Breaking News

Đặc trưng cơ bản của BHNT Việt Nam


Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có những đặc trưng cơ bản gì?

Giống như các loại thị trường khác, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng có những đặc trưng chung, cụ thể như:

- Trên thị trường BHNT cung và cầu luôn biến động.
Cung trên thị trường bảo hiểm nhân thọ chính là các sản phẩm bảo hiểm do các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường cung cấp để phục vụ và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng bảo hiểm. Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể tăng hoặc giảm tuỳ theo nhu cầu của 
thị trường và sức cạnh tranh. Sản phẩm trên thị trường bảo hiểm luôn được cải tiến thích ứng với thị trường. Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ngày một nhiều và ngày càng được hoàn thiện cùng với sự phát triển của nền kinh tế- xã hội và mức sống của người dân ngày càng cao. Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ luôn được cải tiến, hoàn thiện và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú và đa dạng của thị trường.
Cầu của trường bảo hiểm nhân thọ chính là nhu cầu bảo hiểm của dân cư, của các tổ chức xã hội, của các đơn vị sản xuất kinh doanh...ngày càng được tăng lên. Khi nền kinh tế - xã hội phát triển thì các tổ chức kinh tế - xã hội cũng phát triển theo, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư cũng được cải thiện... do đó nhu cầu đa dạng về 
dịch vụ bảo hiểm cũng tăng lên. Những năm đầu khi bảo hiểm nhân thọ mới ra đời và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ mới chỉ có vài chục sản phẩm nhưng đến nay con số này đã lên tới hàng trăm sản phẩm và ngày càng đi sâu vào nhu cầu cụ thể của mọi tầng lớp dân cư.

- Giá cả của sản phẩm BHNT đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trên thị trường bảo hiểm, giá cả của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính là phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm là một khoản tiền mà người mua bảo hiểm (người tham gia bảo hiểm) phải trả cho người bán bảo hiểm (các doanh nghiệp bảo hiểm) để được chi trả khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra (như hết hạn hợp đồng, khi rủi ro xảy ra...). Phí bảo hiểm được xác định trên cơ sở số tiền bảo hiểm, số năm của hợp đồng, tuổi của người tham gia bảo hiểm, lãi suất kỹ thuật mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dùng để tính phí bảo hiểm.

- Cạnh tranh và liên kết luôn diễn ra trên thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

Giống như các thị trường khác, trên thị trường bảo hiểm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để tranh giành khách hàng, thu lợi nhuận cũng diễn ra liên tục, gay go và quyết liệt. Cạnh tranh trên nhiều khía cạnh với nhiều thủ thuật, bởi lẽ sản phẩm bảo hiểm là không có bảo hộ bản quyền và dễ bắt chước cho nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường tập trung vào kinh doanh các sản phẩm được thị trường chấp nhận bằng cách cải tiến, hoàn thiện sản phẩm đó hơn các doanh nghiệp khác, bằng cách quảng cáo sâu rộng, hấp dẫn để thu hút khách hàng, ...

Trên thị trường bảo hiểm, cùng với sự cạnh tranh là sự liên kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Cạnh tranh càng mạnh thì liên kết càng phát triển. Liên kết thường diễn ra giữa các doanh nghiệp bảo hiểm lớn có thế mạnh để hoà hoãn, cùng phát triển, tránh gây thiệt hại cho nhau... Liên kết có thể diễn ra giữa các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn để tăng sức mạnh, đảm bảo an toàn trong cạnh tranh và thêm đồng minh trong cạnh tranh. Liên kết còn là nhu cầu đối với thị trường bảo hiểm mới hình thành và phát triển trước thị trường thế giới đã ổn định và liên kết cũng là xu hướng tất yếu của hội nhập và toàn cầu hoá.
- Thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ luôn thay đổi.
Thị phần bảo hiểm nhân thọ là tỷ lệ phần trăm của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chiếm lĩnh trên thị trường. Thị phần càng lớn chứng tỏ vị thế của doanh nghiệp càng cao, sức cạnh tranh và hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp càng mạnh. Nói đến thị phần là nói đến thị trường cạnh tranh không còn mang tính độc quyền. Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội như nhau, doanh nghiệp bảo hiểm nào giành được thị phần nhiều hơn chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó tốt hơn trên mọi lĩnh vực. Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm luôn thay đổi do số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bảo hiểm thay đổi, do chiến lược kinh doanh thay đổi, như: chiến lược marketing, chiến lược sản phẩm, chiến lược giá cả...để giữ vững thị phần và giành giật thị phần của các doanh nghiệp khác hoặc mở rộng thị phần bằng việc tung ra thị trường những sản phẩm mới.

Ngoài những đặc trưng chung giống các thị trường khác đã đề cập trên đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn có những đặc trưng riêng như sau:

- Thị trường bảo hiểm nhân thọ chịu sự tác động trực tiếp của những điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí và mức sống của các tầng lớp dân cư.

Điều kiện kinh tế - xã hội phải kể đến đó là: Tốc độ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu dân số... Một khi kinh tế - xã hội phát triển thì trình độ dân trí sẽ ngày càng được nâng cao và mức thu nhập của người dân sẽ ngày càng được cải thiện và chỉ có như vậy mới phát sinh nhu cầu bảo hiểm nhân thọ.

Theo tháp nhu cầu của Abraham Maslow, nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất, cơ bản nhất của con người là nhu cầu sinh lý hay còn gọi là nhu cầu vật chất tối thiểu (ăn, mặc, ở, đi lại...). Một khi nhu cầu này chưa được đáp ứng thì các nhu cầu khác của con người chưa được coi trọng. Chỉ khi con người được đáp ứng và thoả mãn các nhu cầu tối thiểu thì họ mới quan tâm đến các nhu cầu khác cao hơn. Do vậy, khi điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém, thu nhập của người dân còn thấp và chưa đủ trang trải các nhu cầu sinh lý thì dẫu họ có nhận thức được vai trò của bảo hiểm nhân thọ họ cũng không thể quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân là nhân tố tác động trực tiếp đến nhu cầu bảo hiểm và thị trường bảo hiểm nhân thọ. ở những nước có nền kinh tế phát triển, con người ý thức hơn trong vấn đề phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật và các loại rủi ro. Cho nên, nhu cầu bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng thường rất cao, bởi họ mong muốn được đảm bảo an toàn trên nhiều phương diện. Trái lại, ở các nước kém phát triển ngoài lý do thu nhập chi phối, người dân nhận thức không đầy đủ về rủi ro và hậu quả của rủi ro nên nhu cầu bảo hiểm nhân thọ ở những nước này rất thấp và thị trường bảo hiểm nhân thọ không phát triển.

- Thị trường bảo hiểm nhân thọ có dung lượng khách hàng rất lớn.
Khách hàng của thị trường bảo hiểm nhân thọ phải kể đến đó là: người được bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Người được bảo hiểm nhân thọ bao gồm mọi người ở các lứa tuổi khác nhau không phân biệt nam, nữ, dân tộc, quốc tịch...còn người tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng có thể là người được bảo hiểm và cũng có thể họ tham gia ký kết hợp đồng cho những người thân hoặc những người có quan hệ với họ. Hơn nữa, bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm con người tuỳ theo nhu cầu và khả năng tài chính, một người có thể tham gia nhiều loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác nhau, thậm chí một loại sản phẩm họ có thể ký kết nhiều hợp đồng ở nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ cùng một lúc và như vậy dung lượng khách hàng của thị trường bảo hiểm nhân thọ là rất lớn.
- Thị trường bảo hiểm nhân thọ là thị trường dịch vụ tài chính
Khác với các loại hình bảo hiểm khác, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất dài (tối thiểu là 5 năm), cho nên nó chịu sự tác động rất lớn của yếu tố lạm phát. Theo qui Luật  chung, nếu nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, thì quá trình phát triển của thị trường sẽ rất ổn định. Ngược 
lại, nếu lạm phát cao thì thị trường sẽ chịu sự tác động lớn. Bởi vì, khác với bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ có yếu tố tiết kiệm, trong khi đó thời hạn bảo hiểm dài nên người dân rất quan tâm tới vấn đề lạm phát. Trong những thời kỳ nền kinh tế kém phát triển, lạm phát cao người dân ít quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ là thị trường dịch vụ tài chính, nên thị trường bảo hiểm nhân thọ còn chịu sự kiểm tra và giám sát rất chặt chẽ của Nhà nước. Nhà nước có thể can thiệp khá sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Nhà nước không những quyết định sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được phép kinh doanh trên thị trường, mà còn kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ việc trích lập dự phòng phí bảo hiểm nhân thọ, quản lý số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm.

No comments