Sống can trường sau những mất mát: Bài học COO Facebook dạy con khi chồng đột ngột qua đời
Nỗi đau nào cũng sẽ thành sẹo - đó là một sự thật không thể chối cãi. Điều quan trọng là hãy dạy cho lũ trẻ biết rằng dù có chuyện gì xảy ra, chúng vẫn luôn quan trọng với bạn và không bao giờ lẻ loi trong cuộc đời.
Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ tôi hay cãi nhau như cơm bữa. Mỗi lần cãi nhau xong, mẹ sẽ hỏi tôi: "nếu ba mẹ cãi nhau, con sẽ ở với ai?". Với lũ trẻ mới chỉ chưa đầy 10 tuổi, chúng tôi biết ở với ai đây khi việc ba mẹ không ở chung với nhau là một điều gì đó mà chúng tôi còn không hiểu? Trẻ con thì phải ở với ba mẹ chứ?
Người lớn lúc nào cũng hỏi vậy; luôn lấy con trẻ làm đồng minh nhưng đâu có quan tâm tới cảm nhận của nó. Khi bị hỏi những câu như vậy, trẻ con dần hình thành sự nghi hoặc, bất an về căn nhà có bố có mẹ. Rồi tuổi thơ của các em trôi qua trong cái ý niệm: gia đình mình không hạnh phúc.
Chỉ như vậy thôi, tôi đã thấy cái nỗi buồn vận lên tuổi thơ là như thế nào. Nếu một ngày, đứa trẻ bị đẩy vào cảnh mồ côi cha mẹ thật sự thì nỗi đau sẽ còn ám ảnh, khôn nguôi biết bao? Một vết đau hằn sâu trên da rồi cũng có lúc lành nhưng ai biết hình dáng vết sẹo ra sao? Đó là lúc, chúng cần sự quan tâm hơn bao giờ hết: để mạnh mẽ, đương đầu với khó khăn và sống thật can trường.
Như câu chuyện của COO Facebook, bà Sheryl Sandberg dạy con mình sau khi người cha qua đời:
"2 năm trước, một bi kịch xảy ra đã thay đổi gia đình tôi hoàn toàn. Trong khi đang đi nghỉ dưỡng, chồng tôi, Dave, đã qua đời đột ngột vì một cơn đau tim.
Bay về nhà để nói cho cô con gái 7 tuổi và cậu con trai 10 tuổi rằng cha nó đã mất là một trong những điều tồi tệ nhất của cuộc đời. Tôi đã phải xin ý kiến của một người bạn để làm sao có thể nói chuyện với bọn trẻ một cách hợp lý. Cô ấy nói với tôi điều quan trọng nhất là hãy cho lũ trẻ biết rằng tôi yêu chúng nhiều biết nhường nào và các con tôi sẽ không bao giờ cô đơn.
Thời gian đầu sau đám tang của chồng tôi, mọi thứ đều ảm đạm. Tôi cố gắng làm theo những gì bạn tôi khuyên bảo. Điều tôi sợ hãi nhất rằng các con tôi sẽ không bao giờ có niềm vui hay hạnh phúc nữa. Tôi thực sự không biết phải làm gì để giúp các con vượt qua nỗi đau này.
Tôi bắt đầu nói chuyện với một anh bạn khác, Adam Grant, chuyên gia tâm lý và một giáo sư chuyên nghiên cứu về cách để truyền động lực cho mọi người. Tôi muốn biết cách để các con mình có thể can đảm vượt qua nỗi đau này.
Là những bậc phụ huynh, giáo viên hay người nuôi dưỡng, chúng ta luôn muốn dạy dỗ các con trở thành những đứa trẻ can trường - để các con có thể mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Sự can trường khiến lũ trẻ mạnh mẽ hơn, tìm được niềm vui trong cuộc sống và thành công. Tin tốt là sự can trường không phải một tính cách bẩm sinh. Chúng ta không được sinh ra với sự can trường. Phẩm chất ấy như những cơ bắp mà lũ trẻ có thể rèn luyện theo năm tháng.
Và đứa trẻ nào cũng phải đối mặt với những khó khăn như một phần của quá trình trưởng thành: quên lời thoại trong một vở kịch, trượt bài kiểm tra, thua một trò chơi, mất một người bạn... 2/10 đứa trẻ tại Mỹ sống trong nghèo khổ, hơn 2,5 triệu trẻ em có cha mẹ đi tù và nhiều đứa trẻ khác phải chịu đựng bệnh tật, bạo hành, vô gia cư. Chúng ta đều biết rằng những nỗi đau như vậy có thể theo lũ trẻ suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, cảm xúc của các em. Sống trong một xã hội, chúng ta nợ lũ trẻ sự an toàn, sự hỗ trợ, cơ hội và cách giúp các em tiến về phía trước.
Hãy bắt đầu bằng cách cho lũ trẻ thấy rằng chúng rất quan trọng. Các nhà xã hội học định nghĩa "quan trọng" là việc người khác coi trọng bạn, quan tâm và phụ thuộc vào bạn. Đó là câu hỏi quan trọng mà lũ trẻ luôn hoài nghi về sự tồn tại của chúng trên thế giới: Liệu chúng con có quan trọng với cuộc đời ba mẹ?
Khi câu trả lời là không, lũ trẻ cảm thấy bị chối bỏ và cô độc. Chúng có xu hướng tự hủy hoại bản thân và phát triển hành vi xa lánh xã hội. Vài đứa trẻ khác, chúng thu mình hẳn vào bên trong.
