Manulife Việt Nam hợp tác với VietinBank: Đòn bẩy để tiến xa hơn
Ông nhìn nhận thế nào về tốc độ tăng trưởng của kênh Bancassurance trên thị trường bảo hiểm nhân thọ trong thời gian vừa qua?
Ở các thị trường châu Á như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông, Bancassurance chiếm khoảng từ 30-60% doanh thu của các công ty bảo hiểm nhân thọ và được xem là một kênh phân phối chính đóng góp vào mảng bảo hiểm nhân thọ ở các thị trường này.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh Bancassurance trong năm 2019 chiếm 29% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm mới, tăng nhanh từ mức 10% của năm 2016.
Bên cạnh việc các ngân hàng mong muốn cung cấp “dịch vụ một cửa” để phục vụ nhu cầu tài chính và bảo hiểm cho khách hàng của họ, Covid-19 đã thúc đẩy sự gia tăng nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm. Chúng tôi kỳ vọng kênh Bancassurance sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới và trở thành một kênh phân phối quan trọng của thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Ông Hoe Shin Koh, Giám đốc Điều hành Kênh Phân phối thông qua đối tác của Manulife Việt Nam |
Đối với Manulife Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của kênh Bancassurance đến thời điểm này như thế nào?
Báo cáo tài chính năm 2019 của chúng tôi ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm thuần với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 36% so với năm 2018. Trong đó, phí bảo hiểm khai thác mới từ kênh Bancassurance đóng góp một phần quan trọng vào tổng phí bảo hiểm khai thác mới (APE) năm 2019.
Chúng tôi hoàn toàn tự tin với bộ máy và cơ chế vận hành của chúng tôi để giúp các đối tác phân phối độc quyền có thể đạt được mục tiêu kinh doanh của họ, từ khâu tuyển dụng, đào tạo cho đến các quy trình dịch vụ cho khách hàng ngân hàng.
Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác để phát triển những chiến lược sản phẩm phù hợp với các phân khúc khách hàng của ngân hàng, xây dựng các hoạt động truyền thông tiếp thị cũng như các giải pháp số hóa phù hợp với nhu cầu trong hiện tại cũng như trong tương lai của khách hàng và mang đến cho họ những trải nghiệm tuyệt vời với dịch vụ của chúng tôi.
Việc hợp tác với một trong những ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” tại Việt Nam là VietinBank sẽ mang lại những đóng góp tích cực nào cho Manulife Việt Nam trong thời gian tới?
Sự hợp tác này giúp chúng tôi mở rộng thị phần cũng như tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, tạo động lực cho Manulife Việt Nam tiến xa hơn trong năm 2021. Điều này cũng có nghĩa rằng, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư của khách hàng đến từ khắp mọi vùng miền đất nước và đồng hành cùng họ để trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Tính đến nay, chúng tôi có 3 đối tác phân phối độc quyền là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Manulife Việt Nam tham vọng sẽ dẫn đầu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đồng thời các đối tác Bancassurance của Manulife Việt Nam cũng sẽ dẫn dầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm.
Ngoài ra, VietinBank là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, phục vụ hơn 14 triệu khách hàng thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng chú ý, VietinBank cũng đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số từ năm 2014. Vì vậy, việc hợp tác với VietinBank sẽ hỗ trợ cho Manulife Việt Nam mở rộng khả năng số hóa đẳng cấp và hệ thống vận hành của mình để nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, đáp ứng kỳ vọng số hóa của khách hàng, đồng thời hướng tới việc đổi mới trải nghiệm của khách hàng theo xu hướng số hóa trong dài hạn.
Khi nào các sản phẩm bảo hiểm của Manulife Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại các quầy giao dịch của VietinBank và Manulife Việt Nam sẽ bán những sản phẩm bảo hiểm gì qua hệ thống ngân hàng này?
Ngay sau khi có sự đồng thuận của tất cả các cơ quan thẩm quyền liên quan, Manulife Việt Nam sẽ tiến hành phân phối sản phẩm cho VietinBank.
Phân khúc khách hàng của VietinBank rất đa dạng, vì vậy, chúng tôi sẽ đưa ra các sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhóm khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ, hiện nay, một bộ phận lớn khách hàng đang quan tâm đến các sản phẩm đầu tư thì chúng tôi sẽ đưa ra các sản phẩm đầu tư trước.
Hợp tác độc quyền với ngân hàng dường như đã là xu hướng tất yếu tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. Những lợi thế của hợp tác độc quyền so với không độc quyền là gì, thưa ông?
Bancassurance được coi là chiến lược của Manulife không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở nhiều thị trường châu Á khác. Chẳng hạn, năm 2015, Manulife châu Á đã ký kết thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền có thời hạn 15 năm với một trong những ngân hàng hàng đầu tại 4 thị trường lớn ở châu Á là Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Indonesia.
Hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm mang lại nhiều lợi ích so với không độc quyền, chẳng hạn như giúp giảm thiểu rủi ro về tính tuân thủ thông qua việc cho phép phát triển những chiến lược dài hạn phù hợp với sự quan tâm của khách hàng, đem lại hiệu quả tốt hơn về mặt tích hợp công nghệ cũng như gia tăng mức độ cam kết giữa hai bên trong việc đầu tư về kỹ thuật và công nghệ.
Giá trị các thương vụ hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm tại Việt Nam đang phải chi ra cho ngân hàng được nhìn nhận ngày càng tăng cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng (phí bảo hiểm được tính cao hơn) và chất lượng tư vấn giảm xuống (nhân viên bán bảo hiểm ngân hàng phải chạy theo doanh số). Ông nghĩ sao về điều này?
Khi thiết lập mối quan hệ hợp tác độc quyền, chúng tôi phải đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tài chính trong thời gian của mối quan hệ hợp tác đó. Các yếu tố tài chính này tất nhiên chịu ảnh hưởng của thị trường, nền kinh tế, của các quy định pháp luật cũng như sự phát triển của ngân hàng đối tác và các yếu tố chính trị, xã hội khác. Từ đó, chúng tôi đưa ra những quyết định phù hợp về mặt số liệu nghiệp vụ trong ngành bảo hiểm.
Và tất nhiên, chúng tôi không để điều này làm ảnh hưởng đến khách hàng bởi khách hàng là trung tâm, là cốt lõi của những gì mà chúng tôi hướng tới. Những đối tác mà chúng tôi lựa chọn hợp tác đều có chung mục tiêu là đặt khách hàng làm trọng tâm. Chúng tôi sẽ cùng nhau phát triển chiến lược dài hạn để đạt được những mục tiêu kinh doanh thông qua đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp với mong muốn cung cấp các giải pháp tài chính và bảo hiểm tốt nhất cho khách hàng.
Với thị trường mới nổi như Việt Nam, theo ông, tốc độ tăng trưởng phí hàng năm bao nhiêu là hợp lý? Và làm sao để mô hình đi vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định và chất lượng?
Trong 5 năm gần đây, thị trường Bancassurance ở Việt Nam phát triển nhanh chóng với nhiều mối quan hệ độc quyền. Theo dự đoán của Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 20% mỗi năm.
Để cải thiện tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm khai thác mới, các công ty bảo hiểm cần tiếp tục phát triển mạng lưới kênh phân phối, tăng cường áp dụng chuyển đổi số hóa cũng như đơn giản hóa quy trình giao dịch. Song song với đó, cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên và tư vấn viên, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc đặt khách hàng là trọng tâm.
No comments