Băn khoăn chất lượng báo cáo giám định bảo hiểm
Luật sư Phạm Hoàng Sang, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, báo cáo giám định là tài liệu quan trọng, là một trong những căn cứ để tòa án ra phán quyết. Nhưng trên thực tế, trong quá trình giải quyết tranh chấp bảo hiểm tại tòa án, không ít trường hợp nhà giám định thiếu khách quan, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Theo giám đốc một công ty bảo hiểm ở TP.HCM, việc của nhà giám định là xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất, nên tình trạng thiếu minh bạch thường thấy là các công ty giám định lập báo cáo giám định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm.
"Luật Giám định tư pháp đã quy định rõ về trách nhiệm của nhà giám định. Nếu vi phạm, giám định viên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Dù vậy, tình trạng vi phạm vẫn khá phổ biến", Luật sư Sang nói.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tại, trên thị trường gần như không có cơ quan giám định độc lập một cách chuyên biệt về bảo hiểm, mà chủ yếu là các công ty giám định chung, thực hiện giám định nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả bảo hiểm. Có thể kể ra những công ty giám định trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam như Vinacontrol, Badinco, EuroControl, C&S, EIC, HDC, Raco, Thang Long Control, VIA, Vina Pacific, Viet Adjuster, Vietcontrol Hai Phong, Spicontrol…
Cần quy trách nhiệm đối với công ty giám định
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty giám định cho biết, nhà giám định chỉ là "người làm thuê", có nhiệm vụ tư vấn về phạm vi, trách nhiệm bảo hiểm (các rủi ro được bảo hiểm và không được bảo hiểm) cho doanh nghiệp bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra. Do đó, ý kiến của nhà giám định trong báo cáo hay kết luận giám định chỉ để tham khảo.
Phản biện lập luận này, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA cho rằng, do các báo cáo hay kết luận giám định được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết bồi thường, là căn cứ để nhà bảo hiểm và khách hàng giải quyết tranh chấp bảo hiểm, nên các văn bản này đều có giá trị pháp lý.
"Hơn nữa, theo quy định pháp luật, nếu tranh chấp được giải quyết tại các cơ quan tài phán thì nhà giám định không có thẩm quyền tư vấn về việc xác định phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Đây có thể được coi là bằng chứng thiên vị, thiếu khách quan của nhà giám định. Do đó, các văn bản này có thể bị bác bỏ”, ông Nguyên nói và cho biết thêm, đó là chưa kể tới chất lượng của các báo cáo giám định, bởi bảo hiểm là một lĩnh vực chuyên biệt, nếu nhà giám định không am tường lĩnh vực này thì rủi ro rất dễ xảy ra.
Để nâng cao tính minh bạch, khách quan của các báo cáo giám định bảo hiểm, theo bà Trịnh Tuyết Nga, Trưởng Ban Phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), việc kiểm soát chất lượng báo cáo là rất cần thiết, trong đó vai trò của các doanh nghiệp bảo hiểm là mấu chốt.
"Doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng tiêu chí xếp loại đánh giá chất lượng của các đơn vị giám định bảo hiểm hàng năm, từ đó gia tăng sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ giám định", bà Nga nhấn mạnh.
Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký IAV cho rằng, cần quy trách nhiệm cho các công ty giám định.
"Trước khi ký hợp đồng giám định, doanh nghiệp bảo hiểm cần kiểm tra đơn vị giám định đó đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định hay chưa. Đây là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm truy trách nhiệm của đơn vị giám định trong trường hợp đơn vị này đưa ra biên bản giám định thiếu khách quan, trung thực để chi trả quyền lợi cho người được bảo hiểm”, ông Lộc khuyến nghị.
Kim Lan
No comments