Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ tập trung nghiên cứu tiền điện tử của Facebook
Vai trò của Facebook đối với cuộc sống chúng ta có thể là không giống nhau. Một số người sử dụng nó gần như mọi lúc mọi nơi, cập nhật và chia sẻ hoạt động hàng ngày của mình với bạn bè, gia đình, cũng như là xem những người khác đang làm gì. Trong khi đó, nhiều công ty, doanh nghiệp, báo chí xem Facebook như là một công cụ để tiếp cận trực tiếp đến khách hàng và đối tác.
Mặc dù vậy, tương lai của “gã khổng lồ” mạng xã hội với 2,1 tỉ người dùng này vẫn còn chưa được định hình rõ ràng.
Tuy lưu lượng tương tác hàng tháng vẫn đang gia tăng theo từng tháng, thế nhưng nền tảng của nó dường như là không thể chuyển dịch đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu người dùng, cũng như những xu hướng của công nghệ và xã hội. Do đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “Liệu Facebook đang lâm vào giai đoạn thoái trào?”
Thời thế đang thay đổi
Từ những chia sẻ mới nhất của người sáng lập và cũng là CEO Facebook, câu trả lời rõ ràng là “Vẫn chưa đâu”.
Trong status đầu năm, Mark Zuckerberg cho biết công ty cuối cùng cũng đang bắt kịp với các xu hướng công nghệ trên thế giới và thú vị thay, một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy mạng xã hội này làm vậy lại chính là tiền điện tử.
Mark Zuckerberg viết:
“Mỗi năm tôi đều tự thách thức bản thân phải học thêm một điều gì đó mới. Tôi đã đến thăm mọi bang của nước Mỹ, chạy bộ 365 dặm, tự lập trình một AI cho ngôi nhà của mình, đọc 25 quyển sách và học tiếng Quan Thoại.
Tôi đã bắt đầu thực hiện những thử thách trên kể từ năm 2009. Năm ấy thì nền kinh tế vẫn đang suy thoái trầm trọng và Facebook cũng không “ăn nên làm ra” được mấy. Chúng tôi cần nghiêm túc trong việc bảo đảm Facebook có một mô hình kinh doanh bền vững về lâu về dài. Đó là một năm quan trọng, và tôi đã mang cà vạt mỗi ngày để tự nhắc mình điều đó.
Hôm nay tôi lại có cảm giác rất giống những gì mình từng trải nghiệm trong cái năm đầu ấy. Thế giới ngập tràn trong sự lo âu và chia rẽ, và Facebook có rất nhiều việc để làm – từ bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự lăng mạ và thù hận, bảo vệ công ty không bị chính quyền các nước can thiệp, cho đến việc bảo đảm thời gian chúng ta dành cho Facebook không phải là một sự phung phí.
Thử thách tôi đặt ra cho bản thân mình trong năm 2018 này chính là tập trung khắc phục những vấn đề quan trọng trên. Chắc chắn chúng tôi sẽ không thể ngăn ngừa tất cả các thiếu sót và lạm dụng, như hiện chúng tôi đang mắc phải quá nhiều lỗi lầm trong thực hiện chính sách và bảo đảm công cụ của mình không bị dùng vào các mục đích sai trái. Nếu thành công thì chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc năm 2018 với một kết quả viên mãn hơn.
Tuy nghe thì chẳng giống một thách thức cá nhân chút nào cả, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ học thêm được rất nhiều từ việc tập trung cao độ vào những vẫn đề trên thay vì chú tâm làm một việc gì đó hoàn toàn không liên quan. Các vấn đề ấy có liên hệ đến nhiều thắc mắc về lịch sử, dân sự, triết học chính trị, truyền thông, chính quyền, và tất nhiên là công nghệ. Tôi rất mong đợi sẽ tập hợp được một nhóm các chuyên gia và cùng nhau hợp tác để giải quyết những bất cập trên.
Ví dụ, một trong những câu hỏi đang nhận được rất nhiều chú ý trong giới công nghệ gần đấy chính là so sánh giữa “tập quyền” (centralization) và “phân quyền” (decentralization). Phần đông chúng ta tham gia làm công nghệ vì ta tin nó có trở thành một nhân tố phân quyền để đưa nhiều quyền lực hơn đến tay mọi người. (Bốn từ đầu tiên trong Sứ mệnh của Facebook từ trước đến giờ vẫn luôn là “Give people the power – Đưa quyền lực cho mọi người). Ngay từ những năm 1990 và 2000, người ta đã tin rằng công nghệ sẽ cho ta một thế lực phân quyền.
Thế nhưng ở hiện tại, đa số chúng ta đã mất niềm tin vào lời hứa ấy. Với sự nổi lên của một nhóm nhỏ các công ty công nghệ khổng lồ – cũng như việc nhiều chính quyền sử dụng công nghệ để theo dõi, giám sát “nhất cử nhất động” công dân của mình – nhiều người giờ tin rằng công nghệ là sẽ chỉ có thể dẫn đến tập trung quyền lực chứ không phải phần bổ nó đồng đều cho xã hội.
Tuy nhiên, đang xuất hiện một số xu hướng quan trọng chống lại lập luận trên – như là mã hoá và tiền điện tử – lấy quyền lực từ các hệ thống tập quyền và trao nó lại về tay người dùng. Nhưng đổi lại, chúng đi kèm với rủi ro là khó kiểm soát hơn. Tôi đang rất hứng thú, muốn được đi sâu hơn và học hỏi cả những mặt tích cực và tiêu cực của các loại công nghệ này, cũng như xem thử làm sao để ứng dụng chúng vào dịch vụ của mình một cách tốt nhất.
Đây sẽ là một năm tự hoàn thiện bản thân một cách nghiêm túc và tôi mong đợi được học hỏi thêm nhiều điều từ việc cùng nhau tháo gỡ những vấn đề nêu trên.”
Trọng tâm rút ra được từ quyết tâm đầu năm của Mark Zuckerberg, đối với những người tham gia phân khúc Blockchain như chúng ta, nằm ở phần cuối, khi mà CEO Facebook cho biết anh sẽ học hỏi và áp dụng một khía cạnh nào đó của tiền điện tử vào mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Và rõ ràng câu hỏi tiếp theo sẽ là…
Facebook sẽ chọn đồng tiền điện tử nào đây?
Vâng, Facebook có thể dễ dàng tạo nên đồng tiền điện tử của riêng mình và tích hợp nó vào nền tảng mạng xã hội có sẵn, tương tự như những gì đang xảy ra tại Steemit. Tuy nhiên, công ty có thể chọn hợp tác với một trong những đồng tiền đã có sẵn (tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của hãng) và giúp họ bỏ qua công đoạn phát triển tốn kém và dài hơi.
Một lựa chọn khác nữa, trong trường hợp Facebook không muốn dính líu quá nhiều đến thị trường tiền thuật toán, đó là tiếp nhận một đồng tiền đã có sẵn trong ngắn hạn và sử dụng nó như là cầu nối hoặc thử nghiệm beta để phát triển công nghệ mới dựa trên đó nếu kết quả trả về là tích cực.
Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì việc Mark Zuckerberg và Facebook không chỉ hướng sự hứng thú đến phân quyền và công nghệ Blockchain mà còn công khi đề cập đến nó trước công chúng như là trọng năm nghiên cứu trong năm 2018 là minh chứng không thể rõ ràng hơn nữa cho một tương lai tươi sáng dành cho tiền điện tử.
Theo Bitcoinist. Biên dịch Coin68
No comments