Breaking News

TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ TRỤC LỢI BẢO HIỂM




Hôm qua và nay nhiều báo đưa tin về vụ việc 1 người ở tỉnh Lâm Đồng tên Đỗ Văn Minh giết người “mượn xác” với mục đích trục lợi bảo hiểm nhân thọ, gây xôn xao dư luận.
Số tiền BH ông Đỗ Văn Minh mua là 9 tỷ đ, quyền lợi BH trong trường hợp tử vong do tai nạn sẽ được chi trả gấp đôi, tức là 18 tỷ đ.
Đây là vụ đầu tiên dạng này ở Việt Nam .

Cách đây đúng 4 năm, vào tháng 5/2016, cả nước xôn xao vụ người phụ nữ ở Hà Nội thuê người chặt tay và chặt chân, sau đó tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hóa cán để đòi tiền bảo hiểm 3,5 tỷ đ (vụ này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, mà nhiều  báo nước ngoài cũng đưa tin. Tự hủy hoại thân thể để trục lợi BH ở nước ngoài cũng có, nhưng việc thuê người khác chặt đứt hẳn 1 cánh tay và 1 cẳng chân lành lặn như ở VN để lấy tiền bảo hiểm, quả thật quá “dũng cảm” khiến thế giới phải sửng sốt).
Vụ chặt chân tay này công an điều tra ra được, vì dấu vết rõ ràng. Còn có nhiều vụ tự hủy hoại thân thể để nhận tiền bảo hiểm, việc điều tra cực kỳ khó khăn, và khi không chứng minh được hành vi trục lợi của khách hàng, DNBH phải chi trả quyền lợi BH.

Cách đây hơn 1 năm, vào đầu năm 2019, có vụ 1 người phụ nữ mua gần như cùng lúc 9 hợp đồng BH ở 8 DNBH nhân thọ khác nhau. sau đó khoảng 1 tháng bị “tai nạn” do dao chặt cụt ngón tay cái. Số tiền BH nếu đòi được từ tất cả hợp đồng BH đã mua lên tới vài tỷ đ. 
Trường hợp đầu tiên ở địa phương đó là 1 người đàn ông mua bảo hiểm nhân thọ một thời gian ngắn thì  bị “tai nạn” chặt đứt ngón tay cái. Anh này mua BH ở 1 DNBH, và dù nghi ngờ nhưng không thể chứng minh được hành động cố tình tự hủy hoạt thân thể để trục lợi, DNBH đó đã phải chi trả 300 triệu đ. Vài tháng sau, anh này lại tiếp tục bị “tai nạn” cụt nốt ngón tay cái bàn tay kia, và nhận được tiếp 300 triệu đ. Tổng cộng anh này nhận được 600 triệu đ cho 2 ngón tay cái.
Nghiêm trọng hơn, chỉ 1 thời gian ngắn khoảng 1 năm sau đó, tại làng quê đó và làng bên cạnh xảy ra liên tiếp gần 10 trường hợp cũng mua BH và sau đó bị “tai nạn” cụt ngón tay với những lý do khác nhau (chặt dừa, chặt cây, cưa, chặt giò heo…). Đây là hiện tượng rất bất thường căn cứ trên những dữ liệu theo dõi từng khu vực thị trường và các thống kê chuyên môn của ngành bảo hiểm. 

Mới đây, cuối năm 2019, có trường hợp 1 người đàn ông trong 1 khoảng thời gian ngắn mua 15 hợp đồng BH nhân thọ tại 10 DNBH nhân thọ, và sau đó 1 thời gian khiếu nại đòi quyền lợi BH ung thư. Tổng số tiền chi trả QLBH ung thư từ 15 hợp đồng này tới gần 10 tỷ đ. 
Tôi không nói bạn này trục lợi BH, khi chưa có bằng chứng về việc đó. Nhưng đánh giá về nhiều yếu tố, chúng tôi thấy có nhiều điểm bất thường.
 DNBH nếu không tìm ra bằng chứng trục lợi, sẽ chi trả quyền lơi bảo hiểm. 
Nhưng nhận tiền rồi, đừng vội mừng, nếu bạn nhận quyền lợi bảo hiểm đó do đã thực hiện hành vi trục lợi. Vì dù kế hoạch của bạn có tinh vi đến đâu, hồ sơ mua BH và yêu cầu chi trả QLBH của bạn có chặt chẽ đến đâu, cũng sẽ có những sơ hở. 
Có thể trong tương lai khi DNBH phối hợp với các bên liên quan điều tra tìm được bằng chứng, bạn (và cả người đã tiếp tay cho bạn) sẽ vướng vòng lao lý. Điều 213 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Gian lận bảo hiểm” quy định hành vi gian lận (trục lợi) bảo hiểm chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 500 triệu đ trở lên là bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.
Điều này chả ai muốn, nên hãy dừng lại trước khi quá muộn! 

Nói thêm chút về vấn đề trục lợi bảo hiểm đang ngày càng trở thành 1 vấn đề lớn ở Việt Nam.
Hàng năm, các DNBH chi trả hàng ngàn tỷ đ quyền lợi BH (năm 2019, các DNBH nhân tho chi trả hơn 24.000 tỷ đ quyền lợi BH; nếu cộng cả chi trả quyền lợi BH sức khỏe của các DNBH phi nhân thọ thì tổng số tiền chi trả là khoảng 30 ngàn tỷ năm 2019). Không ai có  thể nói được trong đó có bao nhiêu tiền DNBH đã chi trả cho khách hàng trục lợi BH. Có một nghiên cứu giai đoạn từ năm 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền trên 530 tỷ đ trong bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam (đó là những vụ DNBH điều tra phát hiện được ra bằng chứng, vì thế từ chối chi trả QLBH hoặc khách hàng sau khi biết bị phát hiện tự rút yêu cầu đòi QLBH). Có một khảo sát khác ước tính có từ 4%-6% hồ sơ chi trả QLBH có dấu hiệu trục lợi của khách hàng, tuy nhiên DNBH không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả nên vẫn thực hiện chi trả cho khách hàng.
Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Ở nước ngoài, đã xảy ra những vụ việc chồng giết vợ, vợ giết chồng, vợ chồng giết con, trả vờ mất tích, “mượn xác” (giống như vụ ở Dak Nông vừa qua)…Trong trục lợi bảo hiểm, chia làm 2 loại : trục lợi “cứng” (hard fraud) và trục lợi mềm (soft fraud, hay còn gọi là trục lợi cơ hội).Trục lợi cứng là hành vi khi một người cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật, tự hủy hoại (tài sản, thân thể…) đề đòi bồi thường. Trục lợi mềm (trục lợi cơ hội) là việc có sự kiện bảo hiểm xảy ra thật, nhưng người được bảo hiểm kê khai tăng khiếu nại của họ (trong BH con người, ví dụ như việc ngụy tạo chứng từ để kê khai tăng số ngày nằm viện, các dịch vụ chữa bệnh điều trị mà trên thực tế người được BH không sử dụng…). 
Ở các nước phát triển, nghề thám tử bảo hiểm rất phát triển và có thu nhập tốt. Những cảnh sát điều tra, bác sỹ… sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác có thể  làm rất hiệu quả công việc này.
Hy vọng ở Việt Nam trong tương lai không xa, Nhà nước cũng sẽ cho phép loại nghề nghiệp này xuất hiện, mang lại sự phát triển lành mạnh cho bảo hiểm – một ngành kinh tế quan trọng tại bất kỳ quốc gia phát triển nào.
Nguồn Ngo Trung Dung

No comments