Câu chuyện về một FWD khác biệt
FWD rõ ràng là một thương hiệu mới trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Ở quy mô khu vực châu Á, tập đoàn FWD được thành lập năm 2013, trực thuộc tập đoàn đầu tư Pacific Century Group.
Không thể so tuổi với các thương hiệu như Prudential (1848), Manulife (1887), Generali (1831)… nhưng cách mà FWD bước chân vào ngành bảo hiểm lại khiến cả thị trường ngỡ ngàng, bằng công cụ M&A, mua lại và sáp nhập, trong thời gian ngắn, FWD cũng đã nhanh chóng mở rộng và thâm nhập thêm các thị trường mới như Indonesia, Philippines, Singapore, Nhật, Malaysia.
Từ đây, FWD trở thành Tập đoàn bảo hiểm có mặt rộng khắp tại 9 nước châu Á với tổng tài sản hơn 50,9 tỉ USD với 7,5 triệu khách hàng và 6.200 nhân viên.
Tại Việt Nam, FWD bước chân vào bằng cách làm tương tự khi mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam (năm 2016), nhưng để trụ vững và chiếm lĩnh thị phần, FWD còn làm hơn thế nữa khi không chỉ thực hiện 1 thương vụ M&A.
Mùng 9 tháng 4 năm 2020, FWD công bố việc được chấp thuận mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank Cardif (VCLI), liên doanh giữa Vietcombank và Tập đoàn Cardif. Đây là một thương vụ đáng chú ý trên thị trường M&A năm 2020 vốn chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Thương vụ M&A đáng chú ý này được giới bảo hiểm hiểu rằng, đó chỉ là phần nhạc đệm của thỏa thuận, cho phép FWD giành hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm của FWD thông qua hệ thống Vietcombank, ngân hàng có quy mô hàng đầu thị trường.
Việc giành quyền phân phối độc quyền bảo hiểm qua mạng lưới Vietcombank thể hiện rõ mục tiêu phát triển lâu dài và mạnh mẽ của FWD tại Việt Nam cũng như tham vọng của doanh nghiệp này sớm nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Với FWD, M&A là công cụ và là con đường ngắn nhất để đến cái đích là khách hàng. Để thực hiện thương vụ này, trước đó cuối tháng 3/2020, FWD đã công bố tăng vốn điều lệ của công ty từ 3.675 tỉ đồng lên hơn 13.937 tỉ đồng và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ.
Tổng số tiền mà FWD đã đầu tư vào Việt Nam là hơn 10.000 tỷ đồng, bao gồm cả thương vụ mua lại và đầu tư vào nhân sự, công nghệ, tạo ra những sản phẩm ưu việt hơn, nâng cao dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng, mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối và hợp tác với những đối tác lớn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.
Có thể nói, cả 2 thương vụ M&A mà FWD đã thực hiện tại Việt Nam chỉ trong vòng 4 năm qua đã đâu đó thay đổi bản đồ ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, cái tên Great Eastern biến mất, còn VCLI đã được đổi tên thành FWD Assurance và theo giới chuyên môn thì việc sáp nhập vào Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam sẽ sớm diễn ra.
Nếu như thương vụ M&A đầu tiên mở cánh cửa để FWD bước chân vào thị trường Việt Nam thì thương vụ mua lại VCLI lại là cơ hội để FWD mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển kênh phân phối đầy tiềm năng bancassurance với ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam là Vietcombank. FWD mua lại VCLI cũng là thương vụ M&A tiêu biểu của năm 2020.
Mới đây, vào tháng 12/2020, FWD đã tăng vốn điều lệ từ 13.937 tỷ đồng lên 15.174 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm Việt Nam về vốn điều lệ, đồng thời cho thấy kế hoạch đầu tư và phát triển lâu dài của doanh nghiệp này tại thị trường Việt Nam.
Không có lịch sử phát triển lâu đời hàng trăm năm nhưng đây không hẳn là điểm yếu bởi với một doanh nghiệp ngay từ đầu đã đặt ra tầm nhìn “thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm” như FWD thì hẳn nhiên những điều mà doanh nghiệp này làm phải khác biệt đủ để thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của khách hàng vốn còn khá nhiều định kiến về bảo hiểm.
