa các DNBH trong giai đoạn hiện nay là rất mạnh mẽ, nhưng nếu để một TVV mà mình tuyển được rời khỏi nhóm dù với nguyên nhân nào đi nữa, thì người tuyển dụng cũng cần phải lưu ý để tương lai mình hoàn thiện hơn. 

Và hôm nay xin chia sẻ với các đồng nghiệp một trường hợp như thế:

Ấn tượng ban đầu của tôi về bạn ấy khi đứng lớp HTKN là một cô gái 8X năng động, mạnh mẽ, chăm chỉ, và đam mê kiếm tiền.

Và cảm nhận đó ít nhất là không sai tính đến thời điểm bây giờ khi bạn ấy đã thành công trong lĩnh vực tư vấn BHNT được gần 4 năm. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, bạn ấy chỉ làm với BVNT chưa được một năm, trước khi đầu quân cho một DNBH khác hoạt động trên cùng địa bàn.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên bạn ấy hẹn tôi café để “giãi bày” về quyết định chuyển sang công ty khác là sau khi bạn ấy đã “yên vị” ở công ty mới được hơn 3 tháng và sắp thăng tiến lên Trưởng nhóm.

- Bạn ấy bảo: Thầy ạ, Bảo Việt tốt lắm ạ, thương hiệu mạnh, người dân tin, sản phẩm nhiều ưu điểm, mạng lưới rộng, lại còn kết hợp bán kèm được sản phẩm phi NT nữa… nhưng em vẫn có cảm giác gì đó hơi hơi lạc lõng.

- Tôi bảo: Sao không chia sẻ sớm hơn mà bây giờ mới nói?

- Bạn ấy cười: Thầy đi công tác suốt có mấy khi gặp đâu, nhưng thật ra là em ngại (xấu hổ) và sợ thầy ngăn cản.

Tôi cười, nhưng hình như bạn ấy vẫn có cảm giác có lỗi nên bắt đầu “thanh minh”:

- Nói thật là em ở trong nhóm đấy có cảm giác buồn buồn, không chơi thân với một ai, và cảm thấy chưa phát huy hết khả năng cũng như năng lực bản thân. Cái người tuyển em vào hơn em rất nhiều tuổi nên em gọi bằng cô, còn các đồng nghiệp khác trong nhóm em làm thì thầy biết rồi đấy, hầu hết em cũng đều gọi bằng cô và bằng bác hết…

Tôi cười và gật gù.

- Bạn ấy tiếp: Nhóm cũng thỉnh thoảng họp hành, tụ tập nhưng hầu như chỉ ngồi chia sẻ tại văn phòng, ít khi tụ tập, cafe, hay hát hò, picnic, dã ngoại... Mà nói thật với thầy, tính em cũng ham vui lắm…

Lúc này bạn ấy mới quay sang giới thiệu 2 bạn đi cùng (đều là thế hệ 8X, 9X) với giọng khá tự hào: em mới sang thôi nhưng team (nhóm) em hiện nay cũng đã có 8 bạn rồi đều cùng độ tuổi sàn sàn như nhau. Em sắp lên làm Tưởng nhóm, đây là 2 trong số những thành viên trong nhóm em thầy ạ. Bọn em làm cùng làm, chơi cùng chơi như một gia đình ấy.

Bạn ấy tiếp tục “bồi” thêm như cố để “thanh minh” hết nỗi lòng về sự thay đổi môi trường làm việc của mình: xét cho cùng đồng nghiệp sống với mình nhiều hơn cả người thân trong nhà thầy ạ, mình ở cơ quan nhiều chứ ở nhà mấy. Nên đến cơ quan với bọn em là phải vui, phải hứng thú thì mới có năng lượng để làm việc được thầy ạ…Bọn em rất hợp nhau, cả cái khoản làm lẫn cái khoản ăn chơi!

Rồi bạn ấy còn kể về công việc hiện tại, về dự định, về ước mơ, hoài bão ấp ủ của bạn ấy với giọng đầy tự hào và tràn đầy sự tin tưởng, quyết tâm…

Tôi ra về mà lòng ngổn ngang suy nghĩ, cảm giác như một người chưa làm tròn vai.

Giờ thì bạn ấy vẫn là một trưởng nhóm khá thành công, vẫn thỉnh thoảng hẹn nhau cafe sau mỗi lần tôi đi công tác về thăm nhà, và tôi mừng cho bạn ấy - 1 học trò cũ của mình - khi nhìn những hình ảnh vinh danh hay những buổi team building ngoài trời vui vẻ mà bạn ấy đưa lên face book. 

Thay cho lời kết: TUYỂN DỤNG được hiểu đơn giản là Tuyển chọn và sử Dụng, Tuyển đã khó, dụng (dùng người) thế nào để họ gắn bó và phát triển cùng tổ chức còn khó hơn.

Trong chương trình BV ĐỊNH HƯỚNG, chúng tôi có chia sẻ về quy trình tuyển dụng 5T và bước đầu tiên là TÌM KIẾM ỨNG VIÊN, thì bài tập dành cho các nhà quản lý tương lai là: “Xây dựng tiêu chuẩn ứng viên cho nhóm của mình”.

Rất nhiều tiêu chí đưa ra như: Trình độ/ ngoại hình/ Kỹ năng giao tiếp/ Sự năng động/ Mối quan hệ/ Uy tín/… nhưng có một tiêu chí ít được các nhà quản lý tương lai tham gia khóa học để ý đó là: “có nét văn hóa phù hợp với văn hóa nhóm”!

Một TVV mới khi gia nhập vào nhóm có thể ví như dâu về nhà chồng, nếu gia nhập không tốt có thể gặp những khó khăn nhất định, ngược lại thì sẽ thuận lợi cho công việc, phát triển nghề nghiệp và cuộc sống!

Có những nhóm luôn họp/ SH định kỳ/ chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu,... ở ngay văn phòng Công ty/Ban/Nhóm. Nhưng có nhóm thì chọn địa điểm bên ngoài, hay thậm chí là một địa điểm thiên nhiên rừng núi, biển hồ nào đó,… Có nhóm họp xong thì chỉ liên hoan nhẹ nhàng rồi chia tay, nhưng có nhóm thì tưng bừng hát hò giao lưu đến tối…. Đấy cũng chính là một phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của nhóm.

Mà đã là văn hóa thì khó đánh giá đúng/sai. Miễn là nó không vi phạm các chuẩn mực và khiến các thành viên trong nhóm vui, đoàn kết, có động lực, thêm năng lượng để cống hiến và phát triển là tốt!

Người Trưởng nhóm tuyển ứng viên nên cần để ý thêm tiêu chí này để có được những TVV mới xuất sắc cho nhóm, và tạo cho họ một môi trường tốt phát triển công việc và sự nghiệp đúng như lời hứa ban đầu khi Trưởng nhóm đi tuyển: “Tôi thành công nên tôi cũng muốn giúp anh/chị thành công”!

  Chúc các anh/ chị và các bạn đồng nghiệp một tuần mới thật nhiều niềm vui! 
Nguồn : FB Lê Ngọc Hải - BVNT

No comments