Thêm chiêu tạo doanh thu bảo hiểm ảo
“Mới đây, 1 kênh phân phối trực thuộc 1 công ty bảo hiểm nhân thọ chạy theo doanh số ảo, tự nhân viên bỏ tiền túi ra để được hưởng lương cứng, trong khi thực tế không có khách hàng. Đáng chú ý, doanh số ảo này vẫn được mang về báo cáo lên công ty”, ông Khuất Thanh Bình, quản trị viên Hội Chuyên viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ thông tin.
Cụ thể hơn, ông Bình cho biết, kênh này áp dụng chế độ tuyển đại lý trả lương cứng 25 triệu đồng/tháng kèm hoa hồng với điều kiện nhân viên đó phải đạt doanh số tối thiểu 80 triệu đồng/tháng trở lên.
Do tính theo FYP (phí bảo hiểm thực thu năm đầu) nên nhiều đại lý lợi dụng bằng cách mượn chứng minh thư khách hàng, rồi ứng phí ra đóng tiền hợp đồng, tức là nếu mức phí đóng bảo hiểm tại hợp đồng là 80 triệu đồng thì ứng trước 80 triệu đồng, sau một thời gian (trong 21 ngày) sẽ chuyển thành định kỳ đóng phí quý, lấy lại 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, hệ thống vẫn ghi nhận phí đóng là 80 triệu đồng nên nhân viên này vẫn đủ tiêu chuẩn nhận lương cứng 25 triệu đồng, trong khi phí thực nộp chỉ có 20 triệu đồng. Chưa hết, trong 20 triệu đồng này cũng có hoa hồng và còn được thưởng xấp xỉ 10 triệu đồng.
“Như vậy, không cần có khách hàng là người được bảo hiểm thực, nhân viên chỉ cần tự đầu tư 20 triệu đồng mà thu về tổng cộng 35 triệu đồng (dư ra 15 triệu đồng). Cách thức thực hiện rất đơn giản, chỉ cần có thông tin khách hàng và 80 triệu đồng ứng trước là được. Nhưng vì là hợp đồng ảo nên tỷ lệ duy trì hợp đồng gần như bằng 0, tức là năm sau không có thu nhập nữa, nên nhân viên cũng sẽ nghỉ việc”, ông Bình nói.
Tại Việt Nam, hiện có 2 mô hình phân phối bảo hiểm chính là lập văn phòng tổng đại lý hoặc là đại lý do công ty bảo hiểm trực tiếp quản lý. Với mô hình văn phòng tổng đại lý, giám đốc là chủ 1 doanh nghiệp riêng, được công ty trả hoa hồng khoán theo doanh số bán được. Với mô hình đại lý do công ty bảo hiểm trực tiếp quản lý như kênh phân phối bảo hiểm kể trên thì người thực hiện hợp đồng bảo hiểm là đại lý bảo hiểm, chế độ lương, thưởng… do công ty bảo hiểm chi trả nếu đạt chỉ tiêu.
Theo một đại lý bảo hiểm tên Hương, với cách thức trên, bất kể ai cũng có thể làm đại lý bảo hiểm và điều này để lại nhiều hệ lụy, trước tiên là công ty bảo hiểm sẽ bị thiệt hại do không có khách hàng thật mà vẫn phải chi trả lương, thưởng cho đại lý…, với khách hàng hay người “vô tình” bị mượn chứng minh thư nếu sau này muốn mua bảo hiểm sẽ gặp khó khăn.
Giải thích rõ hơn, đại lý bảo hiểm này cho biết, trước khi tham gia bảo hiểm, người mua sẽ trải qua khâu thẩm định. Trường hợp người bị lấy thông tin để làm hợp đồng ảo khi muốn tham gia bảo hiểm thực sẽ bị thẩm định kỹ hơn vì công ty bảo hiểm chắc chắn không chấp nhận việc tạo doanh thu ảo. Ngoài ra, những khách hàng này còn có thể gặp khó khi muốn vay tiền ngân hàng do nằm trong “danh sách đen” trên hệ thống tín dụng.
Liên quan tới vấn đề tạo doanh thu ảo tại các kênh tổng đại lý, ông Bình thông tin, từng có trường hợp đau lòng khi một giám đốc văn phòng tổng đại lý phải tự tử do đi vay nóng để đóng phí với hy vọng tổng thu nhập đem về trên 100% phí thực nộp, bị công ty bảo hiểm phát hiện và cắt hợp đồng!
No comments