Breaking News

Ngành Bảo hiểm Xã hội: Hoàn thành sớm nhiều chỉ tiêu

Trong năm 2017, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng và thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ cho người thụ hưởng. Nhiều chỉ tiêu của ngành đã “về đích” sớm hơn dự kiến.

h
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Mạnh Kiên
Số thu vượt kế hoạch
Tại buổi họp báo ngày 26/12, tại Hà Nội, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số người tham gia BHXH bắt buộc đã đạt 13,52 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 11,72 triệu người; BHXH tự nguyện 291 nghìn người; BHYT 81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số, vượt chỉ tiêu được giao. Số thu toàn ngành là 289.349 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch; trong đó, thu BHXH là 194.943 tỷ đồng; thu BHTN là 13.263 tỷ đồng; thu BHYT là 81.143 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được ngành triển khai có hiệu quả trong năm 2017. Theo đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng từ 3 tháng trở lên, phải đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN trước thời điểm 31/12/2017; phấn đấu giảm tỉ lệ nợ gối đầu sang năm 2018 ở mức dưới 3%. Các đơn vị BHXH tập trung thanh tra chuyên ngành đột xuất (theo quy định tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH), tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nợ đọng trên địa bàn các tỉnh, thành phố có số thu, số nợ lớn đến hết tháng 11/2017; tăng cường phối hợp với thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế trong việc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Bằng những biện pháp tích cực đó, đến cuối tháng 12/2017, số tiền nợ BHXH hiện còn 5.737 tỷ đồng, chiếm 3% kế hoạch thu BHXH do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016.
Ông Sơn cũng cho biết, năm 2017, chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 270.316 tỷ đồng. Trong đó, chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT 85.250 tỷ đồng cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú; chi BHXH từ nguồn ngân sách 45.170 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 132.474 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 7.422 tỷ đồng.
Công tác trả sổ BHXH, cấp thẻ BHYT trong năm 2017 được ngành BHXH thực hiện trên tinh thần khẩn trương in, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT đã đồng bộ theo mã số BHXH; đảm bảo 100% người tham gia BHYT đã đồng bộ có mã số BHXH được cấp thẻ BHYT mới, bao gồm cả các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ một phần mức đóng. Đối với người tham gia chưa đồng bộ mã số BHXH mà thời hạn phải đổi thẻ BHYT vào tháng 1/2018, phải tập trung đồng bộ và cấp xong trước ngày 31/12/2017 để trả thẻ cho người tham gia.
Do đó, đến nay, toàn ngành đã cấp 13,5 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,3% trên tổng số đối tượng tham gia BHXH và cấp được 78,2 triệu thẻ BHYT. Thực hiện Luật BHXH, ngành BHXH đã bàn giao khoảng 9,1 triệu sổ BHXH, đạt trên 70% so với tổng số sổ BHXH phải bàn giao cho người lao động.
Tiếp tục hiện đại hóa công tác BHXH
 Theo ông Phạm Lương Sơn, trong năm 2017, ngành BHXH đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng được Chính phủ giao. Trong thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm để sớm hoàn thành các mục tiêu của ngành BHXH đến 2020.
Theo đó, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục triên khai Kế hoạch thực hiện ̉ Chỉ thị số 34/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Cùng với đó, ngành BHXH sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương.
 Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp; tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…, giúp doanh nghiệp và người dân, hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ khi tham gia về BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục hoàn thiện, bổ sung dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; đồng nhất quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH (mã định danh cá nhân); tiếp tục hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH.
 Ông Phạm Lương Sơn cho biết, đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; số đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử là trên 236.000 đơn vị, doanh nghiệp; đã hoàn thành tin học hóa việc quản lý và lưu trữ đối với 4,5 triệu hồ sơ hưởng BHXH.
Trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm quản lý; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung ngành BHXH; mở rộng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet.
Đồng thời, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NĐ-CP; Nghị định số 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Mai Lâm