Điều đầu tiên mà FWD thực hiện khi vào thị trường bảo hiểm Việt Nam đó chính là cắt bỏ hơn 20 - 30 điều khoản loại trừ xuống chỉ còn 1-6 điều khoản, mức phí bảo hiểm không đổi, phạm vi bảo hiểm rộng hơn.
Danh mục loại trừ dài dòng, phức tạp là một trong những cản trở khách hàng đến với bảo hiểm. Việc tiên phong tinh giản điều khoản loại trừ của FWD đến nay vẫn được xem là một đột phá đáng ghi nhận của FWD đối với ngành bảo hiểm.
Năm 2018, FWD tiếp tục tiên phong bán bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến trên trang thương mại điện tử Tiki với sản phẩm đầu tiên là FWD Bảo hiểm bệnh ung thư.
Để bán bảo hiểm trực tuyến, không có người tư vấn, sản phẩm của FWD cực kỳ đơn giản, dễ hiểu, mức phí thấp chỉ từ 99k đồng, cộng với toàn bộ quy trình đọc hiểu sản phẩm, đăng ký, thanh toán và hoàn tất hồ sơ rút ngắn chỉ còn vài phút và hoàn toàn trực tuyến.
Thành công của FWD khi phát triển bán bảo hiểm 100% trực tuyến không chỉ giúp khách hàng thuận tiện và dễ dàng tham gia bảo hiểm mà còn mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ bùng nổ của bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam.
Rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn sau này cũng đã thử nghiệm và khai thác kênh bán bán hàng đầy tiềm năng này.
Tháng 9/2020, FWD triển khai dịch vụ giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến 24h (24h E-Claim) áp dụng cho tất cả các sản phẩm có quyền lợi trợ cấp viện phí và chi phí phẫu thuật với chỉ 1 phút gửi yêu cầu, 30 phút nhận kết quả, 24 giờ nhận quyền lợi và đặc biệt, mọi thao tác đều hoàn toàn trực tuyến.
Thông qua dịch vụ này, khách hàng có một cảm nhận mới về bảo hiểm: “dễ dàng, đơn giản, dễ hiểu” hơn.
Những ngày gần đây, thị trường càng thêm “rộn ràng” với cụm từ “FWD Bảo hiểm dễ hiểu”. Đây được xem như một bước chuyển mình của bảo hiểm tại Việt Nam bởi lâu nay, ấn tượng trong nhiều người về bảo hiểm chính là sự phức tạp, khó hiểu.
Một hợp đồng bảo hiểm thường có hàng chục điều khoản với hàng trăm thuật ngữ về bảo hiểm, toán học, y khoa, luật… Đây là một trong những lý do khiến khách hàng không hiểu và không tin vào bảo hiểm, khiến tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở Việt Nam chưa vượt qua con số 10% dân số.
Để triển khai dự án “FWD Bảo hiểm dễ hiểu”, FWD đã nghiên cứu và rà soát lại toàn bộ các nội dung, chỉnh sửa, cải tiến và sắp xếp lại để phù hợp với thói quen và xu hướng đọc thông tin của số đông.
Từ nền tảng này, FWD sử dụng thêm hình minh họa, các biểu tượng, ví dụ, hình vẽ; màu sắc, sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu; chuyển các câu ghép thành các câu đơn; trình bày nội dung theo từng nhóm chủ đề chuyên biệt; giải thích thuật ngữ ngay tại chỗ… để khách hàng dễ dàng hiểu được quyền lợi của mình.
Trong một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây, 55% người được hỏi khẳng định rằng họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho một thương hiệu có thể mang đến cho họ những trải nghiệm đơn giản. Ngoài ra, 64% người xác nhận rằng họ sẵn sàng giới thiệu các thương hiệu có trải nghiệm và giao tiếp đơn giản cho bạn bè và người quen của họ.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự tối giản trong cuộc sống. Đơn giản để dễ dàng hiểu được mình có quyền lợi gì, trách nhiệm ra sao. Mọi thứ minh bạch rõ ràng không chỉ đem lại một trải nghiệm tốt cho khách hàng mà còn nâng cao niềm tin yêu của khách hàng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với toàn ngành bảo hiểm Việt Nam.
No comments