Những trang bán bảo hiểm online không… sống
Bên cạnh các trang web chính thức của các hãng bảo hiểm, ngày càng nhiều trang bán bảo hiểm được lập dưới nhiều hình thức khác nhau được lập ra. Có thể kể đến các trang được lập dưới dạng website như trang nibo.vn; bigfamily.vn; www.bcavietnam.com …
Bên cạnh đó, có vô số các fanpage được lập trên facebook của các đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân đến từ các công ty bảo hiểm, cũng như các trang được mở từ các đại lý bảo hiểm tổ chức.
Hình thức tổ chức cũng khác nhau, có trang được vận hành bởi một đơn vị, có trang thì do một cá nhân bỏ tiền xây dựng rồi đảm đương khâu vận hành từ đầu đến cuối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc lập các website do cá nhân tự lập nên (đại lý cá nhân) khá đơn giản, chi phí chỉ mất khoảng vài triệu đồng, không phải xin phép. Cá nhân có thể đến từ người của các công ty bảo hiểm, tách ra làm riêng… Nếu muốn, có thể xóa sổ dễ dàng.
Có một số webite thì được đầu tư bài bản hơn, với quy mô lớn hơn, có thể kể đến Bihama (dự kiến sẽ ra mắt tới đây), thebank.vn…, hoặc xuất hiện trên các kênh thương mại điện tử như tiki.vn, shopee theo hình thức hợp tác bán hàng.
Dẫu được lập la liệt, nhưng theo giới quan sát, những năm qua, có nhiều website được lập nhưng một một thời gian là sập, gần như bị tê liệt, không hoạt động, không mang lại doanh thu như kỳ vọng ban đầu… dù phần “hình” (hình ảnh bên ngoài) vẫn còn, nhưng “phần lõi” là không (không có bộ phận tương tác, tiếp nhận thông tin trực tuyến từ khách hàng).
Website dần bị tê liệt, theo giới quan sát đó là bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể đến như khách hàng tại Việt Nam chưa có thói quen mua online với sản phẩm bảo hiểm, trong khi bên bán thì chưa đầu tư đội ngũ truyền thông, quảng cáo, viết nội dung đủ mạnh hàng ngày, dẫn đến doanh số mang về không đủ nuôi sống được hệ thống của trang web, để web hoạt động.
“Sự phức tạp về bồi thường khi giao dịch qua kênh trực tuyến cũng là một điểm gây băn khoăn. Khi xảy ra bồi thường liệu có hỗ trợ giải quyết trực tuyến hoàn toàn được hay không nên thói quen mua trực tiếp vẫn đang được lựa chọn như một hình thức tối ưu nhất hiện nay"
Ngoài ra, với các sản phẩm bảo hiểm có mức phí lên đến hàng triệu, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng, khách hàng chưa an tâm để chuyển tiền và thanh toán online, do đó, việc sử dụng 4.0 tùy từng ngành nghề mới hiệu quả.
Với bảo hiểm thì 4.0 hiện nay là cầu nối, bán một số sản phẩm đơn giản giá trị thấp, hoặc có dùng để quảng bá, tương tác với khách hàng tiềm năng, còn giao kết hợp đồng thực vẫn cần đến các đại lý, các tư vấn viên bảo hiểm một cách trực tiếp.
Đáng kể nhất, việc lập các website, fanpage hiện quá rẻ và quá dễ nên cũng ít có kế hoạch đầu tư bài bản (công nghệ, nội dung, marketing, vận hành…) mà thường mang tính “ngẫu hứng” nhiều hơn.
Nếu có doanh thu từ bán hàng thì tiếp tục duy trì, còn nếu không thì bỏ bẵng và tự động… sập! Đó là thực trạng, còn nếu nói xa hơn là tạo một nền tảng online bán hàng thì hiện chỉ có chính các công ty bảo hiểm, hoặc các đại lý lớn mới có thể khai thác kinh doanh được.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì kênh online dù dưới hình thức nào vẫn sẽ là xu thế không thể bỏ qua trong câu chuyện của ngành bảo hiểm, dù doanh thu hiện tại còn hạn chế.
Bên cạnh các trang web được lập lên rồi bỏ đó thì vẫn có nhiều trang đang được đầu tư hoặc dự kiến đầu tư công phu như một kênh chủ lực.
Chủ các trang web này bỏ không ít tiền cho Google để quảng bá, chỉ cần gõ chữ “mua bảo hiểm”, “bán bảo hiểm”, “bảo hiểm” sẽ thấy những trang được gắn mác quảng cáo, không chỉ là các công ty bảo hiểm mà còn các trang tuyển dụng đại lý, tư vấn dịch vụ.
Vào cuộc chơi này, sẽ rất tốn kém vì chi phí quảng cáo chưa bao giờ là rẻ với một doanh nghiệp, chứ đừng nói là các cá nhân.
Câu chuyện của Grab, Uber... được các chuyên gia truyền thông khi đi đào tạo cho ngành bảo hiểm mang ra làm ví dụ, chi phí quảng cáo lên tới hàng tỷ USD nhằm thay đổi thói quen người dùng sang loại hình gọi xe công nghệ, thay thế taxi truyền thống.
Các hãng này đã có khách hàng và có doanh thu, nhưng luôn báo cáo lỗ.
Kim Lan
No comments