Breaking News

Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế đang được kiểm soát tốt hơn

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) chiều 29/11, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) đang được kiểm soát tốt hơn.

hop
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì hội nghị.
Gần 80 triệu người tham gia BHYT
Theo BHXH Việt Nam, hiện tại, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người, đạt 95,2% so với kế hoạch giao; BHXH tự nguyện: 220 nghìn người, đạt 58,9% so với kế hoạch giao; BH thất nghiệp: 11,39 triệu người, đạt 94,5% so với kế hoạch giao; BHYT: 79,7 triệu người, tăng 5,25 triệu người (7,1%) so với cùng kỳ năm 2016 và đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 85,3% dân số cả nước. Trong gần 80 triệu người tham gia BHYT, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình là hơn 14 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2016.
Tổng số thu là 227.119 tỷ đồng, đạt 80,2% so với kế hoạch giao, tăng 29.523 tỷ đồng (14,9%) so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế đến hết tháng 10, số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn ngành là 217.783 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 34.171 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 105.736 tỷ đồng, chi Quỹ BH thất nghiệp 4.850 tỷ đồng và chi khám chữa bệnh BHYT 73.026 tỷ đồng.
Tính đến 31/10/2017, số người được cấp sổ BHXH là 13,4 triệu, đạt 99,2% số người tham gia BHXH, số lượng sổ bàn giao cho người lao động là 6,55 triệu sổ/13 triệu sổ phải trả, đạt 50,3%. Số thẻ BHYT đã cấp đạt 79,5 triệu thẻ.
Về hoàn thiện, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT, tính đến ngày 05/11/2017, toàn quốc đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho trên 6,4 triệu người, đạt tỷ lệ 8,7%. Trong đó một số tỉnh đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH có số lượng lớn như: Bình Dương (406 nghìn người), Thành phố Hồ Chí Minh (523 nghìn người), Hà Nội (304 nghìn người), An Giang (354 nghìn người) ..
Ước chi hơn 80.000 tỷ đồng khám chữa bệnh BHYT
Tại hội nghị, ông Phạm Lương Sơn cho biết, từ khi hệ thống giám định BHYT ra đời cùng với các biện pháp siết chặt thanh toán Quỹ BHYT, tình trạng trục lợi BHYT đã được kiểm soát tốt hơn. Tính đến ngày 27/11/2017, cả nước có 149.757.094 lượt khám chữa bệnh BHYT, với tổng số đề nghị Quỹ BHYT chi trả là 77.547 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, đây là con số đã được kiểm soát. Bởi, theo tính toán dự kiến của BHXH Việt Nam, năm 2017, Quỹ BHYT sẽ phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ là 91.000 tỷ đồng bao gồm việc điều chỉnh giá đầy đủ, nếu không đầy đủ thì khoảng 85.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức chi đã được kiểm soát, với con số hiện tại là 77.547 tỷ đồng và hết năm 2017, tổng mức chi khám chữa bệnh BHYT ước khoảng 81.000 - 82.000 tỷ đồng.
“Đây là một tín hiệu mừng cho việc kiểm soát chi phí, hướng tới tính đúng, tính đủ cho người bệnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bệnh. Đồng thời, tạo ra một khoản kết dư để dành cho năm sau, đẩy việc phải tăng mức đóng BHYT ra xa hơn”- ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đại- Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện tại BHXH Việt Nam có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, nằm hầu hết ở các thôn xã, nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế.
Đến hiện tại, mới có khoảng hơn 220.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy tăng gần 20.000 người so với cuối năm 2016 nhưng đây vẫn là một con số rất khiêm tốn. Hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là những đối tượng người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu nên họ tham gia tiếp BHXH tự nguyện, còn con số nông dân tham gia là rất ít. 
Nguyên nhân, do người tham gia tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập khai đóng BHXH tự nguyện, người lao động trong doanh nghiệp chỉ đóng 1/3 mức trên, còn người tham gia tự nguyện phải đóng tất cả 22%. Hơn nữa, nếu đóng theo mức thấp nhất thì mức đóng góp ít, thời gian tham gia dài nên chưa tạo sức hấp dẫn cho người dân tham gia.
Theo ông Phạm Lương Sơn, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn ít một phần do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần cũng có nguyên nhân từ chính sách. Ông Sơn cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn để lôi kéo người dân tham gia. Vì vậy, phải làm sao để người dân hiểu được lợi ích và tăng được sức hấp dẫn của chính sách thì mới có thể đạt mục tiêu 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện vào 2020./.
Mai Lâm