Breaking News

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm tự nguyện còn thấp

Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” vừa được BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại TP. Cần Thơ.

vi
Cộng tác viên BHYT tại thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) kê khai danh sách tham gia theo hộ gia đình. Ảnh: BHXH tỉnh Vĩnh Long
Số liệu công bố tại hội thảo cho thấy, tuy tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng này có tăng hơn năm 2016, nhưng nhìn chung, vẫn còn thấp so với tiềm năng của vùng.
Tỷ lệ bao phủ BHYT mới đạt 79,9%
Theo Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Mai Đức Thắng, tính đến ngày 31/8/2017, số đối tượng tham gia BHYT của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 14.299.918 người, đạt tỷ lệ bao phủ là 79,9% so với dân số vùng, chiếm tỷ trọng là 15,31% so với tỷ lệ bao phủ chung toàn quốc.
 Trong đó, có 7 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang. Tuy tỷ lệ tham gia BHYT vùng ĐBSCL có tăng hơn năm 2016, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, đa phần tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình, đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ mức đóng, người lao động trong các doanh nghiệp. Nhóm được NSNN đóng BHYT hiện có 6.531.372 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 36,89% dân số. Nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng là 2.790.911 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 15,76% dân số.
 Đáng chú ý, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của vùng hiện đạt 21.794 người, tăng 2% so với năm 2016 nhưng vẫn còn quá thấp so với số đối tượng tiềm năng của vùng ĐBSCL.
Những khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện BHYT, BHXH tự nguyện tại khu vực ĐBSCL được chỉ ra là do đa phần người dân đều là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, không có thói quen căn cơ, tích cóp chuẩn bị cho bản thân khi tuổi già, khi ốm đau, bệnh tật.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH tự nguyện chưa phù hợp với đặc thù vùng miền nên chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Một số tỉnh chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Ngoài ra, chính sách BHXH tự nguyện cũng chưa thực sự đủ hấp dẫn người dân khi chỉ áp dụng với hai chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, quyền lợi mà hầu hết người dân mong muốn là được áp dụng cả chế độ thai sản và ốm đau như với chính sách BHXH bắt buộc.
Chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cũng như thái độ phục vụ người dân, người tham gia.
 Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020.
Đồng thời, ngay trong cuối năm nay, BHXH các địa phương phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với HĐND các cấp, đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam kiến nghị để cấp ủy Đảng các cấp coi nội dung này là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị tại địa phương.
Theo ông Sơn, BHXH các địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư; tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Hội Nông dân các cấp cũng như vai trò của các đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình hội viên, đoàn viên các cơ quan đoàn thể.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là ban hành những quy định để đảm bảo việc thực hiện ngày càng tốt hơn quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm được thụ hưởng; kịp thời xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT...
Hà My