Breaking News

Bitcoin: Thông báo của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm giới hạn trách nhiệm của cơ quan này

Thông tin việc sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý hình sự từ 1/1/2018 khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng liệu có phải cứ “dính” đến bicoin là phạm pháp? Đầu tư chứng khoán đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO xung quanh vấn đề này.

Bitcoin: Thông báo của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm giới hạn trách nhiệm của cơ quan này
Thưa luật sư, chuyện về “thân phận” bitcoin lại một lần nữa trở thành tâm điểm dư luận khi tin Đại học FPT thu học phí bằng bitcoin (đối với sinh viên nước ngoài) lan ra. Vậy luật sư có quan điểm thế nào về bitcoin?
Về mặt thị trường, bitcoin thực sự có giá trị, vẫn được nhiều cá nhân, tổ chức mua bán, trao đổi. Về mặt pháp lý, đến nay cơ chế quản lý bitcoin bằng quy định pháp luật tại Việt Nam không rõ ràng.

Bitcoin không hẳn là tiền tệ theo cách hiểu truyền thống từ quản lý Nhà nước bởi tiền tệ luôn gắn liền với quyền lực một Nhà nước và Nhà nước đứng trung gian giữa đồng tiền và người nắm giữ đồng tiền. 

Tiền tệ truyền thống như dạng chứng chỉ ghi nợ giữa một Nhà nước với người dân. Nếu tin vào sức mạnh kinh tế của Nhà nước, người dân giữ tiền, còn không sẽ giữ vàng hoặc ngoại tệ. 

Với Bitcoin thì hoàn toàn không xuất hiện vai trò của Nhà nước nào đứng trung gian giữa đồng tiền và người nắm giữ. Xuất hiện bởi một thuật toán và được vận hành bởi một chuỗi những người nắm giữ với quy tắc biến đổi giá trị rất chặt chẽ, nên giá trị bitcoin được bảo đảm bởi chính tổng thể những người đang nắm giữ nó. 

Không một Nhà nước nào có thể can thiệp vào giá trị của bitcoin, không in thêm tiền, không lạm phát… Đó là lý do đến giờ sự tồn tại của bitcoin vẫn do các yếu tố thị trường quyết định. Một khi thị trường có nhu cầu thì sẽ vẫn có giao dịch. 

Với thông báo NHNN công bố sáng 30/10 thì việc sử dụng bitcoin để thanh toán là vi phạm, có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Vậy có phải cứ giao dịch bitcoin là vi phạm?

Không phải vậy! Bởi thông báo của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm giới hạn trách nhiệm của cơ quan này trong lĩnh vực quản lý của họ. Nếu bitcoin là tiền, hoặc là phương tiện thanh toán thì sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Trước hết có thể khẳng định rõ, theo pháp luật về ngân hàng của Việt Nam, bitcoin không phải là tiền. Theo Điều 2, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam, thì tiền Việt Nam chỉ được hiểu gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. 

Còn tiền tệ nước ngoài, Pháp lệnh ngoại hối cũng chỉ thừa nhận đồng tiền ngoại tệ là từ quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.

Không có khái niệm pháp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam về tiền ảo, tiền kỹ thuật số - cryptocurrency. Do vậy, đương nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ không bị ràng buộc trách nhiệm về quản lý bitcoin như dạng tiền tệ.

 Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO
Còn về phương tiện thanh toán, chính xác gọi là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một khái niệm gần như chỉ thuộc lĩnh vực ngân hàng, gắn liền với dịch vụ thanh toán của giới ngân hàng. Qua thông điệp của Ngân hàng Nhà nước, bitcoin có phải là một phương tiện thanh toán hay không, đến nay chưa rõ.

Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp chỉ thừa nhận các phương tiện thanh toán như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng…là những phương tiện thanh toán nằm trong các hướng dẫn nghiệp vụ từ Ngân hàng Nhà nước. Còn các phương tiện thanh toán khác đều là bất hợp pháp. 

Vậy vấn đề nằm ở chỗ, Ngân hàng Nhà nước có coi bitcoin là phương tiện thanh toán không? Điều này không hề rõ.

Vậy có nguyên tắc nào để các cá nhân, tổ chức tránh rủi ro phải chịu trách nhiệm pháp lý về giao dịch liên quan đến bitcoin?

Về phía quản lý Nhà nước, không thể phủ nhận khó quản lý được bitcoin và cũng không thể phủ nhận những nguy cơ khó lường trước về bất ổn thị trường tài chính, bất ổn chính sách tiền tệ vì đồng tiền ảo bitcoin. 

Tuy nhiên, thị trường cần một quy định pháp lý chính thức từ các cơ quan Nhà nước. Bởi, nếu như những người giao dịch không coi bitcoin như một phương tiện thanh toán, mà coi bitcoin là một dạng tài sản, một dạng hàng hóa hay dạng vỏ sò trao đổi với nhau, thì có phạm pháp không? 

Rất không rõ ràng nếu như không có một quy định dẫn chiếu, trong khi không phủ nhận thực tế thị trường vẫn đang thừa nhận bitcoin, các giao dịch vẫn đang tiếp diễn. Do vậy, thị trường cần một quy định pháp luật dứt khoát từ hệ thống pháp luật, chứ không cần các thông điệp chung.

Về phía những tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với đồng bitcoin nên nhìn nhận sự tồn tại một khoảng mờ pháp luật về bitcoin. 

Khi tồn tại một cách hiểu mập mờ, đương nhiên nếu có sự cố thiệt hại kinh tế xảy ra, nguy cơ hình sự hóa quan hệ giao dịch là điều khó tránh khỏi. Bởi đằng sau các khoảng mờ pháp luật luôn là sự diễn giải các vấn đề theo hướng nghiêm khắc nhất, chặt chẽ nhất và cứng nhắc nhất từ phía các cơ quan có thẩm quyền.

Bùi Trang

No comments