Cách đây không lâu, một người bạn của tôi đón con trai về từ một trại hè. Cậu bé nói đầy tự hào về việc mình đã hoàn thành một con robot trong vòng 2 ngày. Sáng hôm sau, khi quay trở lại, cậu bé phát hiện con robot của mình đã bị phá bởi những kẻ bắt nạt. Chúng còn bảo em là đồ vô dụng. Kể từ ngày hôm đó, bà mẹ nhận thấy con trai mình chìm trong nỗi lo lắng và sự tuyệt vọng. Kể cả khi cậu bé trở lại trường học, bà mẹ vẫn kể lại việc con trai mình thường chùm mũ kín mịt và chỉ dám ngồi ở ghế sau, trong thế giới riêng của mình.
Những người trưởng thành cảm thấy được tôn trọng thường không trải qua cảm giác tuyệt vọng, tự ti hay có suy nghĩ tự tử. Họ có xu hướng hòa nhập tốt với cộng đồng và thể trạng sức khỏe tốt.
Làm cha mẹ, đôi khi chúng ta cảm thấy vô dụng bởi vì việc giải quyết vấn đề của con trẻ là không hề đơn giản. Với những tình huống như vậy, chúng ta chỉ có giúp đỡ các con khi luôn ở bên - song hành cùng cuộc đời con và luôn luôn lắng nghe. Adam nói tôi về những chương trình tại học bang Arizona để giúp các gia đình vượt qua nỗi đau mất cha mẹ hoặc ly dị. Những chương trình này sẽ dạy các bậc phụ huynh cách kết nối và duy trình mối quan hệ thân thiết với con cái, giao tiếp cởi mở và giúp lũ trẻ phát triển các kỹ năng đối mặt với khó khăn.
Một buổi chiều, tôi ngồi với các con và viết ra "những quy tắc gia đình" để giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống
"Nếu buồn cứ buồn, và nếu cần hãy cứ khóc
Nếu vui, các con hãy cười thoải mái
Nếu các con thấy ghen tị với những bạn bè hay họ hàng vì họ vẫn có cha, các con có quyền giận dữ
Nếu các con không muốn nói về nó, điều đó hoàn toàn bình thường
Nếu cảm thấy không ổn, hãy hỏi giúp đỡ".
Tờ poster chúng tôi làm ngày hôm đó vẫn được treo nơi phòng khách để chúng tôi có thể dặn mình mỗi ngày. Nó giúp các con tôi biết rằng chúng rất quan trọng và chúng không hề cô đơn.
Dave và tôi thường có thói quen chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong ngày với lũ trẻ bên mâm cơm tối. Cho lũ trẻ biết rằng chúng vẫn được quan tâm là cách để xây dựng nên tính cách can đảm của lũ trẻ. Tôi và các con vẫn giữ thói quen này. Giờ đây, chúng tôi cũng chia sẻ những câu chuyện khiến mọi người cảm thấy biết ơn cuộc sống dù có mất mát xảy ra trong quá khứ.
Bởi vì lũ trẻ nhà tôi phải chịu cảnh mất mát khi chúng còn quá nhỏ, tôi sợ rằng ký ức của chúng về cha sẽ nhạt nhòa. Điều đó khiến tôi thực sự buồn bã. Adam và tôi cũng học được rằng, nói chuyện về quá khứ cũng là cách khiến lũ trẻ trở nên can trường, mạnh mẽ hơn. Khi các con lớn, chúng sẽ hiểu về lịch sử của gia đình, về nơi cha mẹ chúng sinh ra, tuổi thơ mà cha mẹ đã trải qua. Các con sẽ có những kỹ năng đối mặt với khó khăn cũng như cảm nhận được sự gắn kết của mình với gia đình. Jamie Pennebaker, một nhà tâm lý tại đại học Texas từng chia sẻ rằng, việc trải qua những ký ức đau thương có thể không dễ chịu chút nào nhưng nó sẽ giúp cải thiện tâm lý và sức khỏe của lũ trẻ khi trưởng thành.
Để những ký ức về Dave luôn sống trong lòng bạn trẻ, tôi nhờ những người bạn, thành viên gia đình ghi lại những đoạn video họ nói về Dave. Tôi cũng ghi lại những lần 3 chúng tôi nói về Dave, chia sẻ những câu chuyện trong quá khứ. Dịp Lễ Tạ Ơn vừa qua, con gái tôi đã rất đau khổ và nói rằng: "Con sợ là con đang quên bố vì đã lâu rồi, con không được thấy mặt bố". Tôi chỉ biết ôm con vào lòng, xem đoạn video con bé nói về cha mình và điều đó khiến con tôi thấy an ủi phần nào.
Nói những câu chuyện xưa cũ- cả điều tích cực và tiêu cực - sẽ giúp lũ trẻ hiểu được quá khứ và bước tới tương lai một cách vững chắc hơn. Việc kể những câu chuyện gia đình khiến lũ trẻ cảm thấy chúng được kết nối với những thứ lớn lao hơn bản thân.
Giờ đây, khi những cảm xúc vẫn luôn đong đầy trong nhà nhưng các con tôi đã dần ổn định hơn, tôi luôn nói với con trai mình rằng: "Trông con giống bố lắm". Khi con gái tôi đứng lên bảo vệ bạn gái bị trêu chọc, tôi cũng nói với nó rằng: "Con giống bố con lắm".