Breaking News

Cách thức Bảo hiểm nhân thọ hoàn trả phí Bảo hiểm và trang trải chi phí hoạt động !




Bằng cách nào mà DNBH Nhân thọ vừa hoàn trả đầy đủ tiền phí BH đã đóng, bảo tức cam kết, bảo tức chia thêm (nếu có) vừa trang trải chi phí hoạt động và có lãi.

1, DNBH dùng tiền phí BH như thế nào?

Phí BH thu được DNBHNT sẽ đầu tư vào nền kinh tế quốc dân để thu lãi nhằm trang trải chi phí hoạt động của DNBH với sản phẩm BH không chia lãi (bao gồm các chi phí trả hoa hồng tiền thưởng cho đại lý tư vấn viên, đào tạo tuyển dụng đại lý tư vấn viên, trả lương nhân viên, triển khai xúc tiến thương mại (hội nghị hội thảo và khách hàng) chi phí đầu tư hoặc thuê cơ sở vật chất xx phần mềm công nghệ thông tin…)
Đối với sản phẩm BHNT có chia lãi (trả bảo tức theo cam kết và bảo tức trả thêm ngoài cam kết) thì ngoài đầu tư ngoài trang trải chi phí trên còn phải dành một phần lớn chia lãi (bảo tức) cho người tham gia BH. Theo Luật KDBH quy định thì tỷ lệ này là tối thiểu 70% chia cho người tham gia BH (chủ hợp đồng), còn lại là của DNBH (chủ sở hữu) để trang trải chi phí trên.

2, Nguyên tắc đầu tư để DNBH đảm bảo an toàn nguồn vốn của chủ HĐBH (người tham gia BH). Điều 59 NĐ 73/2016/NĐ-CP quy định như sau:
– Tuân thủ quy định pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản;
– Không được đi vay để đầu tư trực tiếp hoặc ủy thác đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và góp vốn vào doanh nghiệp khác;
– Không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông (thành viên) góp vốn hoặc người có liên quan với cổ đông (thành viên) góp vốn theo quy định tại Luật doanh nghiệp, trừ tiền gửi tại các cổ đông (thành viên) là tổ chức tín dụng;
– Không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau (quy định này không áp dụng đối với việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập chi nhánh tại nước ngoài);
– Trường hợp ủy thác đầu tư, tổ chức nhận ủy thác phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư.
Việc đầu tư ra nước ngoài chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu, không áp dụng vốn Quỹ chủ hợp đồng BH (hình thành từ phí BH).

3, Nguồn vốn hình thành để DNBH đầu tư vào nên kinh tế quốc dân
3.1, Đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu:
Nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm vốn điều lệ đã đóng và lãi không chia để lại DNBHNT với điều kiện luôn lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định.
Mức vốn pháp định của DNBHNT kinh doanh BHNT, BHSK, BH liên kết chung là 600 tỷ đồng, nếu kinh doanh thêm BH liên kết đơn vị cộng thêm 200 tỷ đồng, BH hưu trí cộng thêm 200 tỷ đồng.
– Đầu tư vốn chủ sở hữu cho phần bằng với vốn pháp định hoặc bằng với biên khả năng thanh toán tối thiểu được quy định giống như đầu tư từ dự phòng nghiệp vụ BH trình bày tại phần dưới đây.
Biên khả năng thanh toán tối thiểu của DNBHNT được quy định như sau:
+ HĐBH liên kết đơn vị: bằng 1.5% dự phòng nghiệp vụ BH cộng với 0.3% số tiền BH chịu rủi ro.
+ HĐBH liên kết chung và hưu trí: bằng 4% dự phòng nghiệp vụ BH cộng với 0.3% số tiền BH chịu rủi ro.
+ HĐBHNT khác và BHSK:
► Thời hạn dưới hoặc bằng 5 năm bằng 4% dự phòng nghiệp vụ BH cộng 0.1% số tiền BH chịu rủi ro.
► Thời hạn trên 5 năm bằng 4% dự phòng nghiệp vụ BH cộng 0.3% số tiền BH chịu rủi ro.
– Đầu tư vốn chủ sở hữu cho phần vượt quá vốn pháp định hoặc vượt quá biên khả năng thanh toán tối thiểu (khi biên khả năng thanh toán tối thiểu lớn hơn vốn pháp định)
+ Đầu tư ra nước ngoài để thành lập DNBH hoặc chi nhánh DNBH tại nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài khác theo quy định của Pháp luật.
+ Đầu tư trong nước do DNBH chủ động.
3.2, Đầu tư từ nguồn vốn chủ HĐBH (Quỹ chủ HĐBH)
Phí BH thu được DNBH phải trích lập dự phòng nghiệp vụ BH theo quy định của BTC. DNBHNT được phép đầu tư vào nền kinh tế từ nguồn vốn dự phòng nghiệp vụ BH nhàn rỗi. Nguồn vốn nhàn rỗi này bằng 95% dự phòng nghiệp vụ BH (5% còn lại cùng với phí BH dôi dư sau khi trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ BH dùng để sẵn sàng trả tiền BH thường xuyên trong kỳ).
Dự phòng nghiệp vụ BHNT được trích lập cho từng HĐBH tương ứng với trách nhiệm của DNBH
– Dự phòng toán học: Để trả tiền BH với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện BH.
– Dự phòng phí chưa được hưởng (BHSK từng năm).
– Dự phòng bồi thường: để trả tiền cho sự kiện BH đã xảy ra nhưng chưa giải quyết.
– Dự phòng chia lãi: để trả lãi mà DNBH đã thỏa thuận trong HĐBH.
– Dự phòng đảm bảo lãi cam kết để đảm bảo mức lãi cam kết trong HĐBH.
– Dự phòng đảm bảo cân đối để đảm bảo cho các biến động lớn về rủi ro, lãi suất kỹ thuật
Phương pháp trích lập dự phòng trên sẽ được BTC hướng dẫn. DNBH phải đăng ký với BTC phương pháp tính trích lập dự phòng (lựa chọn trong các phương pháp được BTC hướng dẫn) và nếu thay đổi phương pháp tính phải được BTC chấp thuận.

4, Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH (95% tổng dự phòng nghiệp vụ BH)
Chỉ được đầu tư tại Việt Nam và chỉ được đầu tư vào lĩnh vực sau:
– Mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc, công trác, xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: không hạn chế.
– Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng: không hạn chế.
– Mua cổ phiểu trái phiếu DN, chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhãn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.
– Kinh doanh bất động sản theo quy định tại Luật KD BĐS tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.
– Góp vốn vào các DNBH khác tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.

5, Phần kết:
Với các quy định chặt chẽ của nhà nước về vốn pháp định biên khả năng thanh toán tối thiểu (vốn chủ sở hữu luôn lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định hoặc lớn hơn hoặc bằng biên khả năng thanh toán tối thiểu nếu biên khả năng thanh toán tối thiểu lớn hơn vốn pháp định) làm cho DNBH đảm bảo năng lực tài chính và thận trọng trong phát triển kinh doanh (Doanh thu càng nhiều thì biên khả năng thanh toán tối thiểu càng lớn làm tăng vốn chủ sở hữu).
Phần vốn chủ sở hữu bằng với vốn pháp định hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu (lớn hơn vốn pháp định) DNBH được phép đầu tư nhưng tuân thủ theo đúng quy định của nhà nước như vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.
Phần vốn chủ sở hữu vượt quá vốn pháp định hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu DNBH mới được quyền tự do đầu tư nhưng nếu đầu tư ra nước ngoài phải theo quy định của nhà nước. Các quy định về trích biên khả năng thanh toán tối thiểu, trích lập dự phòng nghiệp vụ BH tạo ra cách tính thống nhất và thước đo độ an toàn tài chính, khả năng thanh toán của DNBH.
Các quy định về nguyên tắc đầu tư và lĩnh vực được đầu tư vừa đảm bảo đầu tư an toàn hiệu quả vừa tạo quyền chủ động của DNBH đảm bảo tính thanh khoản sẵn sàng chi trả quyền lợi BH khi có sự kiện BH xảy ra.
Lãi đầu tư từ vốn chủ sở hữu và vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH trước hết đảm bảo chi trả bảo tức cam kết, bảo tức chia thêm theo cam kết trong HĐBH có chia lãi vừa để DNBH trang trải các chi phí hoạt động và lãi của DNBH. Chính vì vậy 100% khách hàng có sự kiện BH xảy ra hoặc đáo hạn HĐBH đều được chi trả quyền lợi BH lớn hơn số phí BH đã đóng.
Phùng Đắc Lộc – Chuyên gia kinh tế
(Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)