Breaking News

Bảo hiểm xã hội phải học người làm bảo hiểm nhân thọ

Ông Phạm Minh Huân , Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH:


Ông Phạm Minh Huân (ảnh), Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội
P/v: Một trong những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi) hướng tới mở rộng đối tượng tham gia. Vậy cơ quan chức năng có kế hoạch thu hút sự tham gia của người lao động, thưa ông?
Sau khi có văn bản dưới luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, công tác tiếp theo là phải tuyên truyền, phổ biến giải thích cho người lao động hiểu. Trước đây, quan niệm, chỉ khi công tác tại các cơ quan Nhà nước thì mới có quan hệ lao động và tham gia BHXH. Tuy nhiên, theo Luật BHXH (sửa đổi) thì khái niệm về BHXH là hướng đến toàn dân nhưng sẽ thực hiện từng bước. Việc mở rộng đối tượng là một trong những mục tiêu lớn nhất của Luật BHXH sửa đổi, đây cũng là thách thức lớn nhất mà cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống chính trị các cấp phải chung tay thực hiện.
Hiện nay, trong khu vực có quan hệ lao động, lực lượng lao động đã tham gia tương đối, nhưng vẫn có hiện tượng đang trốn, nên thời gian tới sẽ làm nghiêm hơn để số người có quan hệ lao động tham gia BHXH tỷ lệ cao nhất. Sau đó, đối tượng mở rộng BHXH hướng tới là nông dân, người nghèo trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, đối tượng này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và bản thân họ phải có sự đóng góp. Chúng tôi mong muốn 10 – 15 năm sau, nông dân hết tuổi lao động sẽ cầm trong tay sổ hưu.
P/v: Tuy nhiên, có thực tế là nhiều đối tượng Luật BHXH hướng đến nhưng họ không mặn mà với việc tham gia BHXH, thưa ông?
Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, trước tiên cần có sự tuyên truyền sâu rộng, sự giải thích rõ ràng của cơ quan làm chính sách và vận động của tổ chức chính trị xã hội để người dân hiểu. Quan trọng nữa là tổ chức thực hiện, chúng ta không thể làm hành chính như hiện nay mà phải đến với từng đối tượng để vận động, tuyên truyền. Ngành BHXH phải học người làm bảo hiểm nhân thọ, họ xuống vận động, tuyên truyền tới tận người dân, tạo sự gần gũi giữa cơ quan thực hiện và người dân.
Quan trọng là chính sách, chủ trương có rồi, nhưng tổ chức thực hiện có nhiều giải pháp mới thành công.
Khó khăn nhất khi mở rộng đối tượng là lực lượng lao động thời vụ, nông nghiệp. Tiền công lao động thấp, duy trì đời sống đã khó nên việc người lao động trích đóng BHXH càng khó khả thi. Để triển khai thành công chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, 70% là do công tác tổ chức thực hiện, còn chính sách chỉ chiếm 30%. Mô hình BHXH tự nguyện trên thế giới cũng đã từng thất bại. Chúng ta đi sau nên muốn thành công thì phải đổi mới cách làm. Trong đó, phải làm sao để người dân tin số tiền họ đóng luôn được quản lý tốt, sau này họ được hưởng quyền lợi đầy đủ, thủ tục tham gia nhanh gọn, quá trình tham gia minh bạch, công khai…
P/v: Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả vận động người dân tham gia BHXH, thưa ông?
Hiện giữa cơ quan làm chính sách và cơ quan thực hiện BHXH đã tách biệt và vẫn có sự phối hợp. Bộ LĐTBXH hoàn thiện chính sách, phối hợp với cơ quan liên quan trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn chi tiết đầy đủ. Đồng thời, phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Cả Bộ LĐTBXH và BHXH Việt Nam đều có kế hoạch tuyên truyền hướng tới đối tượng sẽ mở rộng và có phương pháp tiếp cận đối tượng mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cơ quan thực hiện BHXH phải ban hành thủ tục đơn giản, thuận tiện. Hiện nay, giữa cơ quan chính sách, đơn vị thực hiện và đối tượng tham gia BHXH đang có khoảng cách và chưa hiểu về chính sách. Do đó, kế hoạch triển khai Luật BHXH sửa đổi thời gian tới phải cụ thể hơn.
Với việc mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHXH tới nhóm lao động có hợp đồng dưới 3 tháng, nếu cứ giữ cách thức tổ chức như hiện nay thì có khi lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa xong thủ tục để được cấp sổ BHXH. Do đó, nếu không có giải pháp cụ thể mà chỉ nói chung chung thì chắc chắn người lao động sẽ không muốn tham gia BHXH. Chưa kể, áp lực lên quỹ lương, quỹ tiền đóng BHXH của các doanh nghiệp rất lớn khi 96% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ. Ngành BHXH Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục hành chính, tăng tốc ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, quản lý BHXH… Các yếu tố này sẽ quyết định thành công của chính sách mới này.


Nguồn: baotintuc.vn