Breaking News

“Làm mới” hợp đồng bảo hiểm, không thể chần chừ

Chính vì độ dài, độ chi tiết, nhiều từ ngữ khó hiểu có trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khiến khách hàng có cảm giác bị “gài bẫy, đánh đố”. Nhất là đến khi rủi ro xảy ra, bước vào giai đoạn giải quyết thủ tục chi trả, tranh chấp bảo hiểm càng thêm kéo dài, cũng bởi trước đó khách hàng đọc không kỹ các điều khoản có trong hợp đồng nhưng vẫn đặt bút ký, còn tư vấn viên thì chưa thực sự làm “tròn vai”.
“Làm mới” hợp đồng bảo hiểm, không thể chần chừ

Chi tiết, chặt chẽ

Mặc dù điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do công ty bảo hiểm soạn thảo nhưng theo quy định, nội dung phải được Bộ Tài chính (cụ thể là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) phê chuẩn khi đáp ứng được các quy định tại Chương II - Hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (từ Điều 13 đến Điều 39) trước khi đến tay người tham gia bảo hiểm. Các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải được xây dựng theo Điều 39, Nghị định 73/2016/NĐ-CP (trước đó là Nghị định số 45/2007/NĐ-CP).

Quy định trên nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và chính trực của bảo hiểm nhân thọ trong việc bảo hiểm đúng (người) và chi trả đúng (sự kiện bảo hiểm).

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn phê duyệt một số nội dung khác liên quan đến sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bao gồm công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí và dự phòng nghiệp vụ, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.

Vì sao khó hiểu?

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bắt buộc phải rõ ràng và chặt chẽ, vì thế mà các bộ điều khoản thường khá dài và có vẻ khó hiểu với nhiều người. Đó cũng chính là lý do khi tham gia bảo hiểm nhân thọ luôn cần có đội ngũ đại lý bảo hiểm để tư vấn cặn kẽ cho khách hàng.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự phức tạp và khó hiểu trong quy tắc, điều khoản, hợp đồng còn bởi hệ thống hợp đồng bảo hiểm của Việt Nam là được dịch thuật từ nước ngoài. Do khả năng, kỹ năng dịch thuật, xây dựng đơn bảo hiểm chưa phù hợp quy định pháp luật, tính dự trù của các quy phạm pháp luật chưa cao nên các bộ quy tắc bảo hiểm nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt thường phức tạp, khó hiểu.

Cần nói thêm rằng, các sản phẩm bảo hiểm dù được khai thác trong nước nhưng cũng phải đáp ứng và hội đủ chuẩn mực tương đồng kỹ thuật với nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng đơn của thị trường tái bảo hiểm, chuyển ngữ và đăng ký là có thể tham gia thị trường. 

Vấn đề là những người dịch thuật khó có thể chuyển tải được toàn bộ nội dung của bộ đơn với sự chênh lệch về ngôn ngữ, văn hóa và nền tảng pháp lý, khi áp dụng sẽ không thể phù hợp hoàn toàn với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Về cơ bản, hợp đồng bảo hiểm cũng như các loại hợp đồng khác phải thỏa mãn các điều kiện về hình thức và nội dung. Về hình thức, các chủ thể tham gia hợp đồng phải có đầy đủ năng lực (pháp luật và hành vi) và tự nguyện. 

Về nội dung, hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Khi thỏa mãn các điều kiện về hợp đồng, hay nói cách khác là hợp đồng không bị vô hiệu thì mọi hợp đồng đều có giá trị và là cơ sở để các bên thực hiện và giải quyết tranh chấp (nếu có). 

Thực tế, hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trên dưới 20 năm. Về nghiệp vụ và hợp đồng bảo hiểm, hầu hết được sao chép từ các quốc gia Âu, Mỹ. Khi mang một hợp đồng bảo hiểm từ các quốc gia này về và dịch lại rồi áp dụng tại Việt Nam thì chắc chắn sẽ có “độ vênh”. 

Thứ nhất, ngôn từ chuyên môn trong lĩnh vực bảo hiểm của Việt Nam chưa đủ để dịch mà vẫn phải phản ánh đúng bản chất của nghiệp vụ được đề cập trong hợp đồng bảo hiểm. 

Thứ hai, trình độ phát triển của các quốc gia trên hơn hẳn Việt Nam. Thái độ về việc được bảo hiểm đã xuất hiện trong suy nghĩ của các cá nhân và doanh nghiệp của họ từ rất lâu. Họ đã có một khoảng thời gian dài điều chỉnh và phát triển trong hoạt động bảo hiểm. 

Trong khi đó, một hợp đồng bảo hiểm không thể tách rời khung pháp lý. Khung pháp lý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao trùm nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, hầu hết các ngành luật đều ít nhiều có những chế định liên quan đến bảo hiểm. 

Các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm về bản chất là một sự thỏa thuận, một giao dịch, trong đó các bên xác định các quyền và nghĩa vụ của mình với mục đích là lợi ích mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập hợp đồng bảo hiểm. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tranh chấp giữa nhà bảo hiểm với khách hàng thuộc các lĩnh vực kinh tế khác. 

“Làm mới” bộ hợp đồng bảo hiểm

Liên quan đến bộ hợp đồng bảo hiểm của toàn ngành trong tất cả các mảng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, hiệu đính. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ thì xây dựng khung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới mẫu để các doanh nghiệp bảo hiểm tham khảo và đăng ký với Bộ Tài chính.

Đồng thời, xây dựng phần Phụ lục 1 - Định nghĩa các thuật ngữ trong bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn để các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng; xây dựng mẫu hợp đồng bảo hiểm xây dựng - lắp đặt đáp ứng các nội dung quy định trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 cũng như đáp ứng các yêu cầu, điều khoản trong các hợp đồng tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tổ chức việc dịch Nghị định 119 và Thông tư 329 hướng dẫn Nghị định 119 sang tiếng Anh để các doanh nghiệp bảo hiểm tham khảo, sử dụng; tổ chức biên dịch, hiệu đính bộ Điều khoản hàng hoá, tàu biển năm 2009; thống nhất ban hành khuyến cáo chung về phí sàn thân tàu biển (để các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên có cơ sở tham khảo khi hướng dẫn quản lý nghiệp vụ bảo hiểm tàu).

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng khung quy tắc, điều khoản, điều kiện, biểu phí thống nhất trên toàn thị trường để các doanh nghiệp bảo hiểm tham khảo áp dụng cho một số sản phẩm bảo hiểm đã được pháp luật quy định cho các đối tượng phải mua bảo hiểm.

Hy vọng, với sự nỗ lực của toàn ngành cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân để trở thành những người tiêu dùng thực sự thông thái, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có một bộ hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ triển khai mà vẫn đảm bảo tính tuân thủ.

No comments