Breaking News

7 mẹo phòng chống Đột Quỵ do say nắng những ngày Tháng 6


Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè 2017 sẽ có từ 5 - 7 đợt nắng nóng trên diện rộng khắp cả nước nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 41 – 420C. Nhiệt độ cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, trong đó phải kể tới Say nắng, Say nóng - nhưng ít người biết để phòng tránh.
Say nắng là hiện tượng rất hay gặp vào mùa hè, ở cấp độ nhẹ cơ thể chỉ cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... nhưng ở cấp độ nặng hơn CÓ THỂ GÂY RA ĐỘT QUỴ, thậm chí TỬ VONG.
Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể; trẻ em và người già có nguy cơ cao hơn vì cơ thể chậm thích nghi với thay đổi nhiệt độ.

Các dấu hiệu của Say nắng

phòng chống say nắng
Làm việc ngoài trời khi nhiệt độ cao dễ có nguy cơ say nắng. Ảnh minh họa: Quý Đoàn
  1. Thân nhiệt tăng cao trên 40,5 độ C là dấu hiệu đầu tiên.
  2. Đau nhói đầu.
  3. Chóng mặt và choáng váng.
  4. Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng.
  5. Da đỏ, nóng và khô.
  6. Yếu cơ hoặc chuột rút.
  7. Buồn nôn và nôn.
  8. Tiêu chảy.
  9. Nhịp tim/mạch nhanh, tim/mạch có thể đập mạnh hoặc yếu.
  10. Thở nhanh và thở nông.
  11. Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng hoặc có trạng thái sửng sốt.
  12. Co giật.
  13. Hôn mê.
Nếu không được sơ cứu kịp thời, Say nắng sẽ để lại những di chứng nặng nề với hệ thần kinh của người bệnh, một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Thậm chí là tử vong!
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới, Đột quỵ do nắng nóng được ghi nhận đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở các vận động viên hay những người phải làm việc ngoài trời.
say nắng
Triệu chứng dễ thấy nhất là đau đầu, choáng váng. Ảnh: internet
Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta phải phòng chống Say nắng để tránh các tổn thương lâu dài, và sau đây là các mẹo giúp phòng chống Say nắng do Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chỉ dẫn:

1. Trang phục

chống say nắng bằng trang phục phù hợp
Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, đội một chiếc mũ rộng vành kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30.
Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,…
Lưu ý: Phần gáy/ cổ rất quan trọng, bằng mọi cách bạn phải che được phần này của cơ thể trước ánh nắng trực tiếp nếu không muốn mình bị say nắng nhanh chóng.

2. Uống nhiều nước

uống nhiều nước để bổ sung nước cho cơ thể
Uống nhiều nước để tránh mất nước, ít nhất là khoảng 8 cốc gồm nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau... Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích bổ sung đồ uống thể thao giầu chất điện giải trong các đợt nóng.
Thực hiện các biện pháp dự phòng bổ sung khi tập luyện hoặc đi bộ ngoài trời, uống khoảng 710 ml nước trước 2 giờ tập luyện và cân nhắc bổ sung một cốc (khoảng 240 ml) nước hoặc đồ uống thể thao ngay trước khi tập.
Thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây.

3. Tránh ra ngoài vào lúc nắng nóng

Thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày hoặc vào buổi sáng sớm hay sau khi mặt trời lặn.
Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc ngoài trời nắng, cứ 45 phút làm việc nên dành ra 15-20 phút nghỉ ngơi tại nơi râm mát để cân bằng lại nhiệt độ cơ thể.

4. Điều hòa nhiệt độ

điều hòa nhiệt độ giúp không bị say nắng
Trong môi trường có điều hòa, cơ thể sẽ cảm thấy khỏe hơn vào những ngày nắng nóng, nhất là trẻ em và người già.
Khi nhiệt độ ngoài trời cao, bạn tốt nhất là ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ nhưng nhớ không nên bật điều hòa thấp hơn nhiệt độ ngoài trời quá 10 độ C.
Khi cần ra khỏi phòng không nên bước ra đột ngột mà nên mở hé cửa để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài rồi mới bước ra. Tương tự như vậy, trước khi xuống xe ô tô nên tăng nhiệt độ điều hòa gần với nhiệt độ ngoài trời hoặc hé cửa sổ để giảm sự chênh lệch nhiệt độ.

5. Sử dụng đồ ăn nhẹ

ăn trái cây giúp chống say nắng
Bổ sung thực phẩm giàu Kali, magie, Vitamin C giúp phòng tránh nắng nóng hữu hiệu
Nên sử dụng một số thực phẩm phòng chống say nắng hiệu quả như:
  • Nước dừa (được mệnh danh là siêu thực phẩm với nhiều chất dinh dưỡng như Kali, magie, muối, đường tự nhiên… giúp cơ thể bớt háo nước, vừa giải nhiệt, chống nắng);
  • Dưa hấu (có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin C chống say nắng tốt);
  • Xoài xanh (nhiều vitamin C làm tăng hệ miễn dịch phòng cảm lạnh mùa hè);
  • Ngoài ra còn một số thực phẩm khác như: mướp đắng, củ hành, dưa chuột, bí ngô…

6. Rượu bia

Tuyệt đối không uống rượu/ bia vào các khoảng thời gian có nhiệt độ cao trong ngày bởi rượu bia làm giảm khả năng thích nghi với nhiệt độ của cơ thể. Tăng nguy cơ cao bị sốc nhiệt, hàm lượng cồn trong cơ thể cao làm giảm tác dụng của các biện pháp hạ nhiệt khi say nắng, sốc nhiệt xảy ra.
Do vậy, chỉ nên uống rượu bia sau 17h30 chiều - khi nền nhiệt độ đã hạ xuống mức chấp nhận được.
sơ cứu người bị say nắng
Người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sinh ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

7. Cách cấp cứu người say nắng

Bác sĩ Lương Quốc Chính nhấn mạnh: “Khi gặp trường hợp bệnh nhân say nắng, say nóng, cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Việc tiến hành giúp bệnh nhân hạ nhiệt là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi say nắng, say nóng nguyên nhân là do thân nhiệt tăng và mất nước”.
chườm đá cho người say nắng
Để hạ nhiệt, nên áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ cho bệnh nhân say nắng. Ảnh: Examiner.
Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân say nắng, say nóng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, tăng uric máu, rối loạn đông máu, mất trí nhớ…

Vậy là với 7 mẹo trên, bạn có thể yên tâm có thể phòng tránh Say nắng, Say nóng hiệu quả. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và may mắn!