Quy định mới về đóng bảo hiểm xã hội với người lao động tại DN: Giảm bớt thủ tục hành chính
Đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBX.
Trong đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng, gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu… mức hưởng sẽ cao hơn.
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%. Với công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quy trình mới tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin nhất là việc lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm trong việc quản lý đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động... tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia. Theo đó, đã cắt giảm từ 09 thủ tục hành chính theo quy định hiện hành xuống còn 05 thủ tục hành chính. Đồng thời, bổ sung quy trình cấp, ghi mã số BHXH và rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế xuống còn 05 ngày.
Về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, theo quy định tại khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2018, sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu như sau: Lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi;
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% (nội dung này chỉ thay đổi đối với lao động nữ vì trước năm 2018 cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau khi đạt tỷ lệ 45% lao động nữ được tính thêm 3%).
Như vậy, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%); lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
No comments