Cảnh báo ngộ độc hóa chất ở trẻ trong dịp nghỉ hè, cách sơ cứu và phòng tránh
Mùa hè là dịp trẻ em có nhiều thời gian ở nhà, có cơ hội tiếp xúc với đồ vật và hóa chất nguy hiểm trong nhà. Nếu cha mẹ không quản lý con chặt chẽ, với sự tò mò và hiếu động của mình, trẻ rất dễ bị ngộ độc.
Trẻ luôn tò mò về tất cả mọi thứ xung quanh, đôi khi chỉ cần bố mẹ không để ý một chút là con đã cho vật thể lạ vào miệng. Điều này dẫn đến những sự cố không mong muốn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Dưới đây là một số kiến thức về dấu hiệu ngộ độc hóa chất, cách sơ cứu và biện pháp phòng ngừa ngộ độc cho trẻ mà các bậc cha mẹ nên trang bị cho mình để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc hóa chất
Dấu hiệu tiêu hóa: Trẻ kêu đau họng, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau vùng thượng vị.
Dấu hiệu hô hấp: Trẻ bị khó thở, thở không đều, mặt và môi tím tái, có biểu hiện của suy hô hấp, thở rít do co thắt thanh quản.
Các dấu hiệu khác: sốt phát ban, đau đầu, lên cơn co giật, ngủ thất thường, chán ăn, cáu gắt.
2. Cách sơ cứu
Nếu con biểu hiện một vài triệu chứng nêu trên, đừng tự ý cho con uống thuốc mà nhanh chóng thực hiện một số bước sơ cứu đơn giản. Đầu tiên, hãy cho trẻ uống nước hoặc sữa để pha loãng chất độc và giảm kích thích niêm mạc. Bạn nên cho trẻ uống càng nhiều càng tốt nhưng phải từ từ để tránh bị sặc.
Tiếp đến, nếu trẻ vẫn tỉnh táo thì cần tiến hành gây nôn cho trẻ bằng cách lấy khoảng 200 – 300ml nước muối loãng, nồng độ 0,9% cho trẻ uống sau đó ngoáy họng bằng tay để trẻ nôn ra hóa chất. Lưu ý, không được gây nôn trong các trường hợp ngộ độc hóa chất ăn mòn mạnh (acid, bazơ hoặc xăng dầu).
Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ ăn 3-4 thìa bột mì, bột gạo, nước cháo, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn cản sự hấp thu chất độc của dạ dày, ruột. Nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 – 10g natri sunfat để tạo phản ứng kết tủa, hạn chế sự ảnh hưởng của chất độc.
Sau khi đã thực hiện tất cả các bước sơ cứu trên, cha mẹ cần kiểm tra các hóa chất trong nhà, kết hợp với hỏi trẻ nhiều lần để xác định tên hóa chất mà trẻ đã uống phải, số lượng, thời gian uống và các thông tin liên quan khác.
Cuối cùng, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất và cung cấp thông tin cho bác sỹ để bác sỹ nhanh chóng tìm ra biện pháp điều trị thích hợp.
3. Phòng tránh ngộ độc hóa chất cho bé
Trước hết, cha mẹ hãy phân loại các loại hóa chất trong gia đình như chất tẩy rửa, mỹ phẩm và đồ trang điểm, thuốc, sơn, thuốc trừ sâu, tinh dầu, nước hoa, xịt khử mùi… để sắp xếp lại chúng cho hợp lý và bỏ đi những thứ không cần thiết.
Hóa chất tẩy rửa phải được để tại những nơi kín đáo, chất có độc tính cao (các dung môi pha sơn, các hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi…) cần được để ở trong hộp, thùng có khóa, xa tầm với của trẻ em.
Hãy nhớ, tuyệt đối không đựng hóa chất vào các vỏ chai lọ có nhãn hiệu nước uống hay đồ ăn để đề phòng trẻ nhầm lẫn, không đựng các đồ uống vào các chai lọ trước đây đã đựng hóa chất để tránh độc hại.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên dỗ trẻ uống thuốc bằng cách giả vờ rằng loại thuốc đó là sôcôla hoặc kẹo, cố gắng không uống thuốc trước mặt trẻ đề phòng trẻ bắt chước bạn.