Bảo hiểm nhân thọ: Cơ hội nào cho các thương vụ M&A?
Năm 2017, Aviva đã hoàn tất việc mua lại phần vốn góp của Vietinbank tại doanh nghiệp, nhờ vậy, VietinAviva trở thành công ty thuộc sở hữu 100% của Tập đoàn Aviva và đổi tên thành Aviva Việt Nam.
Giữa năm 2018, thương hiệu Mirae Asset Prévoir (MAP Life) cũng chính thức thay thế cho thương hiệu Prévoir Việt Nam, sau khi Tập đoàn Mirae Asset của Hàn Quốc hoàn tất bước cuối cùng trong việc góp vốn 50% vào hãng bảo hiểm đến từ nước Pháp.
Câu hỏi tiếp theo được thị trường đặt ra là liệu tập đoàn tài chính bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này có thực hiện bước tiếp theo là mua nốt phần vốn còn lại tại MAP Life, tương tự việc hãng bảo hiểm Sun Life từng bước mua lại liên doanh bảo hiểm PVI SunLife?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ ở thời điểm này. Hiện tại, MAP Life đang tập trung thực thiện chiến lược mở rộng sự hiện diện của mình tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Với hơn 13 năm kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Việt Nam từ đối tác và trước thực tế mô hình bán hàng trực tiếp chú trọng số lượng đang ngày càng được chuyển dịch sang các hoạt động chú trọng vào thị trường ngách, MAP Life xem việc lấy khách hàng làm trọng tâm là chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình.
Trong khi nhiều thị trường bảo hiểm nhân thọ khác gần như đã bão hòa thì tại Việt Nam, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng từ 20% đến 30%/năm liên tục trong nhiều năm qua. Và doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy cơ hội của mình trong sự tăng trưởng chung này.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có 18 doanh nghiệp, ngoại trừ Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp Việt Nam, còn lại đều là những liên doanh và doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, bao gồm sự hiện diện của những tập đoàn tài chính bảo hiểm hàng đầu trên thế giới.
“Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn tại châu Á. Các tập đoàn bảo hiểm tài chính kỳ vọng và đầu tư mạnh mẽ cho doanh nghiệp mình ở thị trường này để từ đó làm “bàn đạp” phát triển sang các nước Đông Nam Á khác”, CEO một công ty bảo hiểm tại châu Á nhìn nhận.
Trở lại câu chuyện cơ hội cho các thương vụ M&A và đầu tư chiến lược tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, những cơ hội này thực sự không còn nhiều, vì các tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới đều không muốn từ bỏ cơ hội của mình tại thị trường này.
Chưa kể, 18 doanh nghiệp chưa phải là số lượng nhiều và nếu có thêm, thị trường vẫn đủ “khoảng không” phát triển cho nhân tố mới, dù việc có được bao nhiêu thị phần ở thị trường này còn tùy thuộc vào hướng đi của mỗi công ty.
“Vẫn còn doanh nghiệp đang chờ để chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên, họ có thể không đi theo hướng thành lập doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn mà sẽ chờ đợi để thành lập liên doanh theo cách nhiều doanh nghiệp từng làm”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến từ châu Á chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
Trong những tên tuổi được đồn đoán về việc chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam trong suốt những năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Samsung đến từ Hàn Quốc được nhắc đến nhiều nhất. Đến thời điểm này, động thái mới nhất của Bảo hiểm nhân thọ Samsung là quyết định gia hạn giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đến tháng 4/2023 và "tiếp tục nghiên cứu thị trường để thúc đẩy các quyết định kinh doanh tại thị trường Việt Nam".
Tuy nhiên, theo một nguồn tin trong ngành bảo hiểm, nếu có cơ hội thì thời hạn hoạt động dưới hình thức văn phòng đại diện của Bảo hiểm nhân thọ Samsung có thể sẽ không kéo dài đến năm 2023, bởi hãng bảo hiểm này vẫn đang tìm kiếm đối tác và cơ hội để chính thức bước chân vào Việt Nam.
Thực tế, đặt chân vào thị trường Việt Nam bằng con đường liên doanh, sau đó mua lại cổ phần để thành doanh nghiệp 100% vốn ngoại vẫn là cách không ít doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn. “Chưa thể nói trước điều gì, nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét khả năng và mua thêm cổ phần của đối tác nếu có cơ hội”, CEO một doanh nghiệp liên doanh bảo hiểm nhân thọ từng chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
No comments