Ảnh
© Kỳ Anh
Số trẻ em bị bệnh ung thư máu được điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư gia tăng hàng năm
Nhiều người thường nghĩ ung thư là bệnh thường mắc khi tuổi già, cơ thể đã lão hóa. Nhưng sự "trẻ hóa" và gia tăng bệnh nhân có các khối u ác tính những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy, căn bệnh được coi là tứ chứng nan y không "dành riêng" cho đối tượng, độ tuổi nào.

2,5 tháng tuổi đã mắc bệnh hiểm

Năm nay là tết đầu tiên của bé Vũ Quang Minh (6 tháng tuổi, ở Tứ Kỳ, Hải Dương). Nhưng bé không được ở nhà ăn tết với gia đình mà phải ở lại Viện Huyết học và Truyền máu (HH&TM) TƯ điều trị bệnh u bạch cầu cấp - một căn bệnh ác tính thường gặp nhất ở trẻ em.

Bé Minh phát hiện bệnh khi 1 tháng trước đó bỗng nhiên xuất hiện khối u nhỏ trên đầu. Bố mẹ đã đưa đi kiểm tra ngay và phát hiện ra bệnh. Đến nay, cháu đã điều trị được 1/2 liệu trình. Tuy nhiên, vì mắc thể bệnh nguy cơ cao nên tiên lượng về hiệu quả điều trị và thời gian sống kéo dài trên 5 năm của cháu không cao.

Tại khoa Nhi, Viện HH&TM TƯ còn có khoảng 50 cháu bé đang điều trị. Trường hợp bé bị ung thư (UT) ít tuổi nhất mới 2,5 tháng tuổi. Nhìn những bàn tay bé bỏng luôn dính chiếc kim truyền nhỏ, ai cũng xót xa.

Liên tục mở rộng cơ sở điều trị

Trong xu hướng gia tăng bệnh ung thư những năm gần đây, bệnh nhân mắc bệnh ác tính về máu nhập Viện HH&TM TƯ cũng ngày càng nhiều. Cách đây 7-10 năm, trung bình bệnh nhân nội trú tại viện chỉ khoảng 220 ca. Thế nhưng hiện nay, viện thường xuyên có khoảng 750-850 bệnh nhân điều trị.

TS Bạch Quốc Khánh nói rằng: "Khi mới tách ra độc lập từ khoa Huyết học, BV Bạch Mai xây dựng cơ sở mới, chúng tôi đã nghĩ rằng với các phương pháp điều trị ngày càng hiện đại hơn, sẽ có nhiều bệnh nhân điều trị đã thuyên giảm được ra viện sớm hơn, BV sẽ không bị quá tải. Nhưng trên thực tế, số bệnh nhân luôn vượt quá số giường bệnh thực có".

GS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện HH&TM TƯ - nhận định: "Sự gia tăng các bệnh ác tính về máu là điển hình trong xu hướng tăng bệnh ung thư ở Việt Nam hiện nay. Trong lĩnh vực điều trị ung thư, Việt Nam cũng đã cập nhật gần như ngang với mặt bằng thế giới về kỹ thuật chẩn đoán, phương pháp chữa, thuốc men hóa chất phục vụ điều trị.

Như sắp tới đây sẽ là bệnh nhân bị bệnh máu thứ 100 được điều trị bằng ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh muộn và tâm lý điều trị bi quan ở người bệnh là điều khiến hiệu quả chữa bệnh còn hạn chế".

Để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, BV Ung bướu TƯ - hay còn gọi là BV K - đã phải xây dựng liên tục thêm cơ sở II và III tại Tam Hiệp, Tân Triều - Thanh Trì (Hà Nội) với 1.000 giường bệnh để giảm tải cho cơ sở I chỉ có 570 giường bệnh. GS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ BV K - lý giải về sự gia tăng bệnh nhân ung thư: "Dưới 10% bệnh UT phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể như rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền.

Hơn 80% UT liên quan đến môi trường sống, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, an toàn. Thêm vào đó là một số yếu tố liên quan nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường.

