Breaking News

Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng: Cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt

9 tháng năm 2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng khả quan với doanh thu phí BH khai thác mới ước đạt 15.340,8 tỷ đồng, tăng 31,72% so với cùng kỳ 2016, tạo đà cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tiếp tục đầu tư mở rộng kênh phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ.

bancassurance
Bancassurance đóng góp đáng kể cả về doanh thu lẫn hiệu suất kinh doanh của Manulife Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành dự báo, thị trường tháng cuối năm sẽ tiếp tục “nóng” hơn bởi cuộc đua mở rộng kênh phân phối BH qua ngân hàng của các DNBH, kỳ vọng sớm tăng trưởng doanh thu, thị phần, hoàn thành kế hoạch đề ra. 
“Nóng” cuộc đua bancassurance 
Nhìn lại diễn biến thị trường từ đầu năm đến nay, có thể thấy “cuộc đua” mở rộng thị phần chưa bao giờ hết “nóng”, trong đó liên kết cùng các tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng là lựa chọn hàng đầu của các DNBH, đặc biệt là những DN mới tham gia thị trường. Theo đó, có thể kể đến hợp tác độc quyền 15 năm giữa FWD Việt Nam - DN mới tham gia thị trường BH và Nam A Bank nhằm cung cấp các sản phẩm BH nhân thọ toàn diện và đa dạng cho khách hàng đôi bên. Cùng thời điểm, Cathay Life Việt Nam cũng ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm BH qua kênh ngân hàng với IndovinaBank. Một thương hiệu mới chính thức ra mắt thị trường BH Việt Nam tháng 8/2017 - Aviva Việt Nam cũng mới hoàn tất việc ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm (bancassurance) với VietinBank.
Không chỉ các DN mới tham gia thị trường mà các tên tuổi hàng đầu thị trường BH nhân thọ cũng đẩy mạnh phát triển bancassurance. Điển hình như Dai-ichi Life Việt Nam, DN này mới  ký kết hợp tác độc quyền với Sacombank. Đây là hợp đồng có thời hạn dài nhất trên thị trường BH Việt Nam, lên đến 20 năm. Như vậy, Sacombank sẽ là đối tác độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm BH nhân thọ của Dai-ichi Life Việt Nam thông qua mạng lưới 552 điểm giao dịch cùng với các kênh tư vấn, bán hàng (tại quầy, giao dịch trực tuyến, ATM...) của ngân hàng này trên toàn quốc.
Trước đó, AIA Việt Nam cũng ký kết hợp tác độc quyền kéo dài 15 năm với VPBank. Hợp tác này cho phép cả AIA Việt Nam và VPBank cùng đầu tư và cam kết xây dựng một nền tảng bancassurance hàng đầu thị trường trên cơ sở tích hợp các giải pháp kỹ thuật số, các chương trình huấn luyện - đào tạo tốt nhất và phương thức tiếp cận mới để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Trước đó, hai đối tác hàng đầu trên thị trường BH liên kết ngân hàng là Techcombank và Manulife Việt Nam cũng chính thức công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác BH độc quyền kéo dài 15 năm. Đây là mối quan hệ hợp tác đầu tiên được phát triển nâng tầm từ phi độc quyền sang độc quyền  tại Việt Nam sau 4 năm hợp tác; cho phép Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp BH nhân thọ tới tất cả khách hàng của Techcombank, hướng đến mục tiêu đạt hơn 10.000 tỷ đồng phí BH trong 5 năm tới. 
Tiềm năng còn rất lớn 
Ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc FWD chia sẻ: “FWD đã có sự tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng qua, trong đó kênh phân phối BH qua ngân hàng đã đóng góp đáng kể vào thành công này”.
Còn đại diện Dai-ichi life Việt Nam thì cho biết, việc đẩy mạnh phát triển bancassurance và kênh bưu điện, đã giúp công ty gặt hái được những thành công bước đầu. Theo đó, doanh thu từ các kênh phân phối này hiện chiếm khoảng 10% doanh thu phí BH khai thác mới. Công ty đặt mục tiêu bancassurance đóng góp khoảng 20% doanh thu phí BH khai thác mới vào năm 2018.
Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, bancassurance chính là kênh phân phối quan trọng, đóng góp đáng kể cả về doanh thu lẫn hiệu suất kinh doanh cho công ty.
Theo các chuyên gia trong ngành BH, thị trường BH nhân thọ được đánh giá là rất tiềm năng khi chỉ mới có khoảng 0,7% dân số tham gia loại hình này. Đặc biệt, việc khai thác BH qua kênh bancassurance chỉ mới đạt 6% tổng doanh thu của ngành trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%. Vì thế, tiềm năng từ bancassurance còn rất lớn.
Phát triển bancassurance cũng mang lại lợi ích cho đôi bên, trong đó, các ngân hàng có thể tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc triển khai bán chéo sản phẩm, khai thác thêm mảng thị trường dịch vụ tiềm năng. Ngược lại, các DNBH cũng sẽ giảm thiểu chi phí mở rộng và duy trì chi nhánh kinh doanh, khi tận dụng được hệ thống phân phối và lượng khách hàng sẵn có của các ngân hàng. Theo đó, trong thời gian tới, xu hướng phát triển kênh liên kết với ngân hàng và các đối tác nhằm bán chéo sản phẩm BH dự báo sẽ ngày càng “nóng” hơn.
H.C - P.N