Quy chế liên thông duyệt bảo hiểm: Liên mà chưa thông
Theo Quy chế 4330/QCPH/BTC-BCT ngày 31/3/2017 về phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương trong việc phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ nộp hồ sơ phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng mẫu tại Bộ Tài chính.
Ngay sau khi cùng ký kết quy chế, ngày 13/4/2017, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4860/BTC-QLBH gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về việc triển khai thực hiện quy chế này với Bộ Công thương.
Theo đó, Bộ Tài chính lưu ý các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ quy chế để thực hiện các thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm mới, đăng ký hợp đồng mẫu…
Hiện tại các doanh nghiệp đều “án binh bất động” và chờ hành động từ các doanh nghiệp lớn. Và chờ có hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan chức năng
- Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm
Nội dung của quy chế này không mới và việc thực hiện đăng ký sản phẩm theo quy chế mới này đã được các doanh nghiệp bảo hiểm và bộ, ngành liên quan thảo luận đến nhiều trong thời gian qua bởi quy chế này nhằm thực hiện Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg.
Việc đăng ký đưa ra thị trường sản phẩm mới theo quy định các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần hoàn tất thủ tục là Bộ Tài chính sẽ tiếp nhận hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm từ doanh nghiệp và gửi hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm từ doanh nghiệp đến Bộ Công thương để lấy ý kiến thẩm định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ xin phê duyệt sản phẩm bảo hiểm từ Bộ Tài chính, Bộ Công thương có trách nhiệm tiến hành kiểm soát hồ sơ theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có ý kiến trả lời Bộ Tài chính…
Tuy nhiên, rắc rối và khó khăn lại nảy sinh cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai đăng ký lại hợp đồng mẫu cho các sản phẩm hiện hành (đang bán) để Bộ Công thương phê duyệt.
Thực tế, sản phẩm bảo hiểm đang bán đã được Bộ Tài chính phê duyệt rồi thì doanh nghiệp mới bán, vậy việc bổ sung hồ sơ sẽ nộp thẳng cho Bộ Công thương hay vẫn phải qua Bộ Tài chính?
Nếu qua Bộ Tài chính cho đúng theo quy định trong Quy chế 4330 thì mất thời gian của cả doanh nghiệp và Bộ Tài chính, còn nếu doanh nghiệp nộp thẳng cho Bộ Công thương thì lại không đúng quy trình như quy chế.
Bản thân Quy chế 4330 ban hành ngày 31/3/2017 cũng không thể hiện rõ những sản phẩm bảo hiểm đang bán cần bổ sung hồ sơ doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nộp qua Bộ Tài chính để Bộ này chuyển qua Bộ Công thương (như quy trình của sản phẩm mới) hay doanh nghiệp phải làm việc với cả hai bộ?!
Việc bổ sung hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu với những doanh nghiệp bảo hiểm mới hoạt động sản phẩm chưa nhiều cũng gặp không ít vướng mắc, nên đối với những doanh nghiệp bảo hiểm đã hoạt động lâu năm trên thị trường có hàng trăm sản phẩm bảo hiểm thì đây thực sự là áp lực lớn.
Chưa hết, việc bổ sung hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch mới với những sản phẩm bảo hiểm đang bán cũng có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm gặp rắc rối với các khách hàng. Bởi cùng một sản phẩm nhưng những khách đã mua lại có điều khoản hợp đồng khác với những khách hàng mới cuả doanh nghiệp…
“Thực tế đã có một vài doanh nghiệp bảo hiểm nộp hồ sơ đăng ký các sản phẩm bảo hiểm đang bán theo mẫu lên Cục Quản lý cạnh tranh thì có sản phẩm bị từ chối, có sản phẩm được yêu cầu cần bổ sung… Vì vậy, tình trạng hiện tại là các doanh nghiệp đều “án binh bất động” và chờ hành động từ các doanh nghiệp lớn. Và chờ có hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan chức năng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.
No comments