Cần sớm thống nhất cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm
Việc thống nhất cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm và công bố tỷ lệ này hàng năm thực tế là quy định rất cần thiết, để từ đó các doanh nghiệp chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng đại lý tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Hiện tại, dù chưa có con số hủy hợp đồng chi tiết của toàn thị trường, nhưng tại mỗi doanh nghiệp bảo hiểm đều có thống kê riêng.
Chẳng hạn, tại Dai-ichi Life Việt Nam, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm 2019 là khoảng 72%. Hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu năm 2020 đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng lên khoảng 80%.
Hanwha Life Việt Nam cũng có tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm 2019 là 72%, tăng cao so với năm 2018. Ở Chubb Life Việt Nam, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm khoảng hơn 80%...
Được biết, cách tính tỷ lệ duy trì hợp đồng hiện nay chưa có sự thống nhất, mà mỗi doanh nghiệp tính theo một cách khác nhau.
Tỷ lệ hủy hợp đồng đang được tính theo 2 cách: Sau tháng thứ 13 hoặc sau tháng 24-25 (tức là sau năm thứ nhất hay năm thứ 2) và cũng chưa thống nhất tính tỷ lệ hủy hợp đồng trên số đầu hợp đồng hay tính trên số tiền, số phí…
Được biết, IAV đang cùng với các chuyên gia tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm bàn thảo nhằm tìm ra phương án thích hợp nhất.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một số doanh nghiệp nhìn nhận, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bình quân theo phí đóng năm thứ 2, thứ 3 tại Việt Nam hiện nay ước duy trì từ 70-80%, các năm tiếp theo từ 85-90%.
Theo IAV, hiện có 2 dạng yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phổ biến: Một là bị ép để mua chứ thực sự chưa hiểu hợp đồng, buộc phải mua để được thỏa mãn điều kiện nào đó (đây là những hợp đồng chủ yếu được bán qua kênh bancassurance).
Hợp đồng bảo hiểm mua ở dạng này thì thường kết thúc khi hết năm thứ nhất vì kỳ phí tiếp theo khách hàng sẽ không đóng phí nữa; hai là mua bảo hiểm do quen biết, nể nang người quen bán bảo hiểm nên khách hàng cũng chưa thực sự hiểu hợp đồng.
Trong khi đó, việc tư vấn bảo hiểm cũng chưa “đến nơi, đến chốn” các quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như chưa tư vấn chính xác mức phí đóng bảo hiểm và khả chi trả của khách hàng.
Mức phí đóng bảo hiểm có thể quá khả năng chi trả thường xuyên của khách hàng, vì vậy, sau một thời gian không trụ được, khách hàng đành phải hủy hợp đồng…
“Chỉ có 2 dạng này là hủy nhiều, còn lại khách hàng nào đã có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ thực sự thì ít khi hủy, vì việc hủy hợp đồng trong 2 năm đầu là khách hàng sẽ bị thiệt hại”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành, mức phí đóng bảo hiểm phù hợp chỉ nên từ 10-15%/năm thu nhập ổn định của gia đình và số tiền bảo hiểm của hợp đồng phải tương ứng với 10-15 năm thu nhập của người trụ cột để đảm bảo sự bù đắp kịp thời và đầy đủ cho gia đình.
Không nên tham gia quá cao bởi mức phí quá cao sẽ làm ảnh hưởng tới việc chi tiêu trong gia đình, phí cao sẽ làm bảo hiểm nhân thọ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình, rất khó để có thể theo được nhiều năm đóng phí.
Người tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng nên ưu tiên cho người trụ cột, người tạo ra thu nhập chính trong gia đình, sau đó tới những người tạo thu nhập phụ, rồi mới tới trẻ em…
Trở lại câu chuyện sớm thống nhất và công khai cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trước đó, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, tỷ lệ duy trì hợp đồng ở các kênh bán hàng đại lý hay bancassurance phụ thuộc vào chính người bán bảo hiểm (đại lý hoặc nhân viên ngân hàng).
Bởi suy cho cùng, mối quan hệ của khách hàng có tốt hay không, người bán hàng và chăm sóc khách hàng có vai trò vô cùng quan trọng.
Mối quan hệ này càng tốt thì tỷ lệ duy trì hợp đồng càng cao. Vị CEO này cũng mong muốn sớm thống nhất cách tính và công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng hàng năm, bởi đây là thước đo về sự hài lòng của khách hàng đối với mỗi hãng bảo hiểm nhân thọ.
Gia Linh
No comments