Ảnh
© Kỳ Anh
Bệnh nhi tại khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Tại Viện HH&TM TƯ, những năm trước đây có ít bệnh nhân UT là trẻ em thì hiện nay, viện quản lý thường xuyên khoảng 100-110 ca/năm, chiếm khoảng 1/6 số bệnh nhân ở đây. UT vú hiện trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và tiếp tục tăng. Ở Hà Nội, cứ 100.000 phụ nữ có 30 người mắc ung thư vú, tỉ lệ này ở TPHCM là 20/100.000 phụ nữ. Cùng với UT vú, UT cổ tử cung cũng là bệnh hàng đầu ở nữ, còn ở nam là ung thư phổi, gan.

Bệnh nhân UT vú được phát hiện ở giai đoạn 1 và điều trị đúng phác đồ thì có đến 90% cơ hội sống trên 5 năm. Nhưng thực tế phần lớn bệnh nhân UT ở VN đều phát hiện muộn, đã qua giai đoạn 2 và 3 nên tốn kém mà hiệu quả chữa thấp hơn.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng, chống UT VN, cả nước có từ 240.000-250.000 người bị căn bệnh này. Mỗi năm, số bệnh nhân mắc mới là 150.000 người và có 75.000-85.000 người tử vong. Những con số này vẫn đang tiếp tục có xu hướng tăng.

Trong một nghiên cứu tại khu vực ASEAN được công bố năm 2016, Việt Nam là nước có tỉ lệ người tử vong vì UT dạ dày cao gấp 5 lần các nước trong khu vực, cao hơn hơn 4-5 lần so với Lào, Philippines, Thái Lan.

Theo GS Nguyễn Bá Đức: Tổng số có khoảng hơn 200 loại UT. Những loại thường gặp nhất ở nữ giới là UT vú, cổ tử cung, dạ dày, đại-trực tràng, UT phổi, ở nam giới là UT phổi, dạ dày, gan, đại- trực tràng và vòm họng. Không phải tất cả các bệnh UT đều phát hiện được sớm. Một số có thời gian tiềm ẩn khá dài, trong khi một số lại phát triển rất nhanh, khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn muộn. Những bệnh UT có thể phát hiện được sớm do ở những vị trí dễ tiếp cận bằng những phương tiện chẩn đoán hiện nay như UT vú, cổ tử cung, đại-trực tràng... Các UT khác ở sâu, các xét nghiệm hiện nay không đủ khả năng phát hiện khi khối u còn rất nhỏ. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu báo động của UT mà người bệnh cần đi kiểm tra để sàng lọc, khi có triệu chứng: Người bệnh có vết loét lâu liền. Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ. Chậm tiêu, khó nuốt. Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu. Có khối u ở vú hay ở trên cơ thể. Hạch to lên bất bình thường. Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo. Ù tai, mắt nhìn 1 thành 2. Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Các nhóm bệnh nghề nghiệp dễ dẫn đến ung thư.

Theo bác sĩ Vũ Xuân Trung - GĐ Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp (Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ thuộc Tổng LĐLĐVN), hiện tại chưa có thống kê cụ thể trong năm 2016 có bao nhiêu trường hợp CNLĐ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) và bao nhiêu người trong số đó bị mắc bệnh ung thư nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta có 5 nhóm bệnh nghề nghiệp (BNN), đó là: Nhóm các bệnh bụi phổi và phế quản, nhóm các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp, nhóm các BNN do yếu tố vật lý, nhóm các bệnh da nghề nghiệp và nhóm các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp. Có nhiều bệnh trong các nhóm BNN nói trên dễ dẫn đến các dạng ung thư nghề nghiệp như: Ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng và hít phải bụi amiăng; tiếp xúc với các chất asen, cadmi, crôm, niken, silic. Một số dạng ung thư nghề nghiệp phổ biến khác như: Ung thư da, mũi, miệng, gan do tiếp xúc với hóa chất sử dụng trong công nghiệp. Để phòng ngừa bị mắc bệnh ung thư nghề nghiệp, NLĐ và DN cần chú ý hạn chế các yếu tố tiếp xúc chất độc hại tại nơi làm việc, thường xuyên khám để phát hiện BNN sớm và tuân thủ dùng phương tiện bảo hộ cá nhân khi làm việc. Bác sĩ Trung cũng khuyến cáo, để NLĐ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe thì DN cũng bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh thu, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.