Breaking News

Nâng cao hiệu quả thực hiện quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong thời gian tới, cơ quan quản lý bảo hiểm đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

cháy nổ
Ảnh T.L minh họa
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Nghị định số 130/2006/NĐ-CP (NĐ 130) và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ( NĐ 46) về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (BHCNBB) ra đời đã tạo hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất, thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong việc triển khai BHCNBB; nâng cao nhận thức về sự cần thiết của BHCNBB và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ của các tổ chức, cá nhân; đồng thời tạo công cụ cho các Bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát việc thực hiện BHCNBB.
Tuy nhiên trong thực tế triển khai NĐ 130 và Điều 2 NĐ 46 cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Một số quy định tại các Nghị định (NĐ) chưa thống nhất với Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; chưa có quy định về chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ BHCNBB cho hoạt động PCCC để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật PCCC; một số quy định còn trùng lắp hoặc cần phải quy định rõ hơn để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện,...
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết thực hiện NĐ 130 và Điều 2 NĐ 46 tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thực hiện chế độ BHCNBB, nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cá nhân về vai trò quan trọng của công tác này đã được nâng lên.
Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn BHCNBB chưa đồng bộ với các văn bản về PCCC, theo đó, tỷ lệ cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB tham gia bảo hiểm mới chỉ đạt 56%. Trong số này, có cơ sở chưa mua bảo hiểm hết danh mục tài sản; không mua bảo hiểm đối với phần hàng hóa; doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm với tỷ lệ phí không đúng quy định, không tách riêng phần BHCNBB trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói… Do vậy, tại hội nghị các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng NĐ thay thế NĐ 130, Điều 2 NĐ 46 về chế độ BHCNBB.
Đề xuất, bổ sung nhiều nội dung quan trọng
Cũng tại hội nghị đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã góp ý xây dựng NĐ sửa đổi NĐ 130 và Điều 2 NĐ 46 về chế độ BHCNBB, theo đó, DNBH đề xuất bổ sung, điều chỉnh một số điều tại dự thảo NĐ.
Cụ thể, tại Điều 4 dự thảo về đối tượng được BHCNBB, các DNBH đề xuất bổ sung thêm các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm), tài sản khác. Những tài sản trên được BH khi giá trị của tài sản tính được thành tiền. Nguyên nhân vì, bổ sung thêm các hạng mục tài sản khác để người được BH có thể yêu cầu tham gia BHCNBB cho tài sản có giá trị ngoài các hàng hóa, vật tư, kiến trúc thông thường.
Về số tiền BHCNBB tối thiểu quy định tại Điều 5 dự thảo, DNBH đề xuất bỏ chữ “tối thiểu” trên tiêu đề, vì đây là quy định việc xác định số tiền tham gia bảo hiểm, nội dung quy định đã có 3 lựa chọn để xác định số tiền bảo hiểm cần thiết cho việc ký kết hợp đồng bảo hiểm...
Tại Điều 7 dự thảo về các khoản loại trừ, DNBH cho rằng nên giữ nguyên trong như trong NĐ 130 vì các điểm loại trừ hiện đang áp dụng tại NĐ 130 đã loại trừ cơ bản trong tất cả các hợp đồng bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm tài sản được áp dụng trên toàn thế giới, các DNBH tại Việt Nam phải áp dụng thì mới đảm bảo việc tái bảo hiểm cho các hợp đồng bảo hiểm. Về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm được quy định tại dự thảo, DNBH đề xuất bổ sung thêm “Khoản 7: Cung cấp đầy đủ trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm”...
Tại Điều 12 dự thảo về quyền của DNBH, DNBH đề xuất: Bổ sung thêm: “Từ chối bán bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện các công việc cải thiện hệ thống trang thiết bị PCCC theo nội dung khuyến nghị của cơ quan cảnh sát PPCC trong vòng 3 tháng kể từ ngày lập biên bản kiểm tra” và sửa khoản 4 thực hiện chế tài bồi thường BH một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ không tuân thủ đúng các quy định về PCCC theo quy định của pháp luật, hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng hạn các kiến nghị của Cảnh sát PCCC tại biên bản kiểm tra về PCCC là nguyên nhân gây ra rủi ro cháy, nổ. Theo các DNBH, đề xuất này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của bên mua bảo hiểm trong việc PCCC...
Ngoài ra, DNBH còn đề xuất bổ sung quy định về mức trích nộp kinh phí đóng góp từ BHCNBB; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đóng góp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; tra cứu thông tin về danh sách các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trên trang thông tin điện tử và cần có kết luận của cơ quan cảnh sát PCCC để làm căn cứ giải quyết bồi thường BHCNBB..., nhằm đẩy mạnh triển khai BHCNBB trong thời gian tới.../.
PN