Khi bảo vệ vẫn chưa thể lấn át đầu tư
Đối với những thị trường bảo hiểm đã phát triển bão hòa hoặc đã trưởng thành thì xu hướng mua sẽ ngày càng tiến về các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được nhìn nhận không nằm ngoài xu hướng này, trong một tương lai 5-10 năm tới, còn hiện tại dòng sản phẩm liên kết đầu tư vẫn đang giữ vị trí thống lĩnh.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến hết tháng 9/2020, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 2.194.800 hợp đồng, tăng 13,5%.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,1%, tăng 20%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 5,6%, tăng 11,5%; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 27,3%, tăng 13,8%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 8%, giảm 23%. Các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 3%, tăng 51,3%. Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 11.123.468 hợp đồng, tăng 14%.
Các công ty bảo hiểm đẩy mạnh việc bán sản phẩm liên kết đầu tư sau khi Nghị định 151/2018/NÐ-CP quy định về điều kiện đại lý được bán sản phẩm liên kết đầu tư được ban hành.
Ngoài ra, từ thời điểm cuối năm 2019, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thấp, các công ty bảo hiểm cũng chủ động đẩy mạnh việc bán bảo hiểm liên kết đầu tư và giảm bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhằm giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các sản phẩm này theo Thông tư 50/2017/TT-BTC.
Ðược biết, lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học và lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao.
Nếu đẩy mạnh doanh số đối với sản phẩm này, chi phí trích lập dự phòng toán học có thể sẽ tăng mạnh.
Vì sớm có sự thay đổi và chuyển dịch sang bán hầu hết các sản phẩm liên kết chung nên năm 2020 lãi suất của trái phiếu vẫn xuống mức thấp nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không còn bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng như giai đoạn 2018 - 2019.
Ngoài ra, trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có một số sửa đổi trong cách tính dự phòng nghiệp vụ nên gánh nặng trích lập dự phòng cũng nhẹ bớt.
Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp, tình hình chỉ tạm ổn nếu lãi suất ở mức như hiện nay, nếu lãi suất xuống thấp hơn thì khó khăn trích lập dự phòng vẫn không tránh khỏi.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, để gỡ khó cho doanh nghiệp có thể Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều chỉnh cách tính dự phòng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Còn muốn sửa đổi nhiều hơn để các doanh nghiệp phát triển ổn định thì phải chờ sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm vào thời gian tới.
Được biết, tại hội nghị CEO nhân thọ lần thứ 27 vừa qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách cũng như hoạt động bảo hiểm như cho phép doanh nghiệp mở thêm địa điểm thi tuyển đại lý, sửa quy định về trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh lãi suất trái phiếu tiếp tục xuống thấp...
Cơ cấu doanh thu do dòng bảo hiểm liên kết đầu tư mang lại được nhìn nhận vẫn chưa thể đảo chiều trong thời gian tới khi các doanh nghiệp tiếp tục đưa các sản phẩm này ra thị trường.
Cùng với đó là kế hoạch đẩy mạnh việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị. Với lợi thế đang có, theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, có khả năng doanh thu phí của sản phẩm liên kết đầu tư sẽ chiếm đến 80% tổng doanh thu của thị trường.
Tuy nhiên, theo CEO một công ty bảo hiểm, các công ty bảo hiểm cần phải cung cấp cho khách hàng những sản phẩm mang đặc tính tích lũy tiết kiệm.
Bên cạnh đó, những sản phẩm liên quan đến bảo vệ cần đa dạng hơn, chẳng hạn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trọn đời.
“Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ nên chúng ta vẫn cần phải phát triển thêm những sản phẩm bảo hiểm trọn đời”, vị này nhìn nhận.
No comments