Hành trình của tỷ phú người Do Thái: Từ kẻ nghèo "rớt mồng tơi" đến ông hoàng thời trang Ralph Lauren
Theo Forbes, Ralph Lauren đang nắm trong tay khối tài sản trị giá gần 7 tỷ USD. Xuất thân từ một gia đình Do Thái nghèo khó, không có gì trong tay, ông đã xây dựng nên một trong những hãng thời trang lớn nhất thế giới.
Trong cuốn sách kỷ yếu của trường Trung học DeWitt High Schooll năm 1957, Ralph Lauren đã viết từ "triệu phú" như một mục tiêu của cuộc đời ông. Trước khi trở thành ông hoàng ngành thời trang, ông mang họ Lipschitz và là con út trong một gia đình người Do Thái nhập cư ở Bronx, Mỹ. Vì tuổi thơ bị trêu chọc với tên họ, sau này ông quyết định đổi tên thành Ralph Lauren.
Lớn lên, Ralph từng học cách thoát khỏi thực tế nghèo khổ của gia đình bằng cách đi xem phim và chìm đắm trong những câu truyện hư cấu. "Ralph Lauren thực sự rơi vào thế giới của những bộ phim thời đó. Ông nhìn thấy bản thân trong những tầm nhìn, mơ ước và cuộc sống của các nhân vật như Gary Cooper, Cary Grant. Và ông đem cả thế giới tưởng tượng đó vào kinh doanh thời trang", theo Michael Gross, tác giả cuốn Genuine Authentic: The Real Life of Ralph Lauren.
Sau thời gian rèn luyện trong quân đội, ông chuyển về New York và làm thư ký tại Brook Brothers, hãng thời trang dành cho nam giới lâu đời tại Mỹ. Trận cầu Polo đầu tiên với người bạn Warren Helstein là bước ngoặt cuộc đời của Ralph Lauren. "Tôi đã được tiếp xúc với những điều tuyệt vời. Bạc, da, ngựa và những cô gái tóc vàng cao đội mũ rộng vành... Đó là xã hội thượng lưu mà tôi thực sự chưa hiểu rõ". Cơ hội tiếp xúc với thế giới thượng lưu đã truyền cảm hứng để ông phát triển một nhãn hiệu thời trang cao cấp, thanh lịch mà sau này trở thành Polo Ralph Lauren nổi tiếng.
Năm 1967, Lauren làm việc trong cửa hàng Beau Brummell Neck wear, nơi ông lần đầu tiên tạo ra chiếc cà vạt được giới mày râu rất ưa chuộng. Ông rất táo bạo khi thiết kế cà vạt bản rộng đầy màu sắc trong thời điểm mà các sản phẩm màu trơn, bản hẹp đang là mốt. Ralph Lauren cố gắng bán chúng cho Blooming Dales nhưng họ chỉ đồng ý với điều kiện loại tên ông ra khỏi sản phẩm.
Tất nhiên Lauren không thể chấp nhận. Sau một vài tháng khi mẫu cà vạt của Lauren bán được quá chạy ở các cửa hàng đối thủ, Blooming Dales mới đồng ý bán cà vạt của ông dưới tên gọi sản phẩm là Polo. Thành công này giúp ông thu về 500.000USD lợi nhuận và bắt đầu xây dựng thương hiệu thời trang riêng. Chỉ tốt nghiệp trung học và tham dự vài lớp kinh doanh, quyết định mở công ty riêng là lựa chọn mạo hiểm đầu tiên Lauren trải qua trong sự nghiệp huyền thoại của ông.
Bí quyết thành công của Ralph Lauren chính là những kỹ năng độc đáo trong ngành thời trang của riêng ông. Lauren "thiết kế" thời trang giống như làm một bộ phim. Ông hình dung những thước phim cho các bộ sưu tập của mình trong đầu và nói lại ý tưởng với đội ngũ thiết kế, góp ý để cho ra đời những bộ trang phục tuyệt vời.
Ralph Lauren từng nói: "Tôi chưa bao giờ muốn tồn tại trong làng thời trang. Bởi vì trong thế giới đó, bạn sẽ không biết khi nào mình bị loại". Thế nhưng, vượt qua tất cả, Ralph Lauren đã làm nên một thương hiệu thời trang nổi tiếng bậc nhất ở Mỹ.
Thành công nhanh chóng, Ralph Lauren không ngừng mở rộng công ty. "Ralph Lauren không ngồi yên với chiến thắng dù một phút. Ông có thể tận hưởng khoảnh khắc ấy những không bao giờ ngừng tiến về phía trước", John Varvatos - một người thân cận của ông chia sẻ.
Khi thiết kế một sản phẩm mới, Ralph giữ chúng đơn giản nhất có thể. Bởi ông luôn hình dung đó là những trang phục ông muốn mặc, những trang phục phù hợp với một ngôi sao điện ảnh. "Những thứ bạn thấy nam diễn viên Cary Grant mặc không dễ dàng tìm thấy ở các cửa hiệu thông thường. Những trang phục tôi thiết kế, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy ở chỗ nào khác, ngoài thương hiệu của tôi", ông chia sẻ khi trả lời báo chí tại một sự kiện năm 1993..
Năm 1997, ông đưa thương hiệu thời trang của mình lên sàn chứng khoán. Nắm giữ 81,5% số cổ phiếu, chàng trai trẻ từng mơ ước trở thành triệu phú giờ đã trở thành tỷ phú - ông hoàng ngành thời trang.
Ở tuổi 75, Ralph Lauren đã có thể tận hưởng thành công của mình với những ngôi nhà ở Jamaica, Long Island, Bedford và Manhattan... Ông cũng sở hữu bộ sưu tập xe hơi giá trị nhất thế giới: 70 chiếc xe có giá trị khoảng 200 triệu USD, trong đó chủ yếu là những chiếc xe Ý cổ có niên đại từ thế kỷ 20. Ngoài ra còn có nhiều chiếc xe cực hiếm, giống như chiếc Ferrari 250 Testa Rossa từ năm 1958. Nhiều chiếc được các viện bảo tàng ô tô mượn để trưng bày trong các triển lãm đặc biệt.
"Những người khác sưu tầm tranh nghệ thuật, nhưng với tôi, sở hữu một chiếc xe hiếm có và được thiết kế độc đáo là một trải nghiệm khác biệt. Khi đó, tôi có thể thưởng thức cả vẻ đẹp của máy móc và những cuộc hành trình", ông hoàng thời trang chia sẻ.