Phạt nghiêm khắc hơn với hành vi trục lợi bảo hiểm
Ngoài việc phạt tiền gấp nhiều lần số tiền đã chiếm đoạt, phạt tù tới 10 năm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm, nên bổ sung kịp thời các quy định và chế tài với mọi hành vi trục lợi bảo hiểm.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về các hành vi của cá nhân nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm, với những hình phạt nghiêm khắc, trong đó có hình thức phạt tiền gấp nhiều lần số tiền đã chiếm đoạt, phạt tù tới 10 năm. Theo kế hoạch, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, diễn ra trong tháng 10/2015, sau khi cơ quan này cho ý kiến về nội dung dự thảo tại kỳ họp trong tháng 5/2015.
Như vậy, thị trường bảo hiểm sắp có một công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa hành vi trục lợi bảo hiểm đang tồn tại trên thị trường bảo hiểm nhiều năm qua, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Mối lo chung của thị trường bảo hiểm
Theo cơ quan quản lý về bảo hiểm, ước tính mỗi năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho các DNBH, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Có những DNBH có thị phần lớn, số vụ trục lợi lên đến con số 2.000 vụ/năm.
Từ trước tới nay, hành vi được xem là trục lợi bảo hiểm rất khó xử lý. Khi phát hiện khách hàng có dấu hiệu trục lợi, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu xử lý bằng cách từ chối bồi thường bảo hiểm, từ chối chi trả bảo hiểm.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho biết, một số nước xử lý tội trục lợi bảo hiểm rất nặng, chỉ sau tội trốn thuế.
Không chỉ ở Việt nam, theo các số liệu thống kê, trục lợi bảo hiểm là mối lo chung của thị trường bảo hiểm các nước. Trục lợi bảo hiểm không những phổ biến tại các nước đang phát triển, mà còn phổ biến tại các nước phát triển, đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Hành vi trục lợi xảy ra tại hầu hết các nghiệp vụ, trong đó tập trung vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và sức khỏe.
Ông Đường Minh Giới, Trưởng khoa Sau đại học và Bồi dưỡng nghiên cứu, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: “Tham khảo mức độ thiệt hại do trục lợi bảo hiểm gây ra tại một số nước trên thế giới cho thấy, tại Đức có 10 - 30% số phí bảo hiểm thu được bị thất thoát do trục lợi trong khâu bồi thường.
Tại Thụy Sĩ, có 10% quyền lợi bảo hiểm đã được chi trả cho các khiếu nại giả mạo. Tại Mỹ, chỉ tính riêng các vụ đã phát hiện, số tiền trục lợi bảo hiểm lên tới 96 tỷ USD/năm. Còn Canada có 10 - 15% khiếu nại bồi thường được chi trả có dấu hiệu trục lợi…”.
Cần quy định thêm các hành vi trục lợi bảo hiểm
Cần bổ sung thêm quy định và chế tài với mọi hành vi trục lợi trong bảo hiểm
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định các hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm dành cho cá nhân nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm gồm:
- Làm sai lệch thông tin khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
- Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm;
- Lập hồ sơ giả, hiện trường giả hoặc thay đổi tình tiết về tổn thất, sự kiện bảo hiểm;
- Khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm.
Nhưng, thực tế tham gia tư vấn, giải quyết các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm và tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự liên quan đến kinh doanh bảo hiểm của các luật sư cho thấy, có một số hành vi trục lợi do công ty bảo hiểm thực hiện.
Có doanh nghiệp bảo hiểm trục lợi bảo hiểm của khách hàng thông qua việc chậm chi trả hoặc chi trả thấp hơn khoản tiền mà người tham gia bảo hiểm đáng lẽ được hưởng, loại trục lợi “ngược” này đang có dấu hiệu gia tăng - Luật sư Hoàng Văn Dũng, Công ty Luật hợp danh BROSS và Cộng sự cho biết.
Một hành vi trục lợi bảo hiểm khác là doanh nghiệp bảo hiểm trục lợi công ty tái bảo hiểm. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm lập hồ sơ giả mạo, khai báo không trung thực tình trạng thực tế, số tiền cần phải trả cho người mua bảo hiểm…, nhằm chiếm đoạt khoản tiền khi công ty tái bảo hiểm chi trả.
Một số ý kiến cho rằng, pháp luật nên bám sát thực tiễn, bổ sung kịp thời các quy định và chế tài với mọi hành vi trục lợi trong bảo hiểm.
